Đoàn làm phim Tổ ấm nhìn trên cao trong quá trình sản xuất phim
Hình ảnh người phụ nữ bị bạo lực được tái hiện trên màn ảnh Việt không còn là một điều xa lạ. Thế nhưng, ở mỗi gia đình khác nhau, ở mỗi góc nhìn khác nhau lại là một câu chuyện bạo hành khác nhau. Đó chính là lời chia sẻ của đạo diễn Lê Đại Dương khi được hỏi lý do vì sao anh thực hiện bộ phim Tổ ấm nhìn trên cao.
Lột tả chân thực nạn bạo hành gia đình
“Tổ ấm nhìn trên cao” không phải là bộ phim hư cấu, đó là câu chuyện có thật của một phụ nữ sống ở ngoại ô Hà Nội. Qua diễn xuất của diễn viên Nguyệt Nguyễn trong vai Hạnh, cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam được tái hiện một cách rõ nét. Đó không chỉ là những đòn roi “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” mà đó còn là sự tra tấn dã man thường xuyên cả về thể xác lẫn tinh thần của một người phụ nữ.
“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện kể về cuộc đời của Hạnh. Hạnh sinh ra trong một gia đình gia giáo lại hết mực yêu thương chồng con nên cô luôn hướng đến hình ảnh một người phụ nữ lễ tiết. Điều đó đã vô hình đẩy cuộc đời Hạnh vào con đường tối tăm, cực độ sau này.
Vốn là một người hết mực yêu thương Hạnh, song chỉ ngay hôm đầu tiên lấy nhau, Phong (do Xuân Thịnh đóng) đã tỏ rõ bản chất là một người chồng côn đồ. Với quan niệm: “chồng chúa, vợ tôi, con cái là người phục dịch”, Phong bỏ bê công việc, chìm đắm trong rượu chè, cờ bạc và luôn tìm cớ hành hạ vợ con. Hơn thế nữa, Phong còn dẫn cả bồ bịch về nhà và bắt Hạnh chăm sóc.
Mặc dù ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của chồng, thế nhưng vì lễ tiết của người phụ nữ và vì lo sợ sự mất mặt cho gia đình nên Hạnh đã âm thầm chịu đựng cuộc sống bị bạo hành. Với hy vọng có thể mang lại một tương lai sáng ngời cho con gái, cô luôn cố gắng làm lụng và hết lòng bao dung chồng. Ngay cả khi Phong mang Thủy (con gái) đi gán nợ Hạnh vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau khổ do chính chồng gây ra.
Mặc dù từng “năm lần, bảy lượt” quyết định dứt bỏ chồng, song mỗi lần như vậy là mỗi lần Phong ỉ ôi, nịnh nọt vợ. Phong lấy cớ mình lâm vào bước đường cùng, cận kề cái chết nên mong Hạnh rủ lòng thương mà cứu giúp. Vốn là người phụ nữ yêu thương chồng hết mực, nên khi nghe Phong nài nỉ Hạnh lại mềm yếu, mủi lòng. Cũng bởi nắm được điểm yếu của Hạnh là nhún nhường, nên cuối cùng Phong vẫn luôn là người thắng dù chính anh gây ra bao đau khổ cho vợ.
Kịch tính đến từ những lớp lang chồng chéo
Nếu như ở những bộ phim khác, tính chất bạo hành gia đình chỉ xuất hiện ở một vài phân đoạn. Thì “Tổ ấm nhìn trên cao” là bộ phim đầu tiên lột tả chân thực vấn nạn này. Bộ phim không né tránh những đau đớn của người phụ nữ mà được dựng nên bởi những chất liệu rất thực, rất đời của cuộc sống.
Một phân cảnh trong phim Tổ ấm nhìn trên cao.
Biên tập Nguyễn Đắc tới chia sẻ: “Tôi nghĩ, chúng tôi không lấy nước mắt của người xem bằng những cảnh bạo lực, mà chúng tôi muốn diễn tả sự chân thực của cuộc sống, những mảnh đời bất hạnh ngay trong tổ ấm của mình. Tôi tin rằng sự chân thật ấy sẽ chạm đến trái tim của khán giả và có được niềm cảm thông từ khán giả dành cho nhân vật. Khi đọc kịch bản, tôi có cảm giác nhân vật Hạnh bị đè nén đến mức như sẵn sàng bùng nổ trước một người chồng bạo lực mất hết tính người như Phong. Chuyện phim phần lớn là những lớp lang chồng chéo, chưa hết mâu thuẫn này lại sang mâu thuẫn khác, để rồi khán giả tự thấy rằng những mâu thuẫn ấy đã được âm thầm giải quyết bởi tình thương của hạnh. Đó là sự chân thực mà tôi tin sẽ luôn hấp dẫn khán giả.”
Bằng những thước phim “đậm đặc” mùi bạo hành, Hạnh hiện ra như một người phụ nữ rất Việt và để lại nỗi day dứt, ám ảnh trong lòng người xem. Qua đó, “Tổ ấm nhìn trên cao” để lại nhiều thông điệp ý nghĩa. Đó không chỉ là lòng yêu thương, sự nhẫn nhục, hy sinh thầm lặng vì gia đình. Mà đó còn là niềm khao khát cháy bỏng về một tổ ấm êm đềm và hạnh phúc của người phụ nữ.
Hơn thế nữa, bộ phim cũng là lời khẳng định về giá trị bình đẳng trong gia đình; là sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm “chồng chúa, vợ tôi”; nêu cao phẩm chất của người phụ nữ và quyền được coi trọng của họ. Bên cạnh đó, “Tổ ấm nhìn trên cao” cũng là lời kêu gọi giải thoát cho những số phận bèo bạc của người phụ nữ. Hơn lúc nào họ cần được bảo vệ và họ phải tự bảo vệ mình.