Kiên Giang: Không tổ chức dạy - học qua môi trường Internet

Ngành giáo dục tỉnh không tổ chức lễ Khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 05/9/2021 tại các cơ sở giáo dục và lùi thời gian thực học ngày 06/9/2021 sang ngày 20/9/2021.

1-kien-giang-khong-to-chuc-2-1629978770.jpgKhông tổ chức khai giảng trực tiếp, lùi thời gian nhập họcnhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh là trên hết (Ảnh minh hoạ)

Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang vừa ban hành văn bản số 1940 hướng dẫn tổ chức dạy học năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang ghi hình và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, học sinh và Nhân dân sẽ xem Khai giảng năm học 2021-2022 qua tivi.

Tại Lễ khai giảng sẽ đọc thư của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi ngành Giáo dục nhân ngày Khai giảng năm học mới, đọc Chỉ thị của UBND tỉnh về năm học mới, chiếu phóng sự về các địa phương chuẩn bị cho năm học mới, về kết quả giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021, về nhiệm vụ năm học mới, ý nghĩa của Ngày Khai giảng, chỉ đạo về việc dạy - học trong thời gian tới và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở trường học.

Ngành giáo dục tỉnh không tổ chức dạy - học qua môi trường Internet mà tổ chức thực học có học sinh đến trường từ ngày 20/9/2021, lùi thời gian thực học ngày 06/9/2021 sang ngày 20/9/2021 so với khung Kế hoạch năm học 2021-2022.  

Sở cũng đã tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên các bộ môn Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng kế hoạch môn học lớp 6 Chương trình GDPT 2018 để giáo viên nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, chuẩn bị tốt cho công tác giảng dạy, nhất là đối với giáo viên dạy lớp 6.

 

Trước đó Sở giáo dục đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Sở giáo dục yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng các phương án thực hiện kế hoạch giáo dục kết hợp đồng thời giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến với 03 phương án. Phương án 1: Xây dựng kế hoạch mỗi môn học có 10% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến. Phương án 2: Xây dựng kế hoạch mỗi môn học có 30% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến và Phương án 3: Xây dung kế hoạch mỗi môn học có 50% nội dung được tổ chức dạy học trực tuyến.

Mỗi môn học xây dựng cả 3 phương án, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các đơn vị sử dụng lần lượt các phương án phù hợp.

Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch dạy học; xây dựng thời khóa biểu dạy học trực tuyến trong toàn trường; chỉ đạo các tổ/khối chuyên môn và giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học trực tuyến; phê duyệt nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học trực tuyến. Căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng quyết định phân công giáo viên phụ trách số tiết dạy trực tuyến cụ thể theo lớp/khối để làm căn cứ tính chế độ làm việc của từng giáo viên.

Đối với học sinh lớp 6, lớp 7, ngoài việc tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường cần kết hợp thêm các hình thức dạy học qua video; tổ chức biên soạn, gửi tài liệu hướng dẫn học đến từng học sinh; giới thiệu các kênh truyền hình liên quan chương trình học tập đến học sinh và cha mẹ học sinh.

Các đơn vị cần thống nhất chọn và hướng dẫn một trong hai hệ thống phần mềm để tổ chức dạy học đó là Hệ thống E-Leaming (lms.vnedu.vn) của VNPT và Hệ thống K12online (kl2online.vn) của Viettel. Ngoài hai hệ thống trên, giáo viên có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như: Zoom; Microsoft team, Google Meet, Skype, ...Các ứng dụng hỗ trợ tương tác các nội dung học tập như: Email; SHub- Classroom, Google Classroom; Zalo, Viber; Messenger, ...

Việc lùi thời gian nhập học của học sinh, Sở giáo dục tỉnh lấy thời gian dự phòng 2 tuần sử dụng trước cho công tác phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh là trên hết.