'Kiện tướng gùi hàng' và kỷ lục 'Đi bộ một vòng trái đất'

Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, người lính ấy đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025 km, tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo...

suu-tam-1642642866.jpg

Anh hùng Nguyễn Viết Sinh thời trẻ

 

Đó là những con số kỷ lục mà đại tá, anh hùng Nguyễn Viết Sinh (SN 1940, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An) – người được ví là anh hùng gùi hàng trên dãy núi Trường Sơn năm xưa.

Năm 21 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Viết Sinh vác ba lô lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bữa cơm lính đầu tiên của ông là ở “lực lượng đặc biệt” của Đoàn 559, đóng chân ở miền Tây Quảng Bình. Vào những năm đó, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường bởi vậy các phương tiện vận tải cơ giới không có. Lúc này, để vận chuyển súng đạn, thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ bằng cách gùi thồ bằng sức người.

Cùng được chọn vào đơn vị đặc biệt của ông có 600 thanh niên Nghệ Tĩnh khác. Họ đều là những thanh niên nghèo miền Trung đã quen với công việc nặng nhọc, chịu khó, chịu khổ.

Từ miền Tây Quảng Bình, tiểu đoàn 301 của ông được chia thành 3 đại đội, với nhiệm vụ gùi thồ hàng tiếp tế cho bờ Nam Bến Hải trở vào trong. Mỗi ngày các chiến sĩ trong đại đội phải dậy từ lúc 5h sáng, cơm đùm cơm nắm vượt qua hai con dốc vừa dài vừa dốc đến điểm hẹn. Bất kể dù đông hay hè, dù nắng cháy da cháy thịt, các anh em đều không nản bước.

Công việc gùi hàng tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lại cực kỳ căng thẳng và gian khổ. Mỗi ngày, cả đi lẫn về phải cuốc bộ quãng đường hơn 40km trong điều kiện địa hình phức tạp, rừng núi âm u, đường sá lầy lội và đủ loại côn trùng, rắn rết rình rập.

Đại tá Sinh nhớ lại: “Khó khăn gian khổ là vậy, mỗi người trong đơn vị có sức khỏe tốt đều gùi được khoảng 30kg hàng, riêng bản thân tôi có thể gùi được từ 40 - 50kg, thời điểm nhiều nhất là cõng 75kg hàng trên lưng, hơn cả trọng lượng của cơ thể. Đặc biệt là vào những năm 1965, tôi đã gùi đến 70-80kg với quãng đường dài 20km”.

Ông không thể nhớ nổi mình đã thay bao nhiêu đôi dép cao su, sờn rách bao nhiêu chiếc áo lính. Thế nhưng suốt những năm tháng khốc liệt đó, chưa một buổi phục vụ nào thiếu bóng người giao liên Nguyễn Viết Sinh.

Mùa khô 1966-1967, đơn vị ông đóng tại Mường Pìn, Lào. Mùa khô ở đây gần như không có mưa, việc tắm giặt, ăn uống rất khó khăn nhưng anh em vẫn phát động phong trào thi đua “kiện tướng” bốc vác. Đợt thi đua nào ông cũng là tấm gương điển hình trong toàn đơn vị, là nhân vật chính của các tác phẩm văn chương, báo chí ca ngợi lúc bấy giờ.

Có những lúc tưởng như không thể gùi hàng đi được nhưng mọi khó khăn ông đều vượt qua, nói rồi ông cười hiền bảo: “Điều này là hết sức bình thường đối với cả một thế hệ như chúng tôi. Những lúc gùi hàng, anh em trong đơn vị luôn khắc ghi quyết tâm với một khẩu hiệu 'Mỗi kilôgam hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, mỗi viên đạn là một kẻ thù'...”.

Bảng thành tích của ông được xác nhận: năm 1962 ông gùi được 13.553kg hàng và 296 cáng thương trên đoạn đường 10.196km. Năm 1963 gùi được 9.365kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài. Năm 1964 mang vác 11.445kg, thồ với tổng số 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh, trong tổng thời gian 323 ngày trên đoạn đường 10.982km.

Với thành tích đó, ngày 1-1-1967, Nguyễn Viết Sinh được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, với quân hàm Trung sỹ. Ông cũng là người anh hùng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ, ông vô cùng vui sướng khi nghe tin được về Hà Nội nhận danh hiệu cao quý này và được gặp Bác Hồ.

Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km, quãng đường ông đi làm nhiệm vụ gùi hàng được tính chiều dài bằng một vòng trái đất.

Theo Trái TIm Người Lính