Kỳ tích xây chùa trên đất Phật (tiếp theo)

Hành trình xây chùa gặp đủ mọi gian nan. Biết thầy Huyền Diệu là thầy tu, vài con buôn tại đây đã dùng đủ mánh khóe gạt gẫm. Chúng thỏa thuận bán xi măng giá rẻ cho thầy nhưng đến khi mang về, thầy mới phát hiện ra chỉ có vài bao đầu tiên là xi măng thật còn lại toàn là sình đất. Kinh phí thì eo hẹp. Có khi xây xong hai cái cột thì hết tiền nên đành phải cho thợ nghỉ. Chờ 5-6 tháng sau có tiền lại làm tiếp.

ky-tich-xay-chua1-1631502643.jpgCăn lều tạm đầu tiên thầy Huyền Diệu dựng ở trên đất Phật

Mua đất xong, thầy Huyền Diệu cũng hết sạch tiền nên không thể tính chuyện xây cất chùa ngay được. Thầy dựng một cái lều nhỏ trú tạm để che mưa che nắng. Thế mà lòng thầy lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc. Nhiều đêm, không ngủ được vì sung sướng, thầy cứ đi lang thang từ thửa ruộng này đến thửa ruộng kia, ngắm trăng, nhìn sao, khoan khoái hít thở hương thơm ngào ngạt của lúa trổ đòng đòng, rồi lòng dạ nao nao nhớ về những ngày sống êm đềm với sư thầy Hoằng Nhơn ở chùa Mai Sơn Tự trên đỉnh núi Thất Sơn.

Mãi đến vài năm sau, khi tích cóp được khoản tiền, thầy mới tính đến chuyện xây chùa. Một Hội đồng điều hành được thành lập gồm 27 người tâm huyết với việc xây chùa Việt Nam thuộc nhiều quốc tịch khác nhau do chính thầy Huyền Diệu làm chủ tịch. Họp bàn một hồi, mọi người đi đến thống nhất: chưa xây chùa ngay vội vì kinh phí lớn, phải tuân thủ theo kiến trúc đặc thù, phải coi hướng cùng đủ thứ hệ lụy khác. Trước tiên, xây một ngôi nhà có gian thờ Phật và vài ba phòng để ở tạm. Thế nhưng, khi chuẩn bị bắt tay vào làm, mọi người mới ớ người ra khi trong số 27 thành viên, không ai thạo về kiến trúc, xây dựng mặc dầu toàn là tiến sĩ, thạc sĩ. Thế là, thầy Huyền Diệu quyết định vai khoác nải bắt xe đến Kolkata, thủ đô cũ của Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa Anh để tìm tài liệu về xây dựng.

Trong thời gian thầy Huyền Diệu ở Kolkata, mấy chục học trò của thầy ở nhà sốt ruột bèn cùng nhau mày mò tự vẽ bản thiết kế. Và ngày 24/5/1987, họ bắt tay đào móng xây nhà trên diện tích đất khoảng 1.500m2. Chẳng làm lễ động thổ, chẳng xem ngày giờ bởi họ phần lớn là người Châu Âu, Châu Mỹ. Từ trước đến nay, họ đâu có quan tâm đến ngày tốt, giờ tốt, đến cúng kiếng thần linh. Khi trở về, thấy gạch đá ngổn ngang, công trình bụi cát mịt mù, thầy Huyền Diệu chỉ biết kêu trời: “Trời ơi! Đây là công trình tâm linh vô cùng thiêng liêng. Vậy mà các cậu làm ăn bừa bãi như thế này thì chết tôi rồi”. Cánh học trò cười, gãi đầu gãi tai: “Thưa thầy! Sắp hết kỳ nghỉ hè, thời gian cấp bách quá nên anh em phải tiến hành mau để còn trở về nước”.

ky-tich-xay-chua2-1631502676.jpgVận chuyển gỗ xây chùa

Kiểm tra kỹ lại bản vẽ, thầy Huyền Diệu lại tá hỏa khi phát hiện ra tòa nhà xây hai tầng mà lại không có cầu thang. Thầy lại kêu trời: “Các cậu thiết kế gì mà kỳ vậy? Phòng thờ Phật ở tầng trên, chẳng lẽ mỗi lần thắp hương cúng Phật tôi phải bắc thang trèo vào à?”. Thế là mọi người lại phải hì hụi vẽ lại. Ban đầu, thầy Huyền Diệu đề nghị thiết kế mỗi phòng chỉ có 4m2 để tiết kiệm diện tích và tiền công xây dựng. Thế là mọi người nhao nhao: “Thầy là người Châu Á nhỏ thó mới có thể ở được chứ chúng tôi to con như ông Hộ Pháp thế này, ở trong phòng bé tin hin ấy có mà trở thành tôm luộc hết”. Họ đề nghị mở rộng diện tích căn phòng gấp đôi, tức 16m2. Và đề nghị xây nhà vệ sinh ngay trong phòng cho tiện sinh hoạt chứ không xây bên ngoài theo kiểu Ấn Độ khiến diện tích mỗi phòng tăng thành 32m2. Thầy Huyền Diệu nhớ lại: “Lúc bấy giờ tôi lo lắm vì hễ phòng càng lớn càng tốn kém. Nhưng cho đến bây giờ, tôi mới thấy họ đúng và phải cảm ơn họ vì nhờ thế, chùa mới có 36 phòng rộng rãi, tiện nghi dành cho các Phật tử khắp nơi có chỗ nghỉ ngơi khi về chiêm bái đất Phật”.

Hành trình xây chùa gặp đủ mọi gian nan. Biết thầy Huyền Diệu là thầy tu, vài con buôn tại đây đã dùng đủ mánh khóe gạt gẫm. Chúng thỏa thuận bán xi măng giá rẻ cho thầy nhưng đến khi mang về, thầy mới phát hiện ra chỉ có vài bao đầu tiên là xi măng thật còn lại toàn là sình đất. Kinh phí thì eo hẹp. Có khi xây xong hai cái cột thì hết tiền nên đành phải cho thợ nghỉ. Chờ 5-6 tháng sau có tiền lại làm tiếp. Thời kỳ đầu, thợ xây dựng hầu hết là người Ấn. Nhưng thầy nghĩ, đây là ngôi chùa Việt Nam cần phải mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Từ mái chùa đến họa tiết trên tường, cột kèo phải là những hoa văn truyền thống. Vì thế, thầy đã tìm mọi cách để mời một số thợ từ Việt Nam sang. Chưa kịp vui mừng thì vài người đã giở trò ăn cắp, lưu manh. Họ lĩnh lương của chùa nhưng những ngày thầy Huyền Diệu đi vắng, họ trốn đi làm nơi khác. Rồi lấy cắp vật liệu xây dựng mang đi bán. Người phát hiện ra chuyện tày đình này là bà Sâm, một thành viên trong Hội đồng điều hành chùa Việt Nam Phật Quốc Tự. Bình thường, bà Sâm dùng cơm trong nhà ăn nhưng hôm đó, không biết trời xui đất khiến thế nào, bà lại bưng bát cơm ra ngoài vườn chùa ngồi ăn. Chợt bà nhìn thấy người thợ Ấn Độ tên là Arlesht đang khệ nệ vác một bao tải lớn trên vai. Sinh nghi, bà vội đuổi theo, chặn lại. Bà yêu cầu mở bao tải. Té ra toàn là ngói. Anh ta ăn cắp của chùa mang đi bán. Anh ta khai, thông đồng với một anh kiến trúc và hai thợ xây dựng người Việt Nam. Vụ việc vỡ lở, đám thợ người Việt Nam đến gặp thầy Huyền Diệu sám hối. Và họ kể những câu chuyện lạ lùng. Họ bảo, họ đã âm thầm lấy cắp đồ của chùa nhiều lần mà không ai biết. Nhưng ban đêm, khi ngủ, họ toàn nằm mơ thấy mình bị tai nạn do sập dàn giáo, đổ nhà đổ cửa, gãy chân gãy tay, máu me be bét. Có hôm, tỉnh dậy, sợ quá, đứa này đổ lỗi cho đứa kia, lời qua tiếng lại thế là lao vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán. “Thầy ơi! Không hiểu sao, mấy lần chúng con lấy trộm ngói của chùa mang đi bán nhưng hễ chở đến nơi giao ngói, mở bao tải ra thì tất cả đều vỡ vụn, không viên ngói nào còn lành lặn. Vài lần như thế khiến chúng con sợ hãi, chân tay bủn rủn hết. Chúng con nghĩ, hay là thầy có pháp thuật cao cường gì chăng? Thầy ơi! Chúng con biết chúng con có tội với thầy. Mong thầy tha thứ cho chúng con và thu xếp cho chúng con về nước ạ”. Thầy Huyền Diệu mỉm cười bảo: “Tiền bạc hay đồ vật của Tam bảo rất linh thiêng nên bất cứ người nào mưu toan lấy cắp đều gặp nạn hết. Cách đây không lâu, có mấy người thợ Ấn Độ nửa đêm lẻn vào chùa ăn cắp xi măng. Vừa vác ra đến cổng, bỗng nhiên họ đứng yên như trời trồng, trên vai vẫn vác bao tải xi măng. Sáng ra, nhìn thấy vậy, thầy Huyền Diệu liền đập vai họ, hỏi: “Các anh vác xi măng đi đâu thế này”. Họ bỗng rùng mình như choàng tỉnh, miệng lắp bắp bảo: “Thưa thầy! Không hiểu sao con đội ra đến đây rồi không bước đi được nữa, đôi chân con nặng trình trịch như bị đeo cùm”. Thầy bảo: “Anh vác trở vô chùa đi”. Khi đó, tự nhiên họ bước đi bình thường. Họ quỳ sụp xuống, lạy thầy như tế sao. Mặt ai cũng xanh đít nhái vì sợ hãi.

ky-tich-xay-chua3-1631502677.jpgXây chùa

Sau sự kiện thợ Việt Nam lấy cắp đồ đạc, thầy Huyền Diệu rất buồn lòng. Thầy nghĩ: “Hay là mình không đủ duyên để mướn được những người thợ khéo tay trong nước”. Nhớ đến Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, thầy lại chắp tay khấn nguyện. Và kỳ lạ thay, lần nào cũng linh ứng. Thầy đã tìm được một tốp thợ lành nghề khác Bồ Đề Đạo Tràng tiếp tục làm việc. Khoảng nửa năm sau, khu Pháp xá hoàn thành. Thầy Huyền Diệu mừng khôn xiết.

Công việc tiếp theo là phải đúc tượng và đại hồng chung. Thông thường, các ngôi chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng chỉ thờ Đức Phật Thích Ca vì đây là thánh địa, nơi Đức Phật thành đạo. Riêng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, thầy Huyền Diệu muốn thờ Tam thế Phật gồm chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Bên cạnh đó, thầy cũng muốn đúc tượng thờ Đức Hộ Pháp, Địa Tạng, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát… Thoạt đầu, thầy Minh Hiếu ở Sài Gòn đặt các nghệ nhân trong nước làm các tượng Phật bằng xi măng, cốt sắt rồi gửi sang Ấn Độ. Tuy các bức tượng rất đẹp nhưng khuôn mặt lại được tạc giống người Ấn Độ nên một số Phật tử đề nghị thầy Huyền Diệu nên tạc tượng bằng gỗ theo truyền thống Việt Nam. Vì những bức tượng gỗ sơn son thếp vàng ở các ngôi chùa tại miền Bắc, miền Trung dù trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên dáng vẻ oai nghiêm, linh thiêng. Thầy rất tâm đắc nhưng kinh phí lấy đâu ra? Thế là một số gia đình Phật tử ở trong và ngoài nước xin được cúng dường toàn bộ. Nhờ thế, ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự mới có được các bức tượng Phật tam thế với gương mặt hoàn toàn Việt Nam, được tạc nên do chính đôi tay của các nghệ nhân Việt Nam.

Về đại hồng chung, trước đó, các tổ chức Phật giáo Nhật Bản và Hàn Quốc ngỏ ý muốn tặng Đại hồng chung cho Việt Nam Phật Quốc Tự nhưng tự sâu thẳm trái tim mình, thầy Huyền Diệu muốn chiếc chuông này phải được đúc từ Việt Nam, bằng đồng Việt Nam, do chính những người thợ Việt Nam đúc. Có thế, tiếng chuông vang lên giữa không trung Bồ Đề Đạo Tràng mới thật linh thiêng và ý nghĩa.

ky-tich-xay-chua4-1631502677.jpgThầy Huyền Diệu và các sư Miến Điện làm lễ cầu nguyện sau khi mua được đất

Nghĩ là làm, thầy về Sài Gòn. Được người quen giới thiệu, thầy tìm đến nhà cha con ông Sính, nghệ nhân đúc chuông nổi tiếng người Huế. Thầy đặt ông Sính đúc 4 quả chuông, mỗi chiếc cao 3m, rộng 2m, với ý định đặt 4 chiếc tại 4 thánh địa Phật giáo. Nhưng khi biết giá mỗi chiếc chuông lên đến bạc tỷ, thầy chỉ đặt làm 1 chiếc. Ông Sính yêu cầu thầy đặt cọc trước 50% để mua nguyên vật liệu. Nhưng vét sạch túi, đếm đi đếm lại thầy chỉ còn vỏn vẹn có 250 USD. Thầy bèn dùng mật pháp mà sư thầy Hoằng Nhơn xưa kia đã chỉ dạy. Đặt tờ 100 USD là tiền lương dạy học lên bàn thờ, thầy thành tâm niệm Phật theo bài kinh sư phụ dạy rồi khấn: “Bạch Ngài! Con đang xây dựng ngôi chùa trên đất Phật và ước ao có được chiếc chuông đặt tại linh địa Việt Nam Phật Quốc Tự. Nhưng hiện con chỉ còn có 250 USD. Nay con xin dâng cúng 100 USD, kính mong Ngài gia hộ cho con làm được chuông”.

Làm lễ xong, thầy Huyền Diệu đến gặp anh Thái, chủ tiệm vàng ở Vườn Chuối. Anh cũng là một Phật tử, đã từng gặp thầy ở Ấn Độ. Thầy đề nghị anh làm thư ký, kiêm thủ quỹ cho thầy. Anh Thái vui vẻ nhận lời. Nhưng gần đến ngày thầy trở về Ấn Độ, biết được khoản tiền cần phải thanh toán quá lớn, anh Thái hốt hoảng: “Thưa thầy! Con tưởng tiền đúc quả chuông chỉ 1-2 trăm triệu thì con có thể chạy lo phụ thầy được. Đằng này số tiền lên đến cả tỷ, con xoay sở sao nổi hả thầy?”. Thầy Huyền Diệu vội trấn an: “Con đừng lo! Thầy nhờ con giữ tiền chứ có bắt con trả tiền cái chuông đâu. Về đến Ấn Độ, thầy sẽ thu xếp tiền bạc gửi về thanh toán đầy đủ”.

Chuyện thầy Huyền Diệu cần tiền để đúc chuông đã đến tai một số gia đình Phật tử. Nhiều người liên lạc với thầy đề nghị được cúng dường, trong đó, có hai gia đình ở Pháp và Canada xin được cúng dường toàn bộ số tiền đúc chuông. Nhưng thầy Huyền Diệu chỉ xin nhận một phần. Số còn lại, để mọi người tùy hỉ đóng góp vì đúc chuông là công đức lớn, thầy muốn chia đều cho nhiều người. Thế là chưa đầy một tháng, số tiền mọi người từ khắp nơi gửi về đã gần đủ số tiền cần thanh toán. Nhận được đồng nào, thầy lại gửi ngay về Việt Nam cho cha con ông Sính. Cuối cùng, số tiền cần thanh toán nốt khoảng 9.000 USD, thầy gom góp số tiền lương của thầy cộng với tiền của Phật tử khắp nơi sang Ấn Độ hành hương, cúng dường cho chùa cũng vừa đủ. Ông Sính điện thoại sang, hối thúc thầy gửi tiền về để hoàn tất công đoạn chót trong việc đúc chuông. Thầy nhẩm tính: nếu mình cầm số tiền này về Việt Nam trao tận tay ông Sính sẽ tốn thêm gần 2.000 USD nữa cho việc đi lại, ăn ở. Vì vậy, nhân một đoàn Phật tử Việt Nam sang Ấn Độ, thầy nhờ một người tên H. cầm về đưa cho ông Sính. Trước khi nhờ, thầy đã thành tâm chú nguyện tiền đừng mất. Hai - ba tuần trôi qua, thầy Huyền Diệu thấy ruột nóng như lửa đốt. Đang lo ngại không biết có chuyện gì xảy ra không thì bất ngờ, thầy nhận được cú điện thoại của ông Sính, báo rằng ông vẫn chưa nhận được số tiền còn lại. Hốt hoảng, thầy điện thoại về cho Phật tử H. nhưng không liên lạc được. Đúng lúc đầu óc hoang mang, ruột rối như tơ vò thì thầy nghe tin: sư cô Nguyễn Lưu về thăm Việt Nam. Thầy bèn nhờ sư cô đến gặp anh H. để hỏi rõ mọi chuyện. Từ Việt Nam, sư cô báo hung tin: Anh H. đã chiếm đoạt số tiền 9.000 USD đó. Thầy Huyền Diệu bật khóc. Thầy tự hỏi: “Không biết mình đã tạo nghiệp chướng gì kiếp trước mà kiếp này, gặp hết trở ngại này đến khó khăn khác?”. Thầy cứ đi lang thang quanh chùa, lòng nặng trĩu nỗi buồn rồi tự an ủi: “Chắc kiếp trước mình đã từng lừa gạt anh này nên kiếp này phải trả. Khi đưa tiền, mình chẳng làm giấy tờ gì. Chứng cứ đâu mà đòi lại. Thôi, coi như mất trắng. Biết kêu ai bây giờ? Đó là lỗi của mình đã nhìn lầm người. Lỗi mình làm, mình chịu. Xem như một bài học kinh nghiệm”. Thầy cố gắng quên đi để giữ sự bình an trong tâm hồn và tự hứa, sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để kiếm tiền, bù đắp vào khoản đã mất.

ky-tich-xay-chua6-1631502677.jpgThầy Thích Huyền Diệu và đoàn Phật tử Việt Nam tại chùa Việt Nam Phật Quốc Tự

Không ngờ, mấy tháng sau, một hôm, thầy nhận được cuộc điện thoại của thầy Minh Hiếu từ Sài Gòn: “Thầy Huyền Diệu ơi! Linh hiển quá! Linh hiển quá!”. Thầy Huyền Diệu còn ngơ ngác, chưa hiểu gì thì thầy Minh Hiếu vội kể: Khi biết chuyện không may xảy ra với thầy, các đệ tử của thầy Minh Hiếu rất bất bình. Một bà tự nguyện xung phong đi đòi. Không hiểu bằng cách nào, bà đã buộc anh H. hoàn trả đầy đủ 9.000 USD. Nghe vậy, thầy Huyền Diệu bật khóc vì vui sướng. Trong đời, thầy đã gặp nhiều chuyện màu nhiệm không sao giải thích được.

Tháng 9/1998, quả chuông được đúc xong. Nhưng vận chuyển nó sang tận Ấn Độ đâu phải dễ dàng. Vì theo quy định của Nhà nước, muốn chuyển một vật phẩm lớn như vậy ra nước ngoài, phải làm một loạt thủ tục giấy phép hành chính, tốn rất nhiều thời gian và công sức, từ Ban tôn giáo, Bộ văn hóa đến các cơ quan chức năng như hải quan, thuế vụ… Thầy Huyền Diệu, một lần nữa thành tâm chắp tay hướng về quê hương khấn nguyện: “Con đã đúc được quả chuông như mong ước sau khi trải qua biết bao gian nan thử thách. Giờ lại đến chuyện thủ tục mang đi thật muôn vàn khó khăn. Nếu quả thật con không có nhân duyên đem chuông về đất Phật thì xin để lại trong nước sử dụng. Còn nếu các Ngài nhận thấy con thành tâm và có chút phước duyên thì xin rủ lòng thương gia hộ cho mọi việc dễ dàng”.

Màu nhiệm thay, một tháng sau, cũng chính thầy Minh Hiếu điện thoại cho thầy Huyền Diệu báo tin, đích thân thầy đến gặp các vị chức sắc trình bày mọi việc. Nhờ vậy, mọi người đã tận tình giúp đỡ. Hiện quả chuông đang trên đường sang Ấn Độ. Cước vận chuyển đã có người tự nguyện cúng dường.

ky-tich-xay-chua5-1631502677.jpgLễ khánh thành chùa Việt Nam Phật Quốc Tự

Thật không sao diễn tả hết nỗi xúc cảm lớn lao của thầy Huyền Diệu ngày đón Đại hồng chung từ trong nước gửi sang, trải qua cuộc hành trình vạn dặm đến với ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật. Thầy đã đặt tên cho đại hồng chung này là “Chuông hòa bình Việt Nam”. Mỗi ngày ba lần, tiếng chuông chùa Việt Nam ngân vang trong sương mai và chiều muộn của xứ Ấn. Thầy thành tâm ước nguyện tiếng chuông Việt Nam mang lại sự thức tỉnh, an vui và tình thương cùng lời cầu nguyện cho thế giới được hòa bình và cho mọi chúng sinh được sống trong bình an lạc nghiệp.

Ngày 12/1/2003, nhằm ngày Đức Phật thành đạo, thầy Huyền Diệu tiến hành lễ khánh thành chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ. Hầu hết những người từng đóng góp cho chùa đều có mặt. Nhiều người đã bật khóc vì sung sướng. Thầy Huyền Diệu dường như trẻ lại hai mươi tuổi. Thầy cười bảo: “Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ mình phải tái sinh vài kiếp mới hoàn thành xong chùa”. Chẳng ai tin, chỉ với 60 đô la trong người, thượng tọa Thích Huyền Diệu vẫn quyết tâm xây dựng ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật, điều mà cho tới giờ, thượng tọa vẫn cho rằng đó là phép màu nhiệm.

Trích trong tập phóng sự Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 2 – NXB Hội nhà văn 2017.