Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn thành công bước đầu Đề án học sinh THCS dân tộc Mảng

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh cấp THCS người dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn giai đoạn 2019-2025 đã xác định mục tiêu “tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục, về kỹ năng sống, hướng nghiệp”; “tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho các trường cấp THPT, Dân tộc nội trú” từ đó tạo nguồn cán bộ là người dân tộc Mảng cho địa phương.

Thành tích đáng ghi nhận

Nhà trường đã phối hợp cùng các đơn vị trường có học sinh người dân tộc Mảng tuyên truyền sâu rộng tới học sinh và phụ huynh, học sinh về mục đích của việc thực hiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh THCS là người dân tộc Mảng thông qua hình thức trao đổi trực tiếp. Năm học 2019 – 2020 đã tuyển sinh được 50 em học sinh trong đó có 25 em học sinh lớp 6 và 25 em học sinh lớp 7. Năm học 2020 – 2021 trường đã tuyển sinh được 25 em học sinh lớp 6, nâng tổng số học sinh Mảng đang theo học tại trường là 75 em. Qua gần 2 năm học triển khai thực hiện Đề án, kết quả được đánh giá rất khả quan, về nhận thức, hàng tháng nhà trường tổ chức khảo chất lượng học sinh, qua khảo sát nhận thấy chất lượng học sinh dân tộc Mảng luôn đồng đều với các học sinh dân tộc khác của nhà trường. Các em học sinh dân tộc Mảng sống đoàn kết, hòa đồng với các bạn trong lớp, trong trường không gây gổ, xích míc với các học sinh dân tộc khác. Các em tham gia bày tỏ ý kiến tự tin, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hàng ngày. Các em đã biết thể hiện tình cảm sự biết ơn thầy cô như gửi những lời chúc mừng nhân dịp các ngày lễ trong năm, qua hội thi làm báo tường...

Giờ tự học của các em 

Về chất lượng giáo dục năm học 2019 – 2020; Xếp loại hạnh kiểm: 100% học sinh có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó loại tốt 38/50 hs = 76%; loại khá 7/50 hs = 14%. Xếp loại học lực: 100% học sinh có học lực từ trung bình trở lên, trong đó loại giỏi 1/50 hs = 2%; loại khá 21/50 hs = 42%. Danh hiệu: học sinh tiên tiến 20/50 = 40%, học sinh giỏi 1/50 = 2%. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, hội khỏe Phù Đổng cấp huyện học sinh tham gia nhiệt tình và đạt được kết quả vượt qua sự mong đợi của nhà trường: Học sinh giỏi cấp huyện 3/5 = 60% học sinh dự thi đạt giải (trong đó có em được giải nhì cấp huyện). Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện lần thứ 3: 4/4 = 100% hs đạt giải. 

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội

Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, nhà trường thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (894.000đ/hs/tháng); Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (15kg/hs/tháng). Bên cạnh đó, các em cùng được sự quan tâm của toàn xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý và nuôi dạy các em. Thời gian đầu khi học sinh mới nhập học có nhiều gia đình vì nhớ con nên tự ý đón các em về nhà mà không thông qua nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm. Nhưng sau hơn một năm học mỗi lần gia đình có công việc đều gọi điện trao đổi trước khi được sự đồng ý của nhà trường phụ huynh mới đến đón con. Đa số phụ huynh chủ động trao đổi với giáo viên chủ nhiệm qua điện thoại hàng tuần để nắm bắt tình hình học tập của con em mình, phụ huynh học sinh tham gia đầy đủ các buổi họp phụ huynh do nhà trường tổ chức vào đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học, nhiều tổ chức cá nhân đẫ tặng áo ấm, sách giao khoa, huy động nhà hảo tâm tổ chức tết trung thu cho học sinh. 

Định hướng nghề nghiệp và mong muốn tương lai

Định hướng cho các em luôn được thầy cô giáo và các đoàn thể trên địa bàn huyện luôn quan tâm, hàng tuần Ban quản lý học sinh bán trú tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể, trao đổi hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THCS. Khi được hỏi các em đều mạnh dạn tâm sự có em ước mơ trở thành những kỹ sư nông nghiệp và công nhân ngành điện để về phục vụ chính quê hương mình, nhiều em ước mơ làm cô giáo để đem con chữ đến cho các em học sinh vùng cao, vùng khó khăn…

Bên cạnh đó, ngoài việc dậy con chữ, giáo viên còn hướng dẫn cho các em thực hiện các hoạt động như: trồng rau, hoạt động thể dục thể thao, tham gia đội tuyển học sinh giỏi…..
 

Vườn rau của các em sau những giờ trên lớp 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương, bản thân tôi cùng toàn thể giáo viên trong trường luôn mong muốn sau khi các em tốt nghiệp cấp THCS sẽ tiếp tục theo học cấp THPT ở các trường Dân tộc nội trú huyện, tỉnh để nuôi dưỡng ước mơ của các em thành hiện thực. Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc Mảng sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi nhiều em trong tổng số 100 em của Đề án sẽ trở thành cán bộ của địa phương. Mong các em luôn nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị-xã hội của huyện Nậm Nhùn nói riêng và của tỉnh Lai Châu nói chung để đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh cấp THCS người dân tộc Mảng đạt được hiệu quả cao.

Hoạt động thể thao vui chơi của các em sau giờ học 

Theo ý kiến chia sẻ của ông Lò Văn Cương, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy cho biết: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người dân tộc Mảng được huyện Nậm Nhùn xác định rất quan trọng. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay là sự quyết tâm của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương, đặc biệt là các thầy cô giáo và ngành giáo dục. Chính vì thế mong muốn lớn nhất của huyện là sau khi các em tốt nghiệp THCS rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành, các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ để các em tiếp tục hoàn thành ước mơ của mình.

Là 1 trong 4 dân tộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước triển khai đề án riêng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, người dân tộc Mảng sinh sống chủ yếu ở huyện Nậm Nhùn, tại 15 bản thuộc các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì và Nậm Hàng với 872 hộ, 4.360 nhân khẩu. Địa bàn cư trú phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, ít ruộng nương; điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 64%.