Kỷ niệm 40 năm Viết văn Nguyễn Du: Khẳng định những thành tựu, kết quả nổi bật của trường trước đây và Khoa Viết văn, Báo chí hiện nay

Sáng 16/11/2019, Đại học Văn hoá Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn, Báo chí (1979-2019). Sự kiện nhằm nhìn lại và khẳng định những thành tựu, kết quả nổi bật của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây và Khoa Viết văn, Báo chí hiện nay trong đào tạo sáng tác văn chương nghệ thuật, nghiên cứu phê bình và truyền thông báo chí.

Tại Lễ Kỷ niệm 40 năm trường Viết văn Nguyễn Du, nhà văn Nguyên Ngọc hồi ức lại buổi đầu thành lập trường Đại học Viết văn Nguyễn Du. Một trong những lý do để ngôi trường Viết văn ra đời, là vì nền giáo dục khi đó không thể nào giúp chúng ta có được nhà văn lớn ngang tầm thế giới.

Lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng các giảng viên cựu học viên Trường Nguyễn Du chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Vũ Gia Hà

Được học trường Đại học Viết văn Nguyễn Du là một diễm phúc

Đến dự có những nhà văn tên tuổi, các nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước từng là giảng viên của ngôi trường đặc biệt: Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Vũ Quần Phương, GS. Hồ Ngọc Đại, nhà văn Phạm Việt Long, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Đào Duy Hiệp, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, PGS.TS Trần Đức Ngôn, nhà văn Văn Giá, nhà nghiên cứu Văn hóa Trương Sĩ Hùng, nhà thơ Trương Đăng Dung... Cùng các cựu học viên: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Nhương, nhà thơ Lữ Mai, nhà thơ Phùng Thị Hương Ly, nhà thơ Khúc Hồng Thiện, nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung, nhà văn Lý Uyên... và các sinh viên đang theo học.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh Vũ Gia Hà

Tháng 11/1979, trường Đại học Viết văn Nguyễn Du khai giảng khóa đầu tiên với hơn 40 học viên, khó khăn đủ thứ. Trải qua 40 năm, đến nay đã có tổng gần 400 học viên theo học, trong đó có 1 học viên đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 học viên đạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Hiện nay, do nhiều vấn đề và nhu cầu xã hội, trường Đại học Viết văn Nguyễn Du “biến hóa” thành Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nôi, đào tạo cả Viết văn và Viết báo. Viết văn tuyển sinh 2 năm một lần, thi năng khiếu, Viết báo thì tuyển sinh hàng năm, thi như các ngành khác. Hầu như, không một cựu sinh viên nào mong muốn trường Đại học Viết văn Nguyễn Du danh tiếng lại biến thành một khoa như bây giờ. Nếu có mong muốn và giỏi giang thì hãy “hóa phép” Khoa lại thành Trường.

40 năm qua, không phải lúc nào Trường Viết văn Nguyễn Du cũng “thuận buồm xuôi gió”, và đã trải những thăng trầm trông thấy. Chỉ cần nhìn vào kiến trúc ngôi trường hiện tại, cũng thấy một phần của sự thay đổi đó. Trước đây, trường có tường, có cổng, có khuôn viên riêng với kiến trúc đặc trưng, nhưng giờ mọi thứ đã khác, hòa lẫn cùng trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh Vũ Gia Hà

Nhắc đến ngôi trường đặc biệt, chúng ta không thể không nhắc đến các thế hệ lãnh đạo, chính họ là những điểm tựa lớn cho các thế hệ học trò: GS Hoàng Ngọc Hiến, PGS.TS Phạm Vĩnh Cư, GS.TS Huỳnh Khái Vinh, PGS.TS Trần Đức Ngôn, PGS.TS Ngô Văn Giá... Cũng như những người thầy có công giảng dạy: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng, Phạm Việt Long, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Trương Đăng Dung, Chu Văn Sơn, Sương Nguyệt Minh, Lê Minh Khuê... Các học giả, nhà nghiên cứu: Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Đặng Thai Mai, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Phượng, Đào Duy Hiệp, Đỗ Lai Thúy...

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, giờ là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội với những tác phẩm thơ và tiểu thuyết gây tiếng vang, nhưng hôm nay ông đến đây với tâm thế của một học trò kể lại chuyện xưa để tri ân thầy cô, tri ân mái trường đã giúp ông có được như ngày hôm nay.

Ông tâm sự: Tôi vui vì thấy trường đẹp và khang trang hơn hồi tôi học khóa 4. Tôi thấy mình may mắn vì được học ngôi trường đặc biệt. Khi vừa vào trường, tôi nhận được “cú sét” từ các thầy cô, đó là cú sét làm chúng tôi tỉnh ngộ khi muốn làm nhà văn lớn. “Cú sét” đó đã “soi” cho chúng tôi thấy những khiếm khuyết, nhược điểm, sai lầm trong cách nghĩ, cách viết. Nó thiêu cháy sự ảo tưởng, nghiệp dư, cẩu thả. Nó thiêu cháy nỗi sợ hãi khi nghĩ đến các thế lực tác động lên suy nghĩ người viết.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh Vũ Gia Hà.

Chúng tôi ra trường mang theo bảo bối và sự tự tin. Trước đây, khi chưa học, tôi nghe nói thế này: Chưa vào trường Nguyễn Du thì không biết Nguyễn Du là ai, vào rồi thì coi Nguyễn Du không là ai cả. Đó là người ta nói, nhưng tôi điều chỉnh: Chưa vào trường thì có thể coi mình là Nguyễn Du, nhưng vào rồi mới thấy mình không phải là Nguyễn Du.

Tôi cảm ơn các thầy đã giúp chúng tôi tỉnh ngộ, đã giúp mình nhìn mình là mình. Tôi nghĩ công lao của các thầy rất lớn. Các thầy đối với cá nhân tôi không chỉ dừng lại là những người thầy mà là những bậc thầy bởi họ quá giỏi ở các đầu ngành, họ dạy học không phải kiểu đọc chép mà là cách dạy truyền thụ giống như trong truyện thần tiên kiếm hiệp, các bậc đại sư truyền kiếm pháp và phép thuật cho môn sinh của mình.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy - Phó Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí. Ảnh Vũ Gia Hà

Trường Viết văn Nguyễn Du dạy cho người viết trở thành người viết chuyên nghiệp. Người viết chuyên nghiệp sẽ đứng đúng chỗ của mình, vượt qua mọi thứ, kể cả lề trái, lề phải. Sau mấy chục năm ra trường, có những biến cố, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận học trường Nguyễn Du. Tôi nghĩ đó là may mắn và diễm phúc của mình. Tôi thay mặt những học viên bày tỏ rằng, ở đâu, dù làm bất cứ nghề gì thì chúng tôi cũng biết ơn và kính trọng những bậc thầy. Không có chúng tôi, họ vẫn có những môn sinh khác ngoạn mục hơn, giỏi hơn, nhưng không có các thầy thì không có chúng tôi như bây giờ.

Nền giáo dục trước đây không đủ sức tạo ra nhà văn lớn

Nhà thơ Hữu Thỉnh là học viên khóa I, giờ là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như nhà văn Nguyễn Bình Phương, ông đã xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm xưa: Cho phép tôi nói với tư các là cựu sinh viên. Tôi bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, nhà trường đã cho phép chúng tôi trở lại để có nhau, nhưng trước tiên là được tri ân thầy cô, nhà trường. Năm 1972, tôi tham gia cuộc chiến ác liệt, nhưng vẫn nghĩ một ngày sẽ được đi học. Tôi khao khát được đi học.

Tri ân lãnh đạo, giảng viên Viết văn Nguyễn Du. Ảnh Vũ Gia Hà.

Năm 1979, với sự nỗ lực của nhiều người, nhất là thầy Hoàng Ngọc Hiến, trường Viết văn Nguyễn Du ra đời, và tôi đã theo học sau bao ấp ủ, dự định. Tôi cho rằng, không ai đào tạo được nhà văn, nhưng nếu muốn trở thành nhà văn thì cần phải đào tạo. Trường Viết văn Nguyễn Du ra đời để giúp những người muốn trở thành nhà văn.

Trường đạt những thành tựu lớn bao nhiêu thì chúng tôi càng biết ơn càng lớn. Nếu hôm nay, trường được nhận một tấm huân chương thì vui hơn. Chúng tôi biết ơn những người đặt viên gạch đầu tiên. Và thầy Hoàng Ngọc Hiến là linh hồn của trường. Chỉ có thầy mới đủ tài năng, tâm huyết và trí tuệ mới mời được những người thầy nổi tiếng đến giảng dạy cho chúng tôi.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhớ lại: Tôi nhớ hồi đó, cô Lê Minh phải đi xuống tận Nhà máy dệt Nam Định để mua chăn bông cho những học sinh miền Nam ra học. Đó là kỷ niệm tôi mãi mãi không bao giờ quên. Tôi mong Trường Đại học Văn hóa Hà Nội duy trì, củng cố và tăng cường để Khoa tồn tại và phát triển, càng ngày, tôi càng thấy khoa của chúng ta có ý nghĩa thiết thực hơn, rất cần tồn tại Khoa để thu hút nhiều tài năng, nhiều người tâm huyết với văn chương – báo chí nước nhà.

Tại buổi lễ, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhắc lại chuyện “phôi thai” ngôi trường. Những con người khi ấy đã mạnh dạn làm điều tưởng chừng không thể làm được, như Hoàng Ngọc Hiến, Huỳnh Khái Vinh, Phạm Vĩnh Cư. Nhà văn Nguyên Ngọc khi đó quan tâm đến văn học nước ngoài, và thấy nước ta bị đứt đoạn với văn hóa nước ngoài.

Rồi ông cùng mấy người ngồi lại với nhau bàn có đào tạo nhà văn được không? Có thể lấy một học sinh giỏi đào tạo thành bác sĩ, kỹ sư, nhưng thật khó để đào tạo thành nhà văn, vì tài năng văn học phải do trời sinh ra. Nhưng ở nước ta, tài năng văn học phát hiện rất sớm, như Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ năm 16 tuổi, Chế Lan Viên xuất bản Điêu tàn năm 17 tuổi và có nhiều ví dụ như thế. Nhưng những văn tài bẩm sinh đó không đi được xa. Họ không thể trở thành những nhà văn lớn như ở nước ngoài được.

Nền giáo dục của chúng ta (khi đó) nói chung không làm được điều đó, tức là không biến những văn tài bẩm sinh thành những Văn hào được. Nền giáo dục ở ta đã không giúp các văn tài đi thật xa. Vì vậy, chủ trương của những người như Nguyên Ngọc là thống nhất mở trường Đại học Viết văn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nguyên Ngọc không xem dạy viết văn là nghề dạy bởi mỗi người viết thì có một cách viết riêng của họ, như Tô Hoài tự nhận là anh thợ mộc, đục đẽo mỗi ngày, hay Nguyễn Khải lại khác. Rồi có người cả tháng mới viết.

“Cha đẻ” của Rừng xa nu thấy học viên Viết văn thành công nhất là học viên nghe học đủ trong 4 năm và rồi “quên hết” khi ra trường. Bảo Ninh là một ví dụ. Bảo Ninh nói với ông rằng, anh không học Trường Nguyễn Du chắc không viết được cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Bảo Ninh đã “tiêu hóa” được hết kiến thức khi học.

Nguyên Ngọc cũng nhận xét, 5 khóa đầu tiên của trường là hay nhất, các khóa tiếp theo không giữ được tư tưởng ban đầu nên không bằng. Ông mong lãnh đạo đang phụ trách Khoa cùng nhau suy nghĩ về việc giúp người ta trở thành nhà văn lớn là công việc đặc trưng thì phải có những cách nghĩ, cách làm như thế nào. Nguyên Ngọc nghĩ mỗi khóa có hai người giỏi là đại thành công. Hiện nay Khoa có cả báo chí, nên ông rất mong nhà trường giúp cho nước nhà có nền báo chí trung thực.

Chúng ta cùng nhau hy vọng rằng, nền giáo dục và Đại học hiện nay, nhất là việc đào tạo từ Viết văn Nguyễn Du sẽ “sản sinh” ra những Văn hào, Thi hào ngang tầm thế giới.

Một số hình ảnh khác:

Nhà văn Văn Giá - Nguyên Trưởng Khoa Viết Văn - Báo chí (ngoài cùng bên trái).

Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Sỹ Hùng (thứ 2 hàng đầu từ phải qua).

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Phạm Việt Long

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình văn học Đào Duy Hiệp

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Bảo Ninh

V-G-H

Hà Nội, chiều 16/11/2019