Tăng cường hợp tác giữa Ngân hàng và Nông Nghiệp: Chặng đường hướng tới phát triển nông thôn bền vững

Ngọc Ánh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến tổ chức buổi làm việc và ký kết vào ngày 05/4/2024 về Quy chế phối hợp nhằm tăng cường công tác phối hợp và triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách, và pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng và hoạt động ngân hàng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

45ee6003aedb018558ca-1712243705.jpg

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Bám sát các chủ trương lớn của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển lĩnh vực này; theo đó, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này. Có thể nói, tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn vốn quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, với dư nợ đến nay đạt trên 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế.

Để tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng đối với “tam nông” gắn với xu hướng chuyển đổi chiến lược của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững theo đúng chủ trương, định hướng, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gần đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023), ngày 05/4/2024 tại TP. Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi làm việc và ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác nhằm mục đích tăng cường công tác phối hợp và tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

z5318057324739-9ceb436b7c7b8cd199501c2af0102ae720240405131742-1712310367.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: Thời báo Ngân Hàng
z5318057323990-7e28e186c388ce47d678b1a41abe514e20240405131748-1712310367.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh:Thời báo Ngân Hàng

Nội dung Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:

1. Phối hợp rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng và hoạt động ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;  Phối hợp chỉ đạo nhằm phát huy vai trò chủ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quảcác chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

2. Tăng cường phối hợp, trao đổi công tác trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3. Phối hợp trong công tác truyền thông, thông tin, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tại khu vực nông thôn

4. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, đào tạo, kết nối ngân hàng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệpnông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng nông nghiệp huyện; khuyến nông và khuyến nông công đồng; các trung tâm, viện, trường đào tạo trên địa bàn) nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả công tác trong thực thi nhiệm vụ.

5. Hình thành cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến các địa phương nhằm triển khai các nội dung của Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác đến các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

z5318057340548-1a35967dc8e9059a9b72f3471eab4b9c20240405131745-1712310367.jpg
 Đại diện hai cơ quan ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh:Thời báo Ngân Hàng