Trong trường hợp Iran quyết định trả đũa quân sự Mỹ sau vụ không kích tiêu diệt Tướng Soleimani, cả Trung Đông sẽ là chiến trường.
Ngày 7-1, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định nước này đang xem xét 13 kịch bản trả đũa Mỹ sau vụ Thiếu tướng Qassem Soleimani bị ám sát hôm 3-1, theo hãng tin Reuters. Theo tuyên bố của vị này, kịch bản yếu nhất vẫn mang tới “cơn ác mộng lịch sử”.
“Ngay cả khi kịch bản trả đũa nhẹ nhàng nhất trong số này đạt được sự đồng thuận thì việc thực thi nó có thể trở thành cơn ác mộng lịch sử với người Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, vì lý do tình báo, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin” - ông Shamkhani cho biết.
Cùng ngày, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami cũng đe dọa sẽ “thắp sáng” những nơi có sự chống lưng của Mỹ.
Nhìn chung, những phản ứng của Tehran hiện tại cho thấy Washington thực sự đã chọn đi nước cờ có nguy cơ cao khi ám sát một trong những nhân vật quan trọng và quyền lực nhất ở Trung Đông.
Nín thở chờ bước đi của Iran
Theo tờ South China Morning Post, câu hỏi quan trọng nhất bây giờ là Iran sẽ làm gì tiếp theo. Hành động của Tehran trong những tháng qua và trong lịch sử cho thấy nước này sẽ không vội vàng đáp trả. Thay vào đó, Iran sẽ hành động cẩn trọng nhằm tránh leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực với Mỹ. Dù vậy, mọi tính toán luôn có sai số.
Chuyên gia Ilan Goldenberg thuộc Trung tâm New American Security nhận định khi di chuyển đến gần các lực lượng Mỹ ở Iraq, ông Soleimani rõ ràng đã không nghĩ Mỹ dám ra quyết định giết ông. Suy nghĩ của ông Soleimani có cơ sở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay luôn khẳng định ông không muốn tiến hành một cuộc chiến mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã vượt quá tầm kiểm soát của ông chủ Nhà Trắng.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran duyệt binh ở thủ đô Tehran hồi tháng 4-2019. Ảnh: CNN
Theo chuyên gia Goldenberg, Mỹ tới đây “ít nhất sẽ phải chuẩn bị cho việc bước vào xung đột với các nhóm phiến quân người Shia ở Iraq vốn sẽ nhắm vào các lực lượng vũ trang, giới ngoại giao và dân thường Mỹ”. Một thực tế đáng ngại là các nhóm phiến quân tại Iraq đã tăng cường hoạt động trong sáu tháng qua. Lý do chuyên gia Goldenberg khoanh vùng Iraq vì đây là nơi Mỹ không kích giết Tướng Soleimani, là nơi hợp lý nhất để Iran xúc tiến đáp trả.
Một lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Iraq là nhóm dân quân Khaitab Hezbollah. Thủ lĩnh nhóm này là Abu Mahdi al-Muhandis cùng thiệt mạng với Tướng Soleimani trong vụ không kích của Mỹ. Khaitab Hezbollah là nhóm đã thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự K1 của Mỹ ở Iraq trước đó và sau cái chết của thủ lĩnh thì nhóm này đã thề sẽ trả đũa.
“Bất kỳ sự hỗ trợ nào dành cho các lực lượng này đều sẽ bị xem là hợp tác với khủng bố” - Quốc hội Iran tuyên bố sau khi liệt quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc vào danh sách các tổ chức khủng bố. |
Tầm trả thù của Iran có thể vươn đến đất Mỹ
Nghiêm trọng hơn, theo nhà báo Sarah Dadouch của tờ The Washington Post, ảnh hưởng của việc Mỹ giết Tướng Soleimani sẽ không chỉ gói gọn ở Iraq mà sẽ lan sang các khu vực khác có sự hiện diện của những lực lượng thân Iran.
Lực lượng Hezbollah ở Lebanon có quan hệ mật thiết với Iran và khả năng cao sẽ đáp trả lại Mỹ theo yêu cầu của Iran. Các chi nhánh của Hezbollah phủ khắp Trung Đông và khả năng tổ chức vũ trang này có thể tấn công các mục tiêu Mỹ không chỉ ở Lebanon mà cả khu vực. Chính phủ Trump đã công khai nhận trách nhiệm ám sát tướng Iran và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng nói rằng chuyện giết Tướng Soleimani không phải là chuyện của Israel. Nhưng điều này không hoàn toàn loại bỏ khả năng Hezbollah có thể chọn phóng tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Ngoài các lực lượng ủy nhiệm, quân đội Iran có thể sẽ chính thức vào cuộc. Iran có thể tiến hành tấn công tên lửa nhắm vào các căn cứ Mỹ ở Qatar, Saudi Arabia, hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hoặc các cơ sở hạ tầng dầu mỏ quanh vùng Vịnh. Sự chính xác của cuộc không kích nhắm vào hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia hồi tháng 9 đã khiến Mỹ và cả thế giới bất ngờ. Với tình hình hiện tại, Iran có thể lựa chọn hành động quyết liệt hơn trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa suốt sáu tháng qua trong khi vẫn không bị trả đũa.
Cuối cùng, có lẽ nước đi táo bạo nhất của Iran sẽ là tiến hành một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc ám sát một quan chức cấp cao của Mỹ ngang tầm với Tướng Soleimani. So với việc tấn công các lợi ích và công dân Mỹ ở hải ngoại, việc này sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn sẽ là một phương án Iran cân nhắc. Các nhân vật ngoại giao quan trọng của các nước đồng minh làm việc trên đất Mỹ cũng là đối tượng có nguy cơ bị Iran nhắm đến. Năm 2011, các cơ quan tình báo Mỹ chặn đứng âm mưu ám sát đại sứ Saudi Arabia ở Washington của Iran.
Mỹ điều lực lượng đối phó Iran Hãng tin Sputnik ngày 7-1 cho biết không quân Mỹ có kế hoạch triển khai một phi đội gồm sáu máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới căn cứ quân sự chiến lược trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương - vị trí có thể tấn công Iran. Lầu Năm Góc từ chối bình luận về động thái này. Hồi tháng 5-2019, Mỹ từng triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Qatar trong cao điểm căng thẳng với Iran. Diego Garcia là một căn cứ chiến lược phục vụ cho các hành động quân sự của Mỹ ở Trung Đông và Ấn Độ Dương. Đây là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, là nơi Mỹ phát động tấn công Iraq. Deigo Garcia từng là căn cứ cho các cuộc tấn công của không quân Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ngoài ra, tính đến ngày 6-1, Lầu Năm Góc đã điều động thêm ít nhất 4.500 lính tiếp viện đến Trung Đông, bổ sung vào quân số 50.000 lính tại đây. Đây là đợt tăng quân đáng kể nhất kể từ khi Washington đưa 14.000 quân đến vùng Vịnh nhằm đáp trả các động thái khiêu khích của Iran hồi tháng 5-2019. |