Phó Giáo sư , Nhạc sĩ Vĩnh Cát thay mặt gia đình Nhạc sĩ , Liệt sĩ , Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Vĩnh Bảo , tặng tôi cuốn sách “ SẴN SÀNG HY SINH “ ; viết về sự nghiệp âm nhạc và hy sinh của em trai anh .
Cuối năm 40 của thế kỷ trước, ba chúng tôi cùng học tập trong Trại Trường Thiếu nhi Nghệ thuật do Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là Hiệu trưởng .
Cuốn sách quý . Chân dung Nhạc sĩ-Liệt sĩ Vĩnh Bảo . Vĩnh Bảo bên Bác Hồ ( hồi ở chiến khu Kháng chiến chống Pháp ) . Vĩnh Bảo với em gái .
Tôi đọc “ Sẵn sàng hy sinh “ vào những ngày đất nước sắp kỷ niệm lần thứ 73 Ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp(19/12/1946 – 19/12/2019 ) . Đọc anh tôi xót xa , nuối tiếc . Chiến tranh đã cướp đi một tài năng trẻ âm nhạc tương lai đầy hứa hẹn . Trong Điếu văn truy điệu Anh , Nhạc sĩ , Giáo sư – Viện sĩ Lưu Hữu Phước , nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội và cũng là người thầy của Anh , có đoạn : “ …Dù mới hơn 10 tuổi , đồng chí Bảo đã bắt đầu tham gia phục vụ Kháng chiến … 30 tuổi đời , đồng chí đã tham gia trọn vẹn cuộc trường kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp và nhiều năm tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở những nơi mũi nhọn …” .
Vĩnh Bảo hy sinh khi vừa tròn 31 tuổi , tại bến Nha Thức trên Sông Saigon ( 31/5/1936 - 4/6/1967 ) sau khi hoàn thành đợt công tác tại vùng đất thép Củ Chi , trên đường trở về căn cứ để nhận nhiệm vụ mới : Phụ trách Đoàn Ca Múa Giải phóng .
Xót xa , nuối tiếc bởi 31 tuổi Anh hy sinh , để lại cho đời 41 tác phẩm âm nhạc ( gia đình còn lưu giữ ) , trong đó 26 tác phẩm thanh nhạc ,15 tác phẩm khí nhạc . Bản Capricco cho piano viết vào dịp kết thúc năm học thứ nhất Đại học sáng tác tại Nhạc viện Kiev - Ukraina mà Nhạc sĩ Doãn Nho đồng môn với anh kể lại : “Bọn mình đã nghe tác phẩm này với lòng khâm phục và tự hào , bởi lúc đó có lẽ Vĩnh Bảo là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết một bản khí nhạc lớn và hay đến thế …” . Mười tuổi , Anh đã sáng tác một số ca khúc được thiếu nhi hay hát như : Em yêu Bác Hồ , Xuân rừng xanh , Cô gà mái mơ ... Ở ATK ( an toàn khu – Việt Bắc ) Anh được gặp Bác Hồ nhiều lần , ấn tượng nhất là buổi biểu diễn thành công của Anh trong vở kịch hát “ Mừng thọ Bác Hồ “ nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Bác ở ngay nơi Bác ở . Sau buổi biểu diễn , Bác ôm Anh vào lòng . Những bức ảnh Anh được chụp chung với Bác trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng là những kỷ niệm đẹp ; cổ vũ , khích lệ Vĩnh Bảo trong sự nghiệp âm nhạc và cuộc đời chiến đấu gian nguy của Anh .
Trong “Đêm nhạc Liệt sĩ – Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo “ tổ chức tại Nhạc viện Hà Nội nhân dịp tưởng nhớ 32 năm ngày Anh hy sinh (4/6/ 1967 - 4/6/1999) , Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu , nguyên Cục trưởng Cục Âm nhạc và Múa (Bộ Văn hóa -Thông tin ) đọc diễn văn khai mạc , đánh giá : “ Nguyễn Vĩnh Bảo chưa kịp làm nên những tác phẩm lớn như nhạc sĩ hằng ấp ủ .Nhưng cuộc đời lao động sáng tác không mệt mỏi và chiến đấu hy sinh cao đẹp của nhạc sĩ đã để lại cho chúng ta tấm gương sáng ngời của một Nghệ sĩ – Chiến sĩ chân chính , phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì Tổ quốc ,vì Nhân dân , vì những giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn lao ,đẹp đẽ …”
Chí tiến thủ và tài năng cần và đủ để Vĩnh Bảo trở thành một nhạc sĩ danh tiếng của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam nếu như anh còn vững tay đàn , chắc tay súng cho đến ngày đất nước yên bình ?
&
Trong bài viết này tôi không điểm cuốn sách quý “ Sẵn sàng hy sinh “ mà chỉ viết về cảm nghĩ của tôi khi đọc về Anh . Cầm cuốn sách , tôi cảm như hơi ấm bàn tay của bạn khi còn chung sống dưới mái cọ , trên đồi chè Phương Viên ( Hạ Hòa , Phú Thọ ) thuở xưa – Trại trường Thiếu Nhi Nghệ Thuật , với những kỷ niệm đẹp thời non trẻ , với nỗi nhớ và lòng mến phục người bạn tài ba , khí phách , dễ thương …đã hy sinh .
Bài học muôn đời của Ông Cha ta : “ Dạy con từ thưở còn thơ “ . Đọc “ Sẵn sàng hy sinh “ tôi ngẫm phải chăng lòng yêu nước , nhân cách của Vĩnh Bảo bắt nguồn từ cái nôi – mái ấm gia đình ? Tôi nghĩ nhiều đến sự hy sinh của người Cha trong chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội ngay từ những ngày đầu của cuộc Trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp . Tôi nghĩ đến người Mẹ trong nỗi đau mất chồng ; một nách 7 con thơ , bom đạn đầy trời dắt díu nhau tản cư nơi rừng thiêng nước độc , lo toan cuộc sống cho đàn con . Gia đình Anh như chất vàng ròng hun đúc nên một Vĩnh Bảo giầu lòng yêu nước , sống có nhân cách và chí tiến thủ cao , sớm vào đời .
Đọc những dòng hồi tưởng của Nguyễn Thị Hòa - cô em út ; về Anh . Cô nghe Mẹ kể Vĩnh Baỏ lúc gần 4 tuổi là cậu bé khôi ngô , lanh lợi ,bụ bẫm ,da trắng môi đỏ ,mũi cao ,mắt sáng có cái đầu hơi bẹp cá trê . Chắc hồi nhỏ bị Mẹ “kỷ luật “ bắt nằm nhiều ? Còn Cha , Nguyễn Văn Cảnh , một nhà giáo uy tín . Cách mạng Tháng Tám Ông là Phó Giám đốc Nha Thể dục Trung ương . Ông giáo dục các con trai ông ngay từ bé tính tự lập , kỹ năng sống để chuẩn bị vào đời .Những ngày nghỉ, ông dạy các con tập bơi . Ông cho các con vào rừng chơi , hướng dẫn sử dụng la bàn hoặc cách tìm phương hướng quan sát mặt trời ,chòm sao rồi tự tìm đường về . Ông còn dạy các con đàn , múa , hát trong lúc vui chơi , xum họp gia đình .
Bà Nguyễn Thị Thanh , Mẹ của Anh trong cảnh góa bụa , thay chồng nuôi con . Bà thương xót mấy cậu con trai còn nhỏ tuổi đã phải dời xa vòng tay mẹ thoát ly gia đình tham gia kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc . Bà thương nhất Vĩnh Bảo , cậu con trai thứ tư , mới hơn 10 tuổi đầu đã phải xa nhà .
Đầu năm 1947 Vĩnh Bảo cùng hai anh Vĩnh Long và Vĩnh Cát tham gia Đoàn nhạc kịch Thiếu nhi tuyên truyền kháng chiến do Nhac sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách , sau đổi tên thành Đoàn Thiếu Nhi Nghệ thuật – theo tên Bác Hồ gọi .
Nhân cách của Anh thể hiện rất rõ ở những câu chuyện trong “ Sẵn sàng hy sinh “ . Chuẩn bị vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam , viết thư về cho Mẹ , Anh nhờ Mẹ phá quần áo cũ may cho anh những đôi tất chống vắt , muỗi và Mẹ cố may thêm cả cho đồng đội của Anh nữa thì càng tốt . Là tổ phó , ngồi ô tô 5 ngày đêm , anh nhường chỗ tốt cho đồng đội yếu hơn . Trong thư về cho em Hòa , Anh viết : “Trường Sơn, con đường thử thách ý chí và phẩm chất của mỗi con người “ và Anh khuyên em gái cách ăn ở : “Cần để mọi người quý và trọng mình trong mọi việc làm “. Nằm trong hầm chiến đấu đất thép Củ Chi , tưởng Anh gày gò thư sinh lại mới đi học nước ngoài về e không chịu nổi môi trường bom đạn ác liệt . Vậy mà chỉ một thời gian ngắn tay đàn , tay súng anh đã hòa đồng được với đồng đội , mọi người thương mến và lưu luyến khi chia tay Anh .
Chí tiến thủ của tuổi trẻ khiến anh bất chấp lửa đạn , gian khó nơi chiến trận . Anh xung phong tới mũi nhọn của chiến trường bởi có cơ hội Anh được tiếp xúc với thực tiễn , cần cho sự nghiệp sáng tác những tác phẩm lớn âm nhạc trong tương lai mà Anh hằng mơ ước .
Năm 1960 Vĩnh Bảo được kết nạp Đảng Lao Động VN ,ở tuổi 24 . Anh được cử sang học tại Nhạc viện Kiev . Chí tiến thủ của Anh thể hiện ở chỗ không chỉ học giỏi mà Anh còn say mê sáng tác . Ngoài chương trình học, mỗi ngày Anh dành 4 tiếng học piano vì Anh biết rằng cần cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Anh sau này . Về nước công tác ở Vụ Âm nhạc và Múa ( Bộ Văn Hóa- Thông tin ) một thời gian , anh được cử trở lại tu nghiệp tại Nhạc viện Kiev . Khi ấy 1964 , Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc , lòng căm thù giặc và ý chí giải phóng Miền Nam thôi thúc , anh làm đơn tình nguyện vào chiến trường và anh nói :” Trường Đại học ở Liên Xô còn nhiều dịp trở lại , nhưng trường Đại học miền Nam , nếu chậm chân thì không còn nữa “ . Vượt Trường Sơn , vào miền Nam nhận công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam , Anh đổi tên là Nguyễn Bảo Vinh . Anh được giao trách nhiệm huấn luyện âm nhạc cho cán bộ và diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng ở Khu căn cứ . Những cơn sốt rét , những bữa đói ăn , gian khổ thiếu thốn mọi bề ở chiến trường ; Anh gày gò xanh xao nhưng không hề giảm sút ý chí chiến đấu và niềm hăng say sự nghiệp âm nhạc . Anh vẫn chưa thực sự yên tâm và cứ day dứt làm sao xin được tham gia nơi tiền tiêu cuộc chiến để có cảm xúc và thực tiễn đặng viết được những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao sau này . Anh bày tỏ nguyện vọng cụ thể : “ Vào đến miền Nam mà chưa tới được đất thép Củ Chi thì cũng coi như chưa biết gì “ . Nguyện vọng của Anh được thực hiện vào cuối năm 1966 .
Vẻ vang thay , một gia đình trí thức Hà Nội ; Cha nhà giáo - chiến sĩ - liệt sĩ , Con nhạc sĩ – chiến sĩ – liệt sĩ ! Một gia đình có 3 con trai cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc trong các lĩnh vực sáng tác , giảng dạy và nghiên cứu .Đó là 3 nhạc sĩ : Vĩnh Long , Vĩnh Cát ,Vĩnh Bảo !
&
“ SẴN SÀNG HY SINH “ do Nhà Xuất bản Văn học phát hành . Ấn tượng trong tôi ngay từ trang bìa chân dung nhạc sĩ –liệt sĩ Vĩnh Bảo với gương mặt cương nghị , do họa sĩ Lê Lam , người đồng hành vào chiến trường Nam Bộ với Anh ; vẽ … 250 trang sách giới thiệu sơ lược gia đình - thân thế - sự nghiệp nhạc sĩ, liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo , Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân . Các chương mục : Bạn bè nhớ về Anh, Báo chí viết về Anh , Những bức ảnh lưu niệm , Thư gửi về gia đình , Bút tích-Di cảo ; ngồn ngộn những sự kiện , những câu chuyện cảm động về Anh , đọng lại sâu sắc trong tôi .
Thật không thể cầm lòng khi đọc bài :” Con đành dối Mẹ , Mẹ ơi !” . Nhà thơ Viễn Phương kể lại cái ngày Mẹ liệt sĩ Vĩnh Bảo tuổi già sức yếu lặn lội vào tận miền Nam tìm mộ con . Mẹ nói :”Cha nó đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt .Nay nó lại hy sinh ở chiến trường miền Nam . Mẹ vào cốt để tìm con . Tìm được mộ con ,thắp ba nén hương , rồi Mẹ yên lòng chờ lúc ra đi …” Nhà thơ kể tiếp :“ Bây giờ Mẹ vào tìm mộ Anh , chiến trường ác liệt ,hàng trăm trận B52 đã đánh tan nát hết cả . Văn nghệ R , Văn nghệ T4 đã tổ chức nhiều đoàn đi tìm mộ Anh . Nhưng mồ mả đâu còn ! Con biết trả lời sao ? Đời Mẹ đã khổ đau nhiều rồi . Con đâu nỡ nói thêm sự thật nát lòng , làm Mẹ khổ đau thêm nữa . Để mẹ nghỉ ngơi,yên lòng , chúng tôi họp bàn và quyết định “ làm ngôi mộ tượng trưng - ngôi mộ giả “ .
Bức thư “ Gửi hương hồn em Vĩnh Bảo thương yêu “ của Nhạc sĩ Vĩnh Long khi đúng vào ngày 3-2-1968 nghe tin em trai mình hy sinh , có đoạn viết : “ … anh ở trong tình trạng nửa thấy cần phải xác định tin này, nửa ngập ngừng không muốn đón lấy sự thật đau xót ấy . Anh muốn giữ lấy ,níu lấy những cảm giác về sự sống của em , những ý nghĩ về ngày anh em ta , gia đình ta sẽ đoàn tụ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhưng em ơi, rồi sự thật tàn nhẫn vẫn cứ đến với anh …”
Đọc “ Nhớ thương Nhạc sĩ Vĩnh Bảo “ Họa sĩ Lê Lam viết đêm 2-9-2012 , qua những câu chuyện sống động tôi như được sống trong những ngày gian nguy , thiếu thốn nhưng rất lạc quan yêu đời của văn nghệ sĩ ở R ; tình đồng chí , đồng nghiệp thân thương giữa Nhạc sĩ Vĩnh Bảo với tập thể văn nghệ sĩ của mình .
10 tuổi đầu với tình yêu đất nước , Vĩnh Bảo đã tự nguyện hy sinh , biểu thi ý chí qua bí danh NGUYỄN HY SINH ! 11 năm sau Anh đã hy sinh trên mặt trận vào loại ác liệt nhất chiến trường miền Nam vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ; vào tuổi “ băm “ xung mãn nhất của đời người !
Nguyễn Thị Hòa thăm mộ Anh trai vào một ngày bình yên . Chị trở lại Củ Chi và nhớ bức thư ngày 25-2-1967 Anh viết cho anh trai Vĩnh Long :” Anh nói với Mẹ là con trai Cụ vẫn khỏe , đang sống và công tác tại Đất thép thành đồng của miền Nam Tổ quốc chúng ta ‘’ với lòng tràn đầy niềm tin “ Ngày thắng lợi chắc chẳng còn bao xa nữa anh em ta gặp nhau chắc sẽ vui hơn …” . Tiếp đó , ngày 4-4-1967 , bức thư ngắn và là thư cuối cùng của Anh cũng vẫn trọn niềm tin :” Ngày gặp nhau cũng không còn xa nữa , ngày xum họp gia đình anh em mình tha hồ nói chuyện “ . Vậy mà …!
Nhìn các cô gái Củ Chi xinh xắn , gọn gàng trong trang phục bà ba đen ,mũ tai bèo tiếp khách tham quan , Hòa tự hỏi : “Những người mẹ, người dì của các em đây, hơn 40 năm trước có ai ; có đôi mắt nào đã để lại vết hằn trong trái tim đa cảm của Anh tôi ? Và Anh tôi có đáp lại không hay vẫn tiếp tục nén lòng mình để khỏi nặng lòng người ở lại khi ngày về của Anh vẫn ở thì tương lai xa . Tôi vơ vẩn nuối tiếc và nhói trong tim một nỗi thương cảm sâu xa …”
Tôi đã đọc Đặng Thùy Trâm , Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc và đang đọc Nguyễn Vĩnh Bảo. Tổ quốc ta thế hệ nào cũng có những gương mặt tiêu biểu cho Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chị, các Anh, sống mãi với non sông đất nước chúng ta!
Hà Nội , 4-11-2019