Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 20 triệu người nghèo, những người “ăn bữa hôm lo bữa mai” hay “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Đối với họ, nghỉ ở nhà ngày nào để cách ly phòng dịch theo Chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ đồng nghĩa với việc nồi nấu cơm “cách ly” với gạo ngày đó.
Trước tình hình đó, cùng với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ “chưa từng có tiền lệ” của chính phủ, hàng triệu người trên cả nước đã có những hành động đẹp, kẻ góp công, người góp của để xẻ chia với những người nghèo, được xã hội ngợi khen.
Trong những người có những hành động đẹp đó, thì cây ATM gạo của anh Hoàng Tuấn Anh, ông chủ trẻ (SN 1985) của công ty PHG Lock được xã hội đánh giá cao nhất.
Xuất phát từ ý nghĩ “trong mùa dịch, thấy nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công như vậy thì người đông, tiếp xúc gần rất dễ lây nhiễm”, bằng trí thông minh, anh Hoàng Tuấn Anh đã tận dụng những vật liệu và máy móc có sẵn của công ty để sáng chế ra chiếc máy ATM.
Máy này cũng có những đặc điểm như máy ATM của các ngân hàng. Nhưng nếu máy ATM của ngân hàng nhả ra tiền thì cây ATM của Hoàng Tuấn Anh nhả ra gạo, mỗi lần từ 1,5 đến 2kg. Số gạo đó được phát miễn phí cho người nghèo.
Ngoài ra máy còn có thêm chức năng để nhận biết người đến nhận gạo có đúng là người nghèo hay không, và người đó có đến nhận gạo nhiều lần trong một ngày hay không.
Lúc đầu, theo năng lực của mình, Hoàng Tuấn Anh chỉ nạp vào máy mỗi ngày 500kg gạo, tức là mỗi ngày chỉ phát được cho trên 200 người. Nhưng rồi “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều “mạnh thường quân” đã chở gạo đến tiêp sức cho anh, nên máy có thể nhả gạo liên tục 24/24 giờ mỗi ngày.
Và từ chiếc ATM gạo đầu tiên tại 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nhiều cây ATM gạo tiếp tục được lắp đặt tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trên cả nước. Riêng tại thủ đô Hà Nội hiện đã có tới 3 máy.
Đến sáng 14/4, theo thông tin được phát trên VTV1 đài truyền hình Việt Nam, thì tại Cà Mau, cây ATM gạo đầu tiên đã đi vào hoạt động. Toàn bộ số gạo của các cây ATM này đều do các nhà hảo tâm cung cấp. Và còn nhiều nơi khác cũng đã xuất hiện cây ATM gạo...
Tục ngữ Việt Nam có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhìn những người nghèo xếp hàng cách nhau ít nhất 2m để nhận suất gạo miễn phí, và sau khi nhận thì ra về với những nét mặt đã vợi bớt âu lo, rất nhiều người đã cảm động trước nghĩa cử của chàng giám đốc trẻ tuổi. Họ đã gọi những cây ATM gạo đó là “cây ATM tình nghĩa”.
Cái tên đó thật xứng đáng! Những suất gạo tuy giá trị không lớn, nhưng đã thực sự làm ấm lòng người nghèo trong cơn hoạn nạn.
Bạn đang đọc bài viết Lan tỏa cây ATM tình nghĩa tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.