Kiên Giang: Dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ

Do tình hình dịch Covid -19 diễn biến khó lường, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu ngành giáo dục tỉnh tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt.

1-kien-giang-day-hoc-1632228945.jpg

Bé Trương Bích Hợp, học sinh lớp 6 A2 trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, thành phố Rạch Giá, học trực tuyến. (Ảnh Trương Anh Sáng)

Tại văn bản số 1461,Uỷ ban nhân dântỉnh yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt thông qua hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình nội dung môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) với thời lượng hợp lý theo các văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách, khi học sinh đi học trở lại tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Đối với lớp 3 đến lớp 12 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Các tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản để tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

Đồng thời xây dựng video bài giảng các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản của bài học, chủ đề các môn học để phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình và bổ sung kho học liệu số. Chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày; kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.

Theo thống kê, toàn tỉnh Kiên Giang có 96.184 học sinh không có khả năng mua sắm máy tính bảng, máy vi tính, thiết bị để học trực tuyến. Trong đó có 63.807 học sinh tiểu học, hơn 29.890 học sinh THCS và 2.485 học sinh THPT, trong số này có 18.260 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Cùng với đó thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tỉnh cho em” của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ GDĐT với việc vận động các nguồn hỗ trợ hợp pháp để hỗ trợ máy tính, thiết bị học trực tuyến giúp các em học sinh thuộc gia đình thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid -19. Các cơ sở giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn thiếu trang thiết bị dạy học trực tuyến bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Uỷ ban nhâ dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Công ty Viễn thông Kiên Giang, Viettel Kiên Giang; Bưu điện tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang huy động các nguồn lực đảm bảo hạ tầng viễn thông, trang thiết bị, rà soát các điều kiện về công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ việc tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Hôm qua, ngày 20/9/2021, học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 của tỉnh học qua qua môi trường internet; lớp 1 và lớp 2 học qua truyền hình. Trẻ mầm non đến trường sớm nhất vào ngày 18/10/2021. Trẻ mầm non không học qua môi trường internet, các trường phối hợp phụ huynh dạy học cho trẻ theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên đến trường ngày 4/10/2021.