Làm bún đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Yêu nghề, nghề chẳng phụ
Nằm ven dòng sông Thương, bao đời nay Đa Mai đã nổi tiếng với nghề làm bún. Chúng tôi đến vùng đất này vào một sớm đầu hè, cũng là thời điểm những mẻ bún nóng hổi, dẻo thơm đã được ra lò để phục vụ thực khách từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng sang trọng. Một ngày mới lại bắt đầu với người dân nơi đây bằng những công đoạn trong quy trình làm bún. Đến thăm gia đình bà Đoàn Thị Bốn ở thôn Đình, vừa thoăn thoắt chuyển những thùng gạo cho vào máy vo, bà Bốn vừa kể: “Không ai nhớ chính xác nghề làm bún ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng hồi còn nhỏ tôi đã được bố mẹ truyền dạy và đến nay gia đình đã có 3 đời theo nghề này. Làm bún tuy vất vả, phải thức khuya dậy sớm, thậm chí “ráo mồ hôi là hết tiền” nhưng đổi lại vốn đầu tư ít, cho thu nhập ổn định nên mấy chục năm nay gia đình tôi vẫn gắn bó với nghề”.
Là sản phẩm chỉ sử dụng trong ngày, khách hàng chủ yếu là người dân TP. Bắc Giang cùng một số huyện lân cận như: Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên. Trung bình mỗi ngày gia đình bà Bốn sản xuất khoảng 300 kg bún, mang lại thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, điều khiến gia đình bà Bốn yên tâm gắn bó với nghề là sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết, một phần được cung cấp cho các nhà hàng, số còn lại đem bán tại các chợ. Thường vào những dịp đầu năm, cuối năm và đặc biệt là dịp lễ, tết nhu cầu tiêu thụ bún rất lớn, nhiều khi gia đình làm không đủ hàng cung cấp cho thị trường.
Phường Đa Mai còn hơn 100 hộ sản xuất bún.
Gọi là nghề phụ nhưng thực chất lâu nay làm bún đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân tại Đa Mai. Hiện trên địa bàn phường Đa Mai có các loại bún như: Bún lá, bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bánh cuốn, bánh gio... Theo kinh nghiệm của người dân Đa Mai: Để làm ra mẻ bún đòi hỏi nhiều yếu tố và trải qua các công đoạn cầu kỳ như: Ngâm gạo, ủ chua, nghiền và lọc bột, vắt bún, hấp bún… Đặc biệt, để bún có độ trắng, thơm, dẻo và ngon đặc trưng, mỗi hộ dân lại có những bí quyết gia truyền riêng. Cũng theo bà Bốn, so với trước đây, người làm bún đã bớt nhọc nhằn hơn bởi có sự hỗ trợ của máy móc, từ xay bột, lắc bột, hấp bún… nhờ vậy năng suất cao hơn, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được cải thiện. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò, kinh nghiệm và bí quyết của mỗi người làm bún giảm đi.
Ổn định đầu ra bằng chữ tín
Bún Đa Mai có độ dẻo, thơm ngon và thanh mát, có lẽ thế mà sản phẩm này đã trở thành đặc sản vang tiếng xa gần, tạo nên nét văn hóa ẩm thực hấp dẫn mà mỗi khi đến Bắc Giang nhiều người muốn thưởng thức. Theo một số người già trong vùng, nghề làm bún ở Đa Mai qua bao thăng trầm của lịch sử, sự cạnh tranh của kinh tế thị trường, đã có lúc nghề làm bún nơi đây phải lao đao và có nguy cơ mai một. Bằng sự trân trọng và tâm huyết, những người dân địa phương đã kiên trì bám trụ và tìm hướng đi để nghề làm bún đứng vững và phát triển như hôm hay.
Ông Nguyễn Mạnh Thái, Chủ tịch UBND phường Đa Mai cho biết: Để bảo tồn, phát triển nghề bún, những năm qua chính quyền phường đã có nhiều quan tâm như: Đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống cống thoát nước thải của làng nghề, vào các dịp lễ hội xuân đầu năm duy trì tổ chức thi làm bún và trưng bày sản phẩm bún để người dân thêm tự hào và tôn vinh nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm bún Đa Mai tại các hội chợ thương mại, các lễ hội truyền thống của thành phố và các địa phương; tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể; tổ chức ký cam kết với các hộ sản xuất bún, bánh về thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện toàn phường có hơn 100 hộ thường xuyên sản xuất bún, bánh trong đó tập trung chủ yếu ở các thôn: Đọ, Đình và thôn Chùa. Mỗi ngày các lò bún tại đây cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn bún, bánh đem lại thu nhập trung bình mỗi người từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Do vậy, cùng với nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và công nghiệp, nghề làm bún, bánh đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội chung trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm của địa phương hiện nay là môi trường làng nghề khó tránh khỏi những tác động xấu từ việc sản xuất bún, bánh, sự cạnh tranh về thị trường ngày càng lớn khiến các hộ cũng có lúc gặp khó khăn.
Để phát triển nghề bền vững trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Mạnh Thái bên cạnh việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, trước mắt chính quyền phường đã tính đến một số giải pháp như: Chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao lợi nhuận. Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm. Đồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất phụ gia gây ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng chung của thương hiệu bún Đa Mai…
Được biết, năm 2017, bún Đa Mai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tin tưởng rằng, với những hướng đi thích hợp, nghề làm bún tại đây sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tích cực trong việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân.