Đầu tháng 4/2020, chúng tôi có chuyến công tác đến xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình (được sáp nhập từ các xã: Nhượng Bạn, Xuân Tình, Như Khuê, Vân Mộng). Nếu như trước kia, nơi đây vốn nổi danh là vùng đất của điệu hát Xắng cọ Xứ Lạng, mỗi khi tết đến hoặc dịp nông nhàn, người dân lại cùng nhau tụ họp để hát thì ngày nay, số lượng người biết hát chỉ còn khoảng hơn 30 – 40. Chị Lý Thị Cả, cán bộ Văn hóa – Thông tin xã Thống Nhất cho biết: Hiện nay, lớp người còn hát được Xắng cọ ở địa bàn xã đều đã già, không có lớp trẻ kế cận. Thêm vào đó, nguồn kinh phí của xã eo hẹp nên muốn thành lập câu lạc bộ để bảo tồn rất khó khăn”.
Nghệ nhân hát Xắng cọ tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Trường PTDT bán trú THCS xã Minh Phát năm học 2018-2019
Tại xã Minh Hiệp (sáp nhập của xã: Minh Phát và Hiệp Hạ), việc bảo tồn điệu hát này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng người biết hát chỉ còn chiếm khoảng 30% người Sán Chỉ của xã. Những người hát được đều ở độ tuổi 50 trở lên, giới trẻ hầu như không còn mặn mà với điệu hát của dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị L, 62 tuổi, thôn Nà Nong, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình Sán Chỉ truyền thống, tôi được hun đúc niềm say mê các làn điệu Xắng cọ. Với tôi, hình ảnh những đêm hát Xắng cọ đã ăn sâu vào tiềm thức. Tôi rất mong điệu hát này sẽ được nhân rộng hơn nữa, đặc biệt là người trẻ dân tộc Sán Chỉ học hát. Có như thế, câu hát của cha ông chúng tôi mới không bị thất truyền.
Thời gian qua, UBND huyện Lộc Bình đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn điệu hát Xắng cọ của người Sán Chỉ. Cụ thể, năm 2008, UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa – Thông tin huyện tham gia cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án sưu tầm, nghiên cứu, ghi âm, ghi hình về hát Xắng cọ tại xã Nhượng Bạn (nay là xã Thống Nhất). Bên cạnh đó, tháng 7/2017, phòng đã mở 1 lớp truyền dạy hát Xắng cọ người Sán Chỉ cho 70 học sinh Trường Dân tộc THCS bán trú xã Minh Hiệp. Ngoài ra, phòng thường lồng ghép biểu diễn Xắng cọ tại các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, điệu hát này vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một do nhiều nguyên nhân như: sự du nhập các loại hình ca nhạc hiện đại vào đời sống người dân, thiếu kinh phí duy trì công tác bảo tồn,…
Theo số liệu của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 682 hộ với 2.803 nhân khẩu là người dân tộc Sán Chỉ, cư trú chủ yếu ở các xã: Thống Nhất, Minh Hiệp và Đông Quan. Trong đó, tập trung đông nhất tại xã Thống Nhất (411 hộ với 1.669 nhân khẩu). Hiện tại, huyện có duy nhất một câu lạc bộ hát Soong hao và Xắng cọ tại xã Minh Hiệp với 60 thành viên, trong đó có 32 người dân tộc Sán Chỉ hát được Xắng cọ. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên câu lạc bộ đang hoạt động cầm chừng.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Để bảo tồn điệu hát Xắng cọ của người Sán Chỉ trong thời gian tới, với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã có người Sán Chỉ sinh sống thành lập các câu lạc bộ, duy trì việc hát Xắng cọ trong nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục sưu tầm, lưu trữ những tư liệu thành văn, tư liệu truyền khẩu về điệu hát Xắng cọ hiện đang lưu truyền trong dân gian. Ngoài ra, tăng cường đưa Xắng cọ vào trường học nhằm phát hiện lớp trẻ kế cận, góp phần lưu truyền điệu hát này cho các thế hệ mai sau.
Hát Xắng cọ là những bài hát đối đáp giữa nam và nữ thể hiện tâm tư, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng của con người, ca ngợi thiên nhiên, cuộc sống tốt đẹp. Làn điệu dân ca này có 3 hình thức hát chủ yếu: Xắng cọ (hát ban đêm), Chục cọ (hát ban ngày) và Cáng cọ (hát cả ban ngày và ban đêm). Một cuộc hát thường từ hai đến ba cặp nam, cặp nữ hát với nhau và cả 3 làn điệu hát không có đạo cụ đệm theo sau.