Kiên Giang: 2.216 tỷ đồng phát triển giao thông thông nông thôn

Phát triển giao thông nông thôn là cơ sở để phát triển kinh tế nông thôn, đô thị hóa, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

1-kien-giang-2216-1640577166.jpg

Mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tỉnh Kiên Giang xác định xây dựng hệ thống đường xã, đường ấp - liên ấp kết nối hợp lý với hệ thống giao thông đường xã, đường huyện, đường tỉnh, hệ thống giao thông quốc gia tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của Tỉnh, phù hợp với việc ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Năm 2021 Kiên Giang đã tập trung đầu tư xây dựng, phát triển 230km đường giao thông nông thôn, gồm xây dựng mới 170km và nâng cấp, mở rộng 60km với tổng vốn đầu tư 259,8 tỷ đồng, trong đó xây dựng mới 225 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng 34,8tỷ đồng. Nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh lên 6.535km. Phấn đấu hoàn thành giao thông nông thôn của 09 xã đạt nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Thuận, huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên trong năm 2021.

Trong năm 2022, tỉnh sẽ đầu tư phát triển 490km đường giao thông nông thôn, gồm xây dựng mới 240km, nâng cấp cải tạo 250km, tổng vốn đầu tư 487 tỷ đồng.

Trong 02 năm (2023 - 2024), mỗi năm đầu tư phát triển 530km đường đường giao thông nông thôn, trong đó xây dựng mới 270km, nâng cấp cải tạo 260km với tổng vốn đầu tư 492,6 tỷ đồng/năm.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025  tỉnh sẽ đầu tư phát triển 520km đường giao thông nông thôn, gồm xây dựng mới 250km, nâng cấp cải tạo 270km. Nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được đầu tư đến năm 2025 lên 7.652/9.565km, đạt tỷ lệ 80% số km đường giao thông nông thôn được quy hoạch.

Tổng vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn ước 2.216 tỷ đồng, trung bình khoảng 440 tỷ đồng/năm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Tiêu chí về giao thông theo chuẩn nông thôn mới, bổ sung và xây dựng mới cơ chế quản lý, vận hành, sửa chữa bảo trì để tăng tuổi thọ hạ tầng giao thông nông thôn.

Cùng với đó, Sở kế hoạch và đầu tư cân đối bố trí các nguồn vốn ngân sách tỉnh thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện kế hoạch; đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời đảm bảo tiến độ và kế hoạch vốn đầu tư hàng năm và 05 năm.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động rà soát quy hoạch của địa phương, xây dựng danh mục đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn đáp ứng chỉ tiêu số xã và huyện đạt tiêu chí nông thôn mới cho từng năm và giai đoạn 2021-2025; tuyên truyên, vận động thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, đảm bảo hành lang an toàn giao thông các dự án tại địa phương; huy động mọi nguồn lực, động viên và khuyến khích người dân trên địa bàn tự nguyện tham gia xây dựng giao thông nông thôn.