Kinh nghiệm phát triển hoa lan của Thái Lan và bài học cho Chương trình phát triển hoa lan của Thành phố Hồ Chí Minh

Lan là một loài hoa được ưa chuộng lâu đời do tính hấp dẫn và màu sắc quyến rũ của hoa. Lan thường dùng trong các dịp lễ hội và giao tiếp hay còn là thú chơi thanh nhã của mọi người. Hiện nay, do vấn đề giống, kỹ thuật nuôi trồng lan đã có nhiều tiến bộ nên làm cho lan ngày càng trở thành một loại hoa thông dụng và được mọi người ưa chuộng với giá cả hợp lý. Các nước trồng lan công nghiệp trên thế giới như Thái lan, Hà lan, Mỹ, Nhật.. đã sản xuất và tiêu thụ một số lượng lớn hoa lan và là một nguồn xuất khẩu và hấp dẫn du lịch với sản lượng ngày càng tăng.

Thái lan là một nước có truyền thồng trồng hoa lan nhiệt đới nổi tiếng và là nước xuất khẩu hoa lan hàng đầu trên thế giới, đi các nước như Châu Âu, Nhật bản, Trung Quốc… với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm. Vì sao như vậy:

Trước hết là khâu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và nhân giống hoa lan của Thái lan làm rất tốt. Họ đã có rất nhiều công ty tư nhân, viện nghiên cứu tham gia vào việc lai tạo các giống mới và hàng năm đưa ra hàng chục giống  mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Như Công Ty Chao Praya Orchid, người ta đã làm tốt công tác sưu tập quỹ gen, định hướng chọn tạo giống hoa lan rất rõ. Hiện nay, xu hướng ở Thái Lan đang đi vào việc chọn các giống hoa lan có hương thơm, cây vừa phải, nhưng có thể trưng trong phòng với các loại hoa lan có bông nhuyễn, nhỏ nhưng nhiều bông và màu sắc rất đẹp.

q2-1631800841.jpgViệt Nam sở hữu nhiều nguồn gen hoa lan quý hiếm

Về khâu tổ chức dịch vụ đầu vào phục vụ ngành trồng lan khá bài bản và thuận tiện. Đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp là ta có thể mua đủ tất cả các loại vật tư phục vụ trồng lan, từ phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, các loại lưới, chậu, giá thể trồng lan…với giá cả phải chăng.

Quy mô của các hộ trồng hoa lan tại Thái lan rất lớn, các hộ thông thường có từ 1 – 3 ha, thậm chí 5 ha; còn các trang trại, vườn của Công ty, doanh nghiệp có thể 10 – 15 ha. Như vậy số lượng hoa lan dạng hàng hoá có thường xuyên và lớn, đủ đáp ứng mọi đơn đặt hàng của khách hàng.

Đầu ra xuất khẩu hoa lan ổn định, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu hoa. Họ chủ động từ khâu chọn tạo giống đến  nhân giống và trồng rồi xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm hoa lan của họ đáp ứng theo yêu cầu của thị trường từ hoa cắt cành, hoa để trang trí bàn ăn, hoa chậu để trưng trong nhà, nhà hàng, khách sạn. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hoa lan đều xây dựng trang Web riêng, do đó rất thuận tiện trong việc giao dịch, giới thiệu, mua bán sản phẩm.  Người nông dân trồng hoa lan ở Thái lan rất có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng. Tất cả những khâu đó giúp cho hoa lan của Thái lan đứng vững trên thị trường xuất khẩu.

Còn đối với Thành phố Hồ Chí Minh, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang được đẩy mạnh với xu hướng chọn lựa các lọai cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở Thành phố. Chính vì vậy Chương trình phát triển hoa lan được lựa chọn trở thành một trong những chương trình trọng điểm để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngọai thành. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu. Đánh giá lại cho thấy về lĩnh vực hoa lan chúng ta yếu ở rất nhiều khâu:

- Giống hoa lan đặc trưng cho Việt Nam trong sản xuất hầu như không có, hầu hết phải nhập nội, không chủ động được giống, giá cả giống chiếm tới hơn 80% khâu đầu tư cho sản xuất.

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể trở thành hàng hoá. Tỷ lệ số hộ trồng hoa lan ở Thành phố có diện tích dưới 1.000 m2 chiếm tới hơn 90% số hộ trồng.

- Kỹ thuật trồng của các hộ trồng hoa lan còn chưa tốt, đặc biệt là khâu bảo vệ thực vật. Mặc dù khí hậu thời tiết ở Thành phố và khu vực Đông Nam Bộ không khác gì nhiều so với ở khu vực Bankok và các tỉnh lân cận Bankok - Thái Lan.

- Dịch vụ đầu vào cho ngành trồng lan của chúng ta chưa được tổ chức đồng bộ, còn thiếu rất nhiều. Người trồng lan thiếu rất nhiều thứ, từ giống hoa lan phù hợp, lưới che, thiết bị nhà lưới, vật tư phân bón chuyên dùng cho lan. Đặc biệt là kỹ thuật trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm mà chưa có các nghiên cứu sâu về hoa lan.

- Khâu đầu ra sản phẩm hoa lan mới chỉ dừng ở việc tiêu thụ sản phẩm hoa tại thị trường trong nước, chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh, Hà nội và một số thành phố lớn khác.

Để cho Chương trình phát triển hoa lan triển khai có hiệu quả, trước hết cần tập trung một số giải pháp sau đây:

- Về giống hoa lan: tạm thời một số năm đầu chúng ta sử dụng giống nhập nội, tiến tới phải chủ động nhân giống trong nước để giảm giá thành. Mặt khác các cơ quan nghiên cứu phải lai tạo các giống hoa lan đặc trưng cho Việt Nam. Công tác này tại Thành phố sẽ có sự tham gia chủ lực của Trung Tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh. Ngòai ra phải có sự quản lý và kiểm sóat chất lượng giống hoa lan để giảm thiểu thiệt hại cho người mua giống hoa lan.

- Phải tiến hành quy hoạch vùng sản xuất để tạo vùng có quy mô sản xuất hàng hoá tập trung. Các hộ trồng hoa lan để có hiệu quả và tham gia vào thị trường phải có quy mô vườn tối thiểu 1.000 m2 trở lên.

- Cần phải tổ chức lại dịch vụ đầu vào thật tốt: hướng dẫn kỹ thuật trồng, cung cấp vật tư, phân bón, thuốc BVTV chuyên dùng cho lan.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia liên kết thu mua sản phẩm hoa lan và tìm đầu ra xuất khẩu.