Ký ức thời chiến

Những năm bom đạn ác liệt người ta hô hào, phát động phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” làm như con người không sợ gì bom đạn, cứ hát to là bom đạn nó bay đi chỗ khác, hay cứ hát lên thì bom nó hóa thành cục bùn đất.

241207616-1561413800917230-4514572582374853724-n-1631614346.jpg

Chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ giai đoạn 1967-1970, là thời kỳ khó khăn tưởng như không thể vượt qua được của người dân Quảng Bình quê tôi. Hầu như ngày nào cũng như ngày nào, ban ngày cũng như ban đêm những trận bom dội xuống khi thì máy bay vòng liệng rồi thả bom, khi thì thả bom theo tọa độ được xác định trước cứ nổ ầm ầm nhưng không hề nghe tiếng máy bay.

Cuộc sống trên bom dưới đạn đã đẩy cuộc sống của người dân xóm nhỏ quê tôi ngày càng một khó khăn hơn. Sản xuất đình trệ, ruộng đất gần các trọng điểm ném bom chi chit hố bom, bom đè lên bom đành phải bỏ hoang. Khu vực ít bị đánh phá người dân phải đi làm từ sớm để tránh máy bay hoạt động tầm gần trưa đến chiều, đây là thời điểm trời ít mây, trong xanh nên máy bay thường hay sục sạo tìm kiếm mục tiêu như ụ pháo, xe ô tô vận tải, kho tàng dã chiến. Mà thời kỳ đó hầu như ở vùng quê tôi không có tiếng súng phòng không của các loại cao xạ pháo, chỉ vang lên tiếng lẹt đẹt của súng trường K44, CKC hay AK 47, oai lắm thì súng máy 12,7 ly của dân quân trực chiến vang lên, vừa bắn máy bay vừa báo động cho người dân, những người dân ham công tiếc việc hơn là sợ máy bay không chịu xuống hầm trú ẩn.

Thời kỳ đó máy bay Mỹ hoạt động đánh phá như vào chỗ không người. Máy bay rất thấp đôi khi nhìn thấy cả phù hiệu trên thân, vòng đi vòng lại, khi thấy mục tiêu bắt đầu chúc xuống thả bom, phóng rốc két, đến lúc đó mọi người mới chịu xuống hầm. Không như thời kỳ 65-66 mới nghe tiếng máy bay đã vội trốn vào bụi rậm sợ nó trông thấy, sau đó rồi quen dần, việc ai người nấy làm, chỉ cần cảnh giác khi có hiện tượng như chuẩn bị chúc đầu xuống để thả bom. Ngày ấy mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, ngồi trong hầm mà nghe tiếng pháo cao xạ 37 ly nổ lụp bụp hay cao xạ 57 ly, 100 ly nỗ bung như ngô rang trên trời người dân cảm thấy yên tâm hơn, có bộ đội là yên tâm, là sống rồi, có bắn hạ được chiếc máy bay nào hay không nhưng người dân có cảm giác bộ đôi đang gần đâu đây, vẫn còn lưới lửa phòng không của ta chống trả quyết liệt với máy bay Mỹ, hy vọng bộ đôi cao xạ vẫn đang hàng ngày hàng giờ trực chiến bảo vệ cuộc sống cho dân trước mức độ ngày càng khốc liệt của chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ trên mảnh đất tuyến lửa này.

Những năm bom đạn ác liệt người ta hô hào, phát động phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” làm như con người không sợ gì bom đạn, cứ hát to là bom đạn nó bay đi chỗ khác, hay cứ hát lên thì bom nó hóa thành cục bùn đất. Lý giải cho sự can đảm chịu đựng mưa bom bão đạn ngày đó của người dân tuyến lửa Quảng Bình quê tôi chính ở cái tính lì lợm mà ra, lì lợm đến mức không thèm lùi bước trước bất kỳ khó khăn gian khổ trở ngại nào, lầm lì đến nổi coi việc máy bay Mỹ ném bom là việc “kệ cha mi, muốn mần chi thì mần, việc tau, tau làm”. Chính vì thế mà con người quê tôi mới hiên ngang chung sống với mưa bom bão đạn như chung sống với điều kiện khắc nhiệt của thiên nhiên bão lụt, gió Lào, hạn hán bao đời nay vậy đó. Hơn nữa có lẽ dân quê tôi đã thấm nhuần sâu sắc lời kêu gọi của Bác Hồ “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm,10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa...” để mà vô tư sống.

Ngày đó truyền thông cũng ca ngợi sự hy sinh của người dân tuyến lửa Quảng Bình xem họ như là những người anh hùng, không tiếc máu xương, việc “xe chưa qua nhà không tiếc” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng những người dỡ nhà ra để lấp hố bom ngày ấy cho xe bộ đội đi qua đến bây giờ nhiều hộ vẫn không có cái tử tế để ở, chưa dám nói nhà cao cửa rộng, họ vẫn ở trong những túp nhà đơn sơ nhưng cũng không phàn nàn, không kêu ca do số phận mình nghèo. Nếu như có chủ trương bù đắp thì chẳng có ai có giấy chứng nhận về việc đã có thành tích phá nhà lấp hố bom thời đó để làm các thủ tục chế độ cho mình cả.

 

Theo Trái tim Người lính