Tại lễ kỷ niệm, 100 nghệ sĩ đến từ phường Yên Đổ, thành phố Pleiku và xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai biểu diễn bài chiêng và xoang mừng lúa mới với tiết tấu vui tươi, thể hiện niềm vui được mùa, tôn vinh thành quả lao động. Các nghệ sĩ trong với trang phục truyền thống Jrai và Bahnar và đôi chân trần cùng âm thanh trầm hùng của dàn chiêng, bên điệu xoang nhịp nhàng đã thực sự tái hiện không gian văn hoá thiêng liêng, đặc sắc riêng có ở vùng đất Tây Nguyên.
Các hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương còn lưu giữ trên 5000 bộ chiêng. Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành di sản phi vật thể, Gia Lai đã 1 lần tổ chức lễ hội Cồng chiêng Quốc tế (năm 2009) và Festival cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2018) và hàng trăm cuộc thi biểu diễn cồng chiêng cấp cơ sở. Hiện nay, công tác truyền dạy, bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng vẫn đang được diễn ra đều đặn trong cộng đồng.
“Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ cồng chiêng chỉ có người lớn chơi. Nhưng hiện nay, nó đã lan toả tới thanh niên, thậm chí thiếu nhi. Một số địa phương, các cháu thiếu nhi chơi rất tốt, rất đam mê. Khi chúng tôi đưa vào trường học, đây là điểm nhấn. Làng nào không có cồng chiêng, thì chúng tôi đề nghị các địa phương nên mua, tập luyện, khôi phục lại cồng chiêng ở trong bà con", ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm.
Tại lễ kỷ niệm, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Gia Lai đã trao quyết định khen thưởng cho 8 nghệ nhân chỉnh chiêng tiêu biểu của địa phương. Cùng với việc tổ chức lễ kỷ niệm, trong 20/11, triển lãm ảnh Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và Lễ hội đường phố với sự tham gia của 100 nghệ sĩ cồng chiêng đã tạo ra một không gian văn hoá đặc sắc, vui nhộn trong dịp cuối tuần ở Phố núi Pleiku.