Vừ Pa Chay là người dân tộc Mông, quê ở vùng núi thuộc khu vực Nậm U (thượng Lào), nhà nghèo nên sau khi cha mất, ông đưa mẹ sang vùng cao Lai Châu (nay là Điện Biên) sinh sống và làm con nuôi người họ Giàng nên còn có tên gọi Giàng Tả Chay. Chứng kiến nhân dân các dân tộc rơi vào cảnh lầm than, phải đóng sưu cao, thuế nặng, đi lính, đi phu, không được học hành, không được chữa bệnh... ông đã kêu gọi người dân trong vùng đứng lên đấu tranh. Tháng 10/1918, cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Vừ Pa Chay lãnh đạo đã nổ ra. Ông cùng với nhân dân các dân tộc Mông, Khơ Mú, Lào... đoàn kết chống lại ách thống trị của thực dân Pháp với khẩu hiệu “quét sạch tây trắng, chống thuế, giành quyền tự chủ”. Thủ lĩnh Vừ Pa Chay đã lấy vùng cao Điện Biên và Bắc Lào làm trung tâm hoạt động, tổ chức hành quân đánh địch hoặc bố trí lực lượng chặn đánh khi chúng điều quân tới. Riêng khu căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay ở vị trí cao với tầm nhìn bao quát rất thuận lợi cho việc quan sát hoạt động của thực dân Pháp, đồng thời địa điểm này là những hốc đá, phiến đá có bản dài thuận tiện cho việc tác chiến, cất giấu vũ khí và họp bàn phương án tác chiến. Với lối đánh linh hoạt, nghĩa quân đã gây cho Pháp và bọn tay sai nhiều phen khốn đốn.
Tháng 12/1918, địch tập trung 200 quân gồm lính khố xanh và lính dõng tấn công lên khu căn cứ của nghĩa quân tại Mường Phăng và Pu Nhi. Nghĩa quân đã chiến đấu liên tục mấy ngày và diệt được nhiều tên. Trước tình hình đó, quân Pháp vô cùng lo sợ đã phải điều quân từ Lai Châu, Sơn La, Yên Bái lên đàn áp phong trào và tìm mọi cách để tiến sâu vào căn cứ của nghĩa quân. Dưới sự lãnh đạo của Vừ Pa Chay, nghĩa quân dựa vào rừng núi hiểm trở, lại được nhân dân che chở, giúp đỡ đã tổ chức được nhiều trận đánh đồng thời tránh các cuộc giao tranh lớn để bảo toàn lực lượng. Nhân lúc kẻ thù sơ hở, tiến đánh làm cho chúng tổn thất nặng về người và vũ khí. Mùa hè năm 1919 đến năm 1920, phong trào đã lan rộng khắp một vùng rộng lớn, bao gồm thượng lưu sông Nậm U, Sầm Nưa (CHDCND Lào) và Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã phải thú nhận: “Ảnh hưởng của phong trào cách mạng Vừ Pa Chay không chỉ bó hẹp trong một địa phương mà đã tỏa khắp cả núi rừng rộng trên 4 vạn cây số vuông”. Phong trào không còn mang tính chất địa phương mà lan ra thành cuộc khởi nghĩa rộng lớn. Đến năm 1922, thực dân Pháp tiến hành cuộc đàn áp lớn, cuộc khởi nghĩa Vừ Pa Chay thất bại. Mặc dù không thực hiện được khẩu hiệu nêu ra, nhưng hoạt động của nghĩa quân do Vừ Pa Chay lãnh đạo đã hun đúc ngọn lửa đấu tranh kiên cường, bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai đối với nhân dân các dân tộc Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Cuộc khởi nghĩa của Vừ Pa Chay có sức lan tỏa lớn, làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa của những người bị Pháp giam giữ tại nhà tù Lai Châu. Chính ở những địa điểm nghĩa quân Vừ Pa Chay nổi dậy chống Pháp, sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Lai Châu, đồng bào các dân tộc vùng cao đã xây dựng những khu căn cứ du kích: Pú Nhung, Điện Biên... mà kẻ địch không thể phá vỡ được.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay khu căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay không còn nguyên vẹn, nhưng những dấu tích vẫn còn. Khu vực chiến đấu, phòng thủ đã bị san lấp; khu vực nghỉ ngơi, họp bàn tác chiến, thờ cúng trời đất và các vị thần linh, khu vực cất giấu vũ khí cơ bản vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Khu căn cứ là một trong những di tích lịch sử quan trọng của cuộc khởi nghĩa do Vừ Pa Chay lãnh đạo chống lại thực dân Pháp, đây cũng là một biểu tượng thể hiện sâu sắc tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ bản mường quê hương đất nước. Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 24/12/2019 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh khu căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay.
Với việc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ sở cho việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị của khu căn cứ cách mạng Vừ Pa Chay nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, tham quan du lịch của nhân dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Hiện xã Pú Nhi đang đề nghị các cấp có thẩm quyền triển khai việc cắm mốc, khoanh vùng khu di tích để thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ.
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ