Kiên Giang: Gia đình hạnh phúc là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, do đó, xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

1-kien-giang-gia-dinh-hanh-phuc-1636942370.jpg

 Bữa cơm gia đình, nét đẹp văn hoá của người Việt (Ảnh minh hoạ)

 

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-02-2005 của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã giúp người dân hiểu, nắm rõ hơn các quy tắc ứng xử, kiến thức về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ những gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được chú trọng.

Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ít con, no ấm, tiến bộ và hạnh phúc được đẩy mạnh và có nhiều gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể điều kiện sống của các gia đình, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, môi trường văn hóa, văn minh, xây dựng xã hội lành mạnh trong thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2-kien-giang-gia-dinh-hanh-phuc-1-1636942370.jpg

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển bền vững

Tỉnh Kiên Giang xác định xây dựng gia đình trong tình hình mới là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới.

Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh xây dựng hệ giá trị gia đình và nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.

Nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình. Có cơ chế, chính sách huy động cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn.

Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình; hỗ trợ gia đình tiếp cận tín dụng xã hội, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Gắn công tác xây dựng gia đình với đề án phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Quan tâm một cách thiết thực và toàn diện hơn nữa đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với các nhiệm vụ cụ thể, sát thực tế của từng địa phương, đơn vị về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về công tác gia đình của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình và các dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng dữ liệu quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Nâng cao năng lực, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong việc tuyên truyền, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh ở địa phương, đơn vị mình phụ trách.

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình. Căn cứ các chính sách của Trung ương, nghiên cứu cụ thể hóa phù hợp trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện, đánh giá chính sách về gia đình; có chính sách khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật chủ đề ca ngợi về gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới cùng các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình, giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Tăng cường giáo dục pháp luật về gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, những rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình; đề cao các chuẩn mực, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam phù hợp với đời sống công nghiệp, hiện đại.

Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại.

Tăng cường công tác định hướng, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với gia đình cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; thúc đẩy các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường.

Biểu dương các mô hình gia đình tiêu biểu; phê phán lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.