Ký ức về một miền quê

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người đều có hình bóng của một ai đó để nhớ nhung, xao xuyến. Ai cũng sẽ nghĩ đó là mối tình đầu ngây dại, hay một người mình đã từng yêu, từng thương. Nhưng ít người nhận ra được, người mà mình nhớ nhất, hay nghĩ về nhất lại chính là bản thân mình hồi còn bé.

Năm 2008, trong một lần ngồi nối chuyện với chú Khánh, đồng hương xã Tiên Phương trong Đà Nẵng, chú bảo: “chú đi xa quê mấy chục năm rồi mà mỗi lần về, chú thấy quê mình vẫn thế, chẳng có thêm con đường nào mới, nhà cửa vẫn hao hao như cách đây mấy chục năm, chẳng thấy thay đổi, phát triển gì cả”. Đó là nhận xét cách đây hơn 10 năm của một người xa quê. Từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Tiên Phương quê mình đã có chuyển biến, vươn mình phát triển hơn, cơ bản vẫn những con đường cũ nhưng đã được đổ bê tông sạch sẽ, không còn lầy lội, chơn trượt nữa; những mái nhà lợp ngói, lợp rơm xưa dần được thay bằng ngôi nhà tầng khang trang; vài cánh đồng lầy lội xưa đã thành khu dân cư sầm uất với những ngôi biệt thự lộng lẫy mọc lên. Người dân quê mình chẳng còn mấy nhà cấy cày, trồng lúa, làm màu như trước, thay vào đó là những trang trại chăn nuôi, trồng trọt lớn nhỏ, nhiều nhà trở nên giàu có trù phú hơn trước. Trẻ con, thanh niên chú tâm vào học hành, gần như chẳng phải chân lấm tay bùn, sớm khuya với đồng áng, ruộng vườn, nấu rượu, nuôi lợn như trước nữa.

Chẳng biết mình có ích kỉ quá không, nhưng mình thích sự mộc mạc, ngeo nghèo, chân chất mà tình cảm, gần gũi nhau của làng quê mình ngày xưa. Đôi khi sao người ta lại sống vội vậy, rồi cứ ngộ nhận cái sự vô cảm là trưởng thành, vững vàng mà quên đi những thứ tình cảm tốt đẹp ngày bé. Đã 20 năm kể từ ngày mình tham gia quân ngũ, xa nhà, rồi vướng bận việc xã hội, việc gia đình riêng nên không được thảnh thơi để đi chơi hết các xó sỉnh của quê mình, nhưng mỗi lần có dịp về kiểu gì mình cũng phải lang thang xóm làng, nếu có nhiều thời gian thì mình đi xa hơn, thăm lại những gắn liền với tuổi thơ của mình như Núi Mõ, núi chùa, Phương Khê vv. Mỗi khi về mình cũng rất thích đi thăm và nói chuyện với các bà, các cụ già. Mỗi khi nói chuyện với các cụ, thấy cảm giác mình thật trẻ con, thật hồn nhiên, vô tư. Nhưng chỉ vài năm nay thôi các cụ ngày xưa thân thiết với gia đình mình, những cụ hay nhờ mình nhổ lông quặm trong mắt cũng lần lượt về với tổ tiên gần hết rồi. Cứ nghĩ đến mà chợt thấy bâng khuâng, sao xuyên và nuối tiếc, giờ về quê cũng không nhiều người nhận ra mình nữa, nhất là lớp trẻ, một cảm giác lạc lõng, mang mác trong lòng. Những địa điểm gắn với tuổi thơ cũng dần thay đổi, thậm chí là mất đi. Mình nhớ ngày còn nhỏ, dọc hai bờ mương dưới làng đồng khoai nước được trồng rất nhiều để nuôi lợn.

Ở đầu ngõ vào nhà Mình có hai cây dâu da rất to do nhà bà Sáu trồng, bọn trẻ con trong xóm toàn leo lên ngồi tán ngẫu và vặt trộm quả, tất nhiên là việc đó thường xuyên bị bà Sáu quát mắng xua đuổi, cấm không cho trèo lên cây ngồi và bẻ quả rồi. Mấy cây đó rồi bị chặt đi lúc nào mình cũng không biết. Cái cổng Điếm đầu ngõ vẫn tồn tại như một dấu ấn lịch sử của thôn, của xóm, nhưng giờ nó đang mục nát và nhỏ dần đi. Bên cạnh cái cổng điếm đó có treo một cái kẻng hình như bằng đuôi tên lửa, được dùng từ thời chiến tranh thì phải. Cái cổng này cũng là nơi bọn trẻ trong xóm thường xuyên tụ tập, chơi trò pháo đất, trò chốn tìm. Cũng có thời gian Ông Hồng dùng cái cổng đó làm chỗ bán nước, là chỗ để các ông, các bác chơi cờ tướng hằng ngày…

Bên kia qua bờ mương xuống sát đồng ruộng còn một con mương nhỏ, bên sườn giáp hai con mươn đó các cụ trồng một dải cây phi lao, những nhà có trâu, bò hay thả ở đó, bọn trẻ chúng mình thường nô đùa, đào lọ, đào bếp nướng khoai bên đó. Cũng có khi bẻ cành phi lao để nghịch, chơi đùa, lấy lá của nó dật đứt ở một đốt nào đó ra rồi lại gắn vào để đố nhau tìm được chỗ bị giật ra đó. Hay vào những ngày đông giá lạnh thi nhau xem ai cuốn được cái lùn dơm to nhất, cháy lâu nhất, thi nhau chu mồm ra thổi, nẻ nứt toác cả da mặt lẫn môi trên môi dưới, mặt mày nhem nhuốc, rồi chạy dọc theo con mương đó mà chẳng biết rét buốt là gì. Mùa hè thì thi nhau đi tìm bắt con bọ dứa làm quạt, bắt bọ xít làm xe đua nhau, hay thi làm “ống thụt” bằng cành tre mai, không phải là sử dụng giấy ngâm mà là một loại quả dại rất sai quả ở trên núi, nó có nhựa dính dính mà giờ mình quên mất tên. Mấy quả đó anh em mình toàn được ông ngoại tìm bẻ cho trên núi Mõ. Rồi buổi tối đến, chẳng cần hẹn hò nhau mà thanh niên mấy xóm đều kéo nhau lên cầu Da Vông ngồi chơi, hóng mát và chém gió, chẳng có điện thoại, chẳng có ti vi và vẫn vui cười sảng khoái, thậm chí có đứa nằm ngủ quên trên đó luôn, bạn bè bảo nhau bỏ chốn về hết, thậm chí có thằng ngủ say đến mức bị đám bạn khiêng vào trong nghĩa trang gần đó mà ko biết. Gần sáng tỉnh dậy do tiềng người lớn đi làm đồng sớm, thì ba chân bốn cẳng chạy một mạnh về nhà. Ngày đó cũng hay, bố mẹ có thể yên tâm bỏ mặc con cái bé xíu tự do chơi đùa, tự do đi lại mà không sợ gì.

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người đều có hình bóng của một ai đó để nhớ nhung, xao xuyến. Để mỗi khi có cơn gió mùa về, mỗi khi gặp một khung trời, một cảnh vật bình yên nào đó, là bao nhiêu kỉ niệm về con người đó lại tràn về trong tâm trí. Có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đó là mối tình đầu gian dở, là người mình từng yêu, từng thương. Nhưng ít người nhận ra được, người mà mình hay nhớ về nhất, hay nghĩ về nhất lại chính là bản thân mình hồi còn bé.