Phóng viên (PV): Gần đây, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn di sản đang thu hút nhiều sự chú ý, trong đó có những ý tưởng sáng tạo rất thú vị. Anh am hiểu sâu khảo cổ học lại có thời gian dài nghiên cứu khoa học về chùa Dạm, chắc cũng quan tâm và biết đến bản phục dựng 3D công trình kiến trúc cột đá chùa Dạm do một nhóm tác giả trẻ yêu di sản ở Hà Nội thực hiện?
TS. Nguyễn Văn Đáp (ảnh trên): Tôi có biết. Trong chương trình sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh của Đài Truyền hình Việt Nam gần đây, ekip làm phim họ cũng đề cập đến sản phẩm này. Dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học và các nguồn sử liệu, nhóm tác giả trẻ đã sử dụng công nghệ 3D để phỏng dựng cột đá chùa Dạm-công trình kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất còn sót lại từ thời Lý (TK XI). Tôi cho rằng đó là một sự sáng tạo đáng trân trọng. Tuy nhiên, bản phỏng dựng ấy có nhiều điểm chưa nghiên cứu thấu đáo, thuyết phục và cũng chưa được giới chuyên môn đánh giá, thẩm định.
PV: Anh nghĩ gì về làn sóng số hóa di sản văn hóa hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Đáp: Di sản văn hóa là thứ một đi không trở lại. Như những “báu vật nhân văn sống”, các nghệ nhân Dân ca Quan họ nếu mất đi thì bao nhiêu vốn liếng của họ được tích lũy, mài giũa cả đời cũng mất theo. Rất nhanh, chỉ cần vài năm là chuyển sang một thế hệ khác mà thường thế hệ sau sẽ không còn nắm giữ hết được những bí quyết hay là cái gốc chuẩn của di sản như thế hệ trước, có sự biến đổi cả về lượng lẫn chất.
Chính vì vậy, việc số hóa di sản là vô cùng cần thiết, nó tránh được sự tam sao thất bản và làm sớm ngày nào thì thế hệ mai sau được hưởng cái đó. Lấy ví dụ cụ thể là Bảo vật Quốc gia- Cửa võng đình Diềm. Giả sử nếu chẳng may mất một trong số những cấu kiện hay những mảng chạm bong kênh chi tiết sẽ làm mất đi ý nghĩa, vẻ đẹp tổng thể của bộ cửa võng trứ danh. Nhưng rất may, bảo vật này đã được sao chép đầy đủ toàn bộ thông số mỹ thuật, kĩ thuật, kích thước, kiểu dáng và trong trường hợp xấu nhất vẫn có thể dựa vào dữ liệu số hóa để phục chế một cách chính xác tuyệt đối.
Bắc Ninh hiện đang là tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa di sản bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất. So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chúng ta đã và đang bảo vệ tốt hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, đậm đặc và đặc sắc.
PV: Kho di sản văn hóa của Bắc Ninh đậm đặc, quý báu như vậy có khiến những người trực tiếp làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cảm thấy áp lực?
TS. Nguyễn Văn Đáp: Hiện nay nhân lực làm công tác di sản văn hóa đang rất mỏng, không có chuyên gia. Thực tế này không riêng ở Bắc Ninh mà nhiều nơi khác cũng thế.
Nhận thức về văn hóa rất khác nhau, mỗi người một quan điểm. Người ta cứ nghĩ làm văn hóa đơn giản. Thực chất, tất cả những gì liên quan đến con người đều là văn hóa. Cho nên, muốn văn hóa đi lên phải có những người làm thực sự chuyên nghiệp, có nền kiến thức vừa rộng, vừa sâu, chứ không phải chỉ là bề nổi.
Xây dựng đội ngũ những người làm văn hóa rất quan trọng, phải am tường, có phông nền rộng. Sau đó từ con người mới ra được định hướng, cơ chế, chính sách và từ chính sách mới có được các chương trình hành động phù hợp.
Làm văn hóa phải biết hi sinh, đời này trồng, đời sau được hưởng, thậm chí phải chờ đến mấy đời sau mới được hưởng.
PV: Anh có thể nói chi tiết hơn về sự ảnh hưởng của nguồn lực con người đối với quá trình phát triển văn hóa Bắc Ninh?
TS. Nguyễn Văn Đáp: Con người cũng chịu sự ràng buộc của các thể chế. Văn hóa và con người luôn đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực. Làm văn hóa rất khó, quan trọng là phải đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về công tác quản lý hoạt động văn hóa nói chung để văn hóa phát triển, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực của phát triển bền vững.
Thực ra, văn hóa theo tầng, lớp, theo thời kỳ lịch sử. Giai đoạn trước, về lĩnh vực nghệ thuật, Bắc Ninh có nhiều nhân tài. Xét riêng ở Di sản Dân ca Quan họ, các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân lớp trước nhiều người tài năng được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hay là NNDN, NNƯT rất xứng đáng, nhưng đến nay chỉ có một vài người. Công tác đào tạo rất mức độ. Có những giáo viên, giảng viên truyền dạy nghệ thuật truyền thống nhưng hầu như không đi cơ sở, không chịu học hỏi nghệ nhân. Nghệ sĩ chuyên nghiệp mà chỉ hát được những bài trên sân khấu, hát những bài khác không tự tin, người có chút tài thì “mắc bệnh sao”... Điều đó nói lên rằng nguồn lực con người đang mòn dần nếu không kịp thời quan tâm sẽ có nguy cơ mai một, thậm chí biến tướng.
PV: Vậy nếu bây giờ bắt tay vào làm ngay có còn kịp không?
TS.Nguyễn Văn Đáp: Quan tâm, phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và chưa bao giờ là muộn. Bắt đầu cần là một chiến lược tạo nguồn nhân lực chất lượng, có chính sách đầu tư cho trí tuệ, chất xám, chăm sóc từ gốc là con người...
Giống như việc bảo tồn Di sản Dân ca Quan họ. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước nghĩ được và làm rất tốt cơ chế đãi ngộ nghệ nhân mà nhiều nơi đang học tập. Bây giờ, hàng năm các làng Quan họ được hỗ trợ kinh phí hoạt động, nghệ nhân thì được hưởng chế độ hàng tháng. Sự hỗ trợ đó so với đầu tư ở các lĩnh vực khác tuy nhỏ mà hiệu quả lại thấy rất rõ, từ nền nếp sinh hoạt trong cộng đồng làng xã cho đến những vấn đề sâu xa hơn như cách đối nhân xử thế...
Điều đó cho thấy, chỉ bằng một chính sách quan tâm thiết thực, nhân văn, đúng và trúng thì cộng đồng người dân được hưởng lợi, phong trào văn hóa đi lên, các CLB Quan họ hoạt động sôi nổi, hiệu quả, người tham gia thực hành di sản đều phấn khởi, tận tâm, tận lực góp sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà.
PV: Tôi hiểu những trăn trở của anh và cũng đồng quan điểm, làm văn hóa cần bắt đầu từ gốc, có chiến lược đầu tư nguồn nhân lực lâu dài, biết chấp nhận hi sinh lợi ích trước mắt để hướng đến giá trị mai sau. Trân trọng cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của anh!