Kiên Giang: Xét nghiệm “thần tốc” để khoanh vùng dập dịch

Tỉnh Kiên giang phấn đấu trong thời gian ngắn nhất khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.

1-kien-giang-than-toc-1629136422.jpg

Xét nghiệm “thần tốc” để khoanh vùng dập dịch. (Ảnh minh hoạ)

Còn chủ quan lơ là, tính gương mẫu chưa cao

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương liên tục có các ca nhiễm mới như huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá, trong đó có một số ca nhiễm chưa xác định rõ nguồn lây làm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số địa phương, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không tuân thủ các biện pháp theo quy định trong phòng, chống dịch, thậm chí có biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Việc truy vết các đối tượng liên quan đến F0 chưa tốt, chưa chú ý xét nghiệm, tầm soát trong cộng đồng mà chỉ chú ý lấy mẫu, xét nghiệm những nơi đã xuất hiện các ca F0.

Cùng với đó, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là ở cơ sở chưa thực chất; tính gương mẫu, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một số cán bộ công chức trong công tác phòng, chống dịch chưa cao. Vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo các cấp còn hạn chế, lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt , thiếu sáng tạo.

Đồng thời công tác chuẩn bị khu cách ly, điều trị, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch triển khai chậm. Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid -19 chưa kịp thời.

Quyết tâm thu hẹp “vùng đỏ”

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần xác định những địa bàn là “vùng xanh”, “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” để quyết tâm bảo vệ thật chắc “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể chuyển “vùng vàng” và “vùng cam” thành “vùng xanh” trong thời gian ngắn nhất và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trước ngày 25-8-2021.

Đồng thời đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch theo tình huống khẩn cấp. Trước mắt khẩn trương đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ 50 giường lên 150 giường điều trị bệnh nặng, rất nặng; hệ thống oxy tập trung cho các khu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh; cải tạo một số khu vực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ thành khu điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng 500 giường trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Cùng với đó, xây dựng đầu tư mới các khu cách ly tập trung với quy mô cách ly khoảng 6.000 người và thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trường Ọuân sự tỉnh cũ tại huyện Châu Thành.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng với tinh thần xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị.

Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc 100% người dân tại các “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng”, các khu vực phong tỏa, khu vực tổ chức cách ly tập trung; lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc từ 30% đến 50% người dân ở “vùng xanh” bằng cách kết hợp giữa test nhanh kháng nguyên với xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR theo mẫu gộp.

Việc tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm kết hợp giữa nguồn nhân lực y tế hiện có của tỉnh và đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm với các đơn vị có chức năng thực hiện xét nghiệm. Lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng bắt đầu từ ngày 16-8-202; tổ chức tiêm vắc xin bảo đảm tiến độ nhanh, an toàn, hiệu quả.

Nắm chặt chẽ lượng người dân Kiên Giang trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng ngư phủ và các nơi khác về địa phương để quản lý tốt và có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo quy định.

Một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tựợng, không bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.

Bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, người lao động ổn định cuộc sống; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho nhân dân mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, trật tự trên địa bàn.

Thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng gây hoang mang trong dư luận. Đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt ở các khu vực cách ly, phong tỏa...