Nhìn nhận về Việt Nam, trong bản tin cập nhật tháng giêng năm 2021, Ngân hàng Thế giới nhận định, việc triển khai tiêm chủng một số loại vắc xin COVID-19 cuối năm 2020 đã nâng cao triển vọng kinh tế toàn cầu đặc biệt là đối với ngành du lịch và hàng không. Tuy vậy, rủi ro phân phối và xung đột thương mại vẫn còn, buộc các Chính phủ cần cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 đến nền kinh tế.
Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều phức tạp, tăng trưởng trong quý cuối năm 2020 của Việt Nam đã tăng tốc 4,5 %, dẫn đến tăng trưởng cả năm đạt 2,91%, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ tiếp tục tăng mạnh, tăng trưởng đạt gần mức trước đại dịch. Trong tháng 12 năm 2020, hoạt động khác thường của thương mại thể hiện ở tốc độ tăng trưởng hai con số cả về nhập khẩu (23,1%) và xuất khẩu (17,8%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)cả nước không thay đổi ngay khi nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi sau khủng hoảng.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Quan sát tình hình vĩ mô Việt Nam thời gian qua, giới chức Ngân hàng Thế giới nhận thấy, Việt Nam tiếp tục ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 13 tháng 01 năm 2021, cả nước ghi nhận 1.520 ca nhiễm COVID-19, chỉ có 35 ca tử vong. Đáng lưu ý trong 30 ngày qua là, tất cả các trường hợp mắc COVID-19 đều được xác định là người nhập cảnh từ nước ngoài vào.
Phục hồi kinh tế tăng tốc trong quý cuối cùng của năm 2020, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5% trong quý 4 đã nâng mức tăng trưởng cả năm 2020 lên 2,91%. Mặc dù thấp hơn so với năm 2019, nhưng Viêt Nam đã là một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong đại dịch.
Ở cấp độ ngành kinh tế, nông nghiệp là lĩnh vực có sự phục hồi cao nhất với tốc độ tăng trưởng 2,68%, cao hơn khoảng 0,67% so với năm 2019; công nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,98% và 2,34%,. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất liên quan đến du lịch bởi cuộc khủng hoảng đã làm dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,7% và số khách du lịck nước ngoài đến cả năm 2020 chỉ bằng 21,3% so với năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12 với đà tăng trưởng trở lại mức trước đại dịch. Vào tháng này của năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại đạt 11,1% là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2, khi đại dịch bùng phát. Các phân ngành hỗ trợ sự tăng trưởng công nghiệp là than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, sản xuất và chế biến thực phẩm, thiết bị điện, giấy và các sản phẩm từ giấy.
Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Sản xuất (PMI) cả nước tăng từ 49,9 trong tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12, báo hiệu sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Doanh số bán lẻ cũng tiếp tục tăng cao nhờ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước. Doanh thu bán lẻ tăng trưởng ở mức 9,4% vào tháng 12,cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2 năm 2020.
Phân tích nguyên nhân tăng trưởng, các nhà nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước với doanh thu bán lẻ hàng hóa cao hơn 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác,do việc hạn chế đi lại quốc tế, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ đi lại trong tháng 12 năm 2020 tuy lần lượt giảm 5,4% và 68,2% nhưng Thương mại hàng hóa vẫn tiếp tục chuỗi thặng dư gia tăng kéo dài trên 8 tháng. Theo đó, xuất và nhập khẩu hàng hóa tháng 12 lần lượt tăng 17,8% và 23,1%, là mức tăng cao nhất thời gian gần đây.
Cán cân thương mại hàng hóa (SA) cả nước đạt 279,6 triệu đô la Mỹ trong tháng 12, tiếp tục chuỗi thặng dư liên tục gia tăng và kết thúc năm 2020 với tổng mức đạt kỷ lục 19,3 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và một số sản phẩm nông nghiệp giảm trong đại dịch, song xuất khẩu điện thoại đã phục hồi, tăng 50,8% vào tháng 12 cùng với máy tính và mặt hàng điện tử cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá.
Nhìn chung, trong năm 2020, thương mại có thay đổi đáng kể giữa các đối tác; song xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tăng vững chắc, mức tăng lần lượt đạt 24,5% và 17,1%. Tương tự, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU, nhưng ít hơn từ Hàn Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ so với năm 2019.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chậm lại; Vốn FDI đăng ký vào tháng 12 đạt 2,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 28,9% so với tháng 11và thấp hơn so cùng kỳ năm trước; nhưng tính chung cả năm, toàn quốc đã thu hút được hơn 28,5 tỷ USD,thấp hơn so với năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu đáng chú ý, bởi UNCTAD đã dự báo vốn FDI đổ vào Đông Á giảm từ 30% đến 45% trong năm 2020.
Lạm phát tiếp tục giảm do giá lương thực ổn định trong khi nhu cầu trong nước chưa phục hồi hoàn toàn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,3%, đánh dấu lần giảm thứ ba liên tiếp. So với tháng 12 năm 2019, CPI chỉ tăng 0,1%. Lạm phát giảm được cho là do giá lương thực giảm trong tháng 12 so với tháng 11. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng vẫn yếu hơn so với năm trước đã gây áp lực giảm giá.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 10. Sau khi NHNN cắt giảm lãi suất chính sách; tăng trưởng tín dụng đã từ 9,6% trong tháng 10 tăng lên 10,5% trong tháng 11 và giữ ở mức 10,1% trong tháng 12 .Do tỷ lệ này cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa nên tỷ lệ tín dụng / GDP đã tăng từ khoảng 136% năm 2019 lên hơn 143% trong năm 2020.
Phân tích triển vọng tương lai của nền kinh tế, từ tầm nhìn của định chế tài chính toàn cầu, các nhà phân tích của W.B cho rằng, trong tương lai, cần chú ý đến cách Việt Nam vươn lên thoát khỏi khỏi đại dịch Covid-19.
Việc phê duyệt một số vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2020 mang lại triển vọng tích cực trong năm 2021, đặc biệt đối với ngành du lịch và hàng không. Tuy nhien rủi ro vẫn là điều khó tránh. Những rủi ro gợi ra bao gồm cả việc phân phối và sử dụng vắc xin bị chậm trễ. Ngoài ra, vào ngày 18 tháng 12 năm 2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ gán cho Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Nếu không giải quyết tốt, có thể sẽ gây tác động đến thương mại và đầu tư nước ngoài là những yếu tố đóng góp quan trọng vào mô hình tăng trưởng của đất nước.
Sau cùng, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần phải đánh giá cẩn trọng để xác định khi nào nên nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ liên quan đến COVID nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Lê Thành Ý