Khi thiên nhiên lên tiếng1

Trong họa có phúc. Bài học trong đại dịch Covid-19 này chính là ở chỗ: hãy điều chỉnh sự hoạt động của con người theo hướng làm cho môi trường tốt lên.

Chiều ngày 5/4, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ: mọi người nên ở nhà và chỉ ra ngoài khi có những việc thật cần thiết, chỉ số không khí ở Hà Nội đang từ mức báo động, bị xem là một trong những thành phố có bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới, đã chuyển thành màu xanh, là màu cho thấy chỉ số rất tốt, chất lượng không khí không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Và từ đó đến nay, chỉ số không khí của Thủ đô luôn luôn hiển thị màu xanh.

Cùng với Hà Nội, chất lượng không khí ở TP Hồ Chí Minh, nơi đang bị ô nhiễm nặng nề, cũng từ màu tím ngắt (màu báo động) chuyển thành màu xanh.

Nhìn ra thế giới, cũng nhận được nhiều tín hiệu tốt về môi trường: ô nhiễm không khí đã sụt giảm đáng kể tại những nơi được đánh giá là ô nhiễm nhất thế giới.

Theo Guardian, ảnh chụp vệ tinh của Nasa cho thấy lượng khí thải NO2 của Trung Quốc đã giảm rất mạnh, và mức độ giảm mạnh nhất lại được ghi nhận ở Vũ Hán, nơi được cho là điểm khởi phát của đại dịch Covid-19.

Tại châu Âu, sông Venice của Italia mới cách đây mấy tháng còn bị ô nhiễm hết sức nặng nề, thì nay đã trở nên trong xanh leo lẻo, có thể nhìn thấy rõ những đàn cá đang bơi.

Ở Ấn Độ, lần đầu tiên sau 30 năm, người dân có thể nhìn thấy dãy Himalaya, bởi mới cách đây mấy tháng, bầu không khí bị ô nhiễm, vẩn đục, đã trở nên một bức màn trùm chặt lấy dãy núi cao nhất hành tinh này, khiến không ai có thể nhìn thấy nó.

Rất nhanh, các nhà khoa học đã đi đến một kết luận: sở dĩ môi trường được cải thiện theo hướng tốt lên như vậy, là nhờ có... đại dịch Covid-19. Trận đại dịch này đã khiến cho hơn một nửa nhân loại, ước tính khoảng 3,9 tỷ người (con số do VTV1 công số sáng ngày 11/4) phải ở trong nhà để chống dịch, và chỉ ra ngoài những khi thật cần thiết.

Mọi hoạt động xã hội giảm xuống ở mức thấp nhất, cũng vì vậy mà môi trường cũng bị tác động ở mức thấp nhất. Và khi con người im lặng thì thiên nhiên lập tức lên tiếng.

Những hiện tượng trên cho thấy rõ một điều: chính con người là tác nhân khiến môi trường trở nên xấu đi như hiện tại. Chính con người đã biến hàng triệu ha rừng thành sa mạc.

Chính con người làm khí hậu biến đổi, làm trái đất nóng lên khiến cho hàng tỷ khối băng tan, làm nước biển dâng, nuốt chửng những cánh đồng màu mỡ.

Chính con người khiến những dòng sông cạn nước, hàng trăm loài chim, thú vĩnh viễn biến mất khỏi trái đất. Nói tóm lại, mỗi hoạt động của con người đều liên quan mật thiết đến sự biến đổi cả tốt lên lẫn xấu đi của môi trường.

Và biết đâu, chính vì làm cho môi trường tốt lên mà con người không phải chịu những trận đại dịch?

Bạn đang đọc bài viết Khi thiên nhiên lên tiếng tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.