Lào Cai: Bánh phở Nàn Sán

Những ngày đầu xuân, ngôi làng nhỏ Nàn Sán (Si Ma Cai) nhộn nhịp vào mùa làm bánh phở truyền thống. Có khách đặt phở số lượng nhiều nên chị Lù Thị Sinh (thôn Đội 3) phải huy động thêm họ hàng làm giúp. Đôi tay chị Sinh thoăn thoắt uốn chiếc đũa cả, nhẹ nhàng lách vào rồi khéo léo kéo bánh phở ra phên hong. Để đến công đoạn này, trước đó là cả một quy trình dày công, tỉ mỉ.

 

bp

Chị Lù Thị Sinh làm bánh phở.

Chị Lù Thị Sinh vừa trò chuyện: Xuân này, gia đình tôi được đón Tết  trong ngôi nhà mới, thành quả sau nhiều năm gắn bó với nghề làm bánh phở. Nhẩm tính sơ sơ, mỗi năm gia đình tích lũy được hơn 100 triệu đồng. Vừa làm, chị Sinh vừa tranh thủ truyền nghề cho các con. Chính chị cũng học nghề làm phở từ mẹ mình khi chị mới cao bằng nửa thân cây ngô trên nương. Là người thành công trong nghề làm phở, tại những buổi họp thôn, họp phụ nữ, hội nông dân hoặc với bất cứ ai có nhu cầu học hỏi, chị không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm bánh ngon và kỹ năng tiếp cận thị trường, nhất là các mối hàng ở huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai.

Dạo quanh Nàn Sán, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống sung túc, yên vui hiện hữu trong những nếp nhà xây nối tiếp nhau trên từng cung đường nông thôn mới. Phở Nàn Sán được các thế hệ đồng bào dân tộc Nùng, Thu Lao trong xã gìn giữ và lưu truyền như một nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Ông Trẩn Văn Kình, Chủ tịch UBND xã Nàn Sán cho biết, xã có 300 hộ thì có đến một nửa trong số đó duy trì nghề làm bánh phở. Trung bình mỗi hộ làm khoảng 40 đến 50 kg phở mỗi ngày, hộ làm chuyên nghiệp có thể lên tới 150 đến 200 kg.

Giờ đây, phở Nàn Sán không chỉ bán tại các chợ nông thôn hoặc hàng ăn trên địa bàn huyện mà còn vươn ra thị trường thành phố Lào Cai, Hà Nội... và theo khách du lịch đến nhiều miền đất nước. Người Nán Sán giờ đây mang nghề tráng bánh phở đi làm ăn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điều quyết định để bánh phở thơm ngon như ở Nàn Sán là phải chọn gạo nương, hạt màu đỏ phơn phớt. Gạo được xay nhuyễn tạo bột mịn, như thế bánh phở vừa dai, dẻo và thơm. Để bánh phở đạt độ dai ngon, chị Sinh còn phải điều tiết nhiệt độ trong lò bằng việc đun nhiều hay ít củi, mức nước trong nồi tráng bánh nhiều hay ít. Bánh phở không được tráng quá mỏng hoặc quá dày, phải để nguội trong khoảng thời gian nhất định trước khi đóng gói giao cho khách. Thưởng thức món bánh phở mới làm, được thái đều và cuộn tròn, chúng tôi cảm nhận rõ vị thơm ngon. Hương vị bánh phở đậm đà hơn khi có thêm ớt xay giã muối, vốn là gia vị truyền thống của vùng cao Si Ma Cai.

Chính sự nguyên sơ, mộc mạc của bánh phở Nàn Sán đã trở thành thế mạnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khó tính. Nếu có dịp lên chợ quê Si Ma Cai, bạn đừng quên thưởng thức vị đặc trưng của bát phở với vị dẻo dai của bánh phở Nàn Sán tráng thủ công, vị ngọt thơm của thịt gà đen, ớt cay, sẽ thấy sức hấp dẫn mà không cần thêm lời quảng bá.