Lào Cai: Độc đáo trang phục mùa xuân của người La Chí ở Bắc Hà

Mỗi dịp xuân về, đồng bào La Chí ở Bắc Hà, Lào Cai lại diện những bộ trang phục mới, đặc sắc của dân tộc mình. Điều đặc biệt là tất cả đều được làm thủ công, ẩn chứa sắc màu văn hóa đầy ý nghĩa.

Thuần sắc chàm giản dị điểm xuyết chút hoa văn, nhưng đây lại là nét truyền thống đáng quý trong những bộ trang phục nam nữ của người La Chí ở Bắc Hà (Lào Cai). Mang trên mình sắc phục dân tộc đón xuân, với mỗi người con La Chí, đó là bản sắc, là niềm tự hào, là sự đón nhận tình cảm của người phụ nữ dành cho người thân trong gia đình khi tự tay khéo léo hoàn thành nên những bộ trang phục ấy.

Chị Lý Thị Nề (thôn Máo Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà) chia sẻ: "Công việc này mình thường làm vào tháng 9, 10 khi nông nhàn để kịp hoàn thành trước Tết. Làm 1 bộ quần áo hoàn chỉnh phải vài tháng, nhưng tự làm cho chồng con mặc đã quen rồi, thấy mọi người vui thì mình cũng rất hạnh phúc".

 

Trang phục của người La Chí không sặc sỡ, cầu kỳ. Đàn ông La Chí mặc áo năm thân dài ngang bắp chân, quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ thì mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hoặc váy. Tưởng chừng đơn giản, nhưng để ra được một bộ quần áo hoàn chỉnh phải qua biết bao nhiêu công đoạn từ trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, may thêu…

Chị Vàng Thị Nề (thôn Máo Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà) nói: "May quần áo phụ nữ là khó nhất và cũng tốn nhiều thời gian nhất vì phải thêu các hoa văn ở viền áo, yếm và cắt may cũng phải khéo thì mới có thành phẩm mềm mại và đẹp. Mình trước nay vẫn chỉ mặc trang phục truyền thống do mình làm ra vì thấy đẹp và rất tự hào".

Trong mỗi nếp nhà sàn của người La Chí ở Bắc Hà hầu như đều có một chiếc khung cửi bằng gỗ để dệt vải. Tại đây, những người phụ nữ La Chí từ nhỏ đều được dạy cách để tự làm nên trang phục cho bản thân và gia đình. Công việc này cũng là tiêu chí đánh giá sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ trong cộng đồng. Với một điểm đến được nhiều người biết tới như Bắc Hà, nét văn hóa này hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gắn với phát triển du lịch.

 

Ông Bùi Văn Vinh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: "Để tạo điều kiện cho người La Chí tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa này, chúng tôi sẽ tạo ra những điểm du lịch trong các làng bản để du khách biết đến làng nghề truyền thống vẫn được gìn giữ, gắn với chiếc khung cửi tự tay người dân làm ra".

Trong cuộc sống hiện đại, người La Chí dù cởi mở, hòa nhập với các dân tộc khác cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhưng vẫn không quên dành những phần đất tốt nhất để trồng bông, trồng chàm. Ngoài dịp lễ Tết, những bộ trang phục tạo nên từ những nguyên liệu mộc mạc ấy còn được người La Chí mặc cả trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, thêm đa dạng sắc màu trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.