Kiểm soát thuốc kháng sinh không chỉ trong đại dịch

Ứng phó Covid-19, Hà Nội đã tiên phong kiểm soát thuốc kháng sinh, là một tín hiệu để các địa phương khác làm theo trong đại dịch và sau đại dịch.

Hà Nội vẫn đang có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất cả nước. Để tăng cường công tác phòng chống virus Corona, Chủ tịch UBND Hà Nội - Nguyễn Đức Chung yêu cầu 7.000 hiệu thuốc trên địa bàn khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho phải có khai báo y tế và trình báo ngay y tế phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Đây là một biện pháp rất đúng đắn và đáng ủng hộ.

Bởi lẽ, kết quả kiểm tra dịch tễ từ bệnh nhân thứ 243 cho thấy, lúc mới có biểu hiện ho, sốt thì người này tự đi mua thuốc để uống và yên tâm đi lại khắp nơi trên địa bàn Hà Nội gieo rắc nguy cơ cho nhiều người khác.

Chính quyền Thủ đô quyết định kiểm soát thuốc kháng sinh như một nhiệm vụ ngăn chặn Covid-19. Giá trị tích cực của biện pháp mạnh dạn ấy, không có gì phải băn khoăn hoặc nghi ngờ.

Tuy nhiên, việc duy trì kiểm soát thuốc kháng sinh không chỉ trong đại dịch, và cần phải tiếp tục sau đại dịch. Bởi lẽ, từ lâu người dân Việt Nam có thói quen tự dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh, và đã dẫn đến hệ lụy đề kháng thuốc kháng sinh trong xã hội.

Sự nở rộ của các hiệu thuốc, khiến không ít người bình thường bỗng dưng trở thành bác sĩ để tự chẩn đoán và tự mua thuốc cho mình uống mỗi khi đau ốm.

Thật nguy hiểm, khi các cơ quan quản lý dược phẩm đã cho phép triển khai danh mục “thuốc không kê đơn” để việc mua bán thuốc kháng sinh dễ dàng hơn mua bán rau củ. Có lẽ không nơi nào trên thế giới lại có kiểu sử dụng thuốc kháng sinh phổ biến và tùy tiện như ở Việt Nam.

Bất cứ dấu hiệu mệt mỏi hoặc đau nhức nào cũng tống thuốc kháng sinh vào cơ thể. Người bệnh kém hiểu biết đã lạm dụng thuốc kháng sinh, mà bác sĩ có kiến thức y học cũng lạm dụng thuốc kháng sinh.

Mặc kệ những cảnh báo chuyên môn, thuốc kháng sinh vẫn hiện diện với 1001 trạng thái dở khóc dở mếu.

Bác sĩ hồn nhiên kê toa có thuốc kháng sinh cho bệnh nhân, còn bệnh nhân dùng không đúng liều lượng lại chủ động mua thêm thuốc kháng sinh để uống.

Nếu hết triệu chứng cảm sốt thì bệnh nhân lại để dành thuốc kháng sinh rồi dùng cho lần ốm yếu sau. Chưa kể, bệnh nhân nọ dùng thuốc kháng sinh được kê toa cho bệnh nhân kia, mà không hề đắn đo thăm khám.    

Thuốc kháng sinh có giá khá rẻ, nhưng di họa rất nặng nề. Sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ, khiến vi khuẩn kháng thuốc và làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trở nên khó khăn gấp bội, tốn kém gấp bội.

Thậm chí, những cá thể đã đề kháng thuốc kháng sinh ở mức độ quá giới hạn, thì không thể điều trị được những bệnh đơn giản.

Một khi người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh thay thế với độc tính cao hơn, thì không khác gì đánh cược với tử thần.

Bởi lẽ, hiện nay kiểm soát thuốc kháng sinh đã là một mệnh lệnh từ sức khỏe cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát thuốc kháng sinh không chỉ trong đại dịch tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.