Khắp Nôm là làn điệu dân ca độc đáo, gắn liền với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Tày ở Văn Bàn, được gìn giữ, phát huy. Khắp Nôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận và đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Trong những năm qua, ngoài duy trì 12 câu lạc bộ Khắp Nôm ở 12 xã, thị trấn có đông đồng bào Tày sinh sống, hằng năm, huyện Văn Bàn đều tổ chức liên hoan Khắp Nôm Tày. Đây là “sân chơi” thu hút nhiều thành viên trong các câu lạc bộ Khắp Nôm Tày tham gia, góp phần bảo tồn làn điệu dân ca Khắp Nôm…
Lớp truyền dạy hát dân ca Khắp Nôm Khánh Yên Trung.
Bà Phùng Hoàng Oanh, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: Liên hoan Khắp Nôm Tày được huyện Văn Bàn duy trì tổ chức thường niên, có ý nghĩa với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là dịp tôn vinh di sản văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Tày, là động lực để thành viên các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt văn hóa, bảo tồn những giá trị truyền thống, nhất là các tiết mục dân ca, dân vũ của đồng bào Tày như hát đối, hát ghẹo, hát đố, trích đoạn nghi lễ truyền thống…
Đặc biệt, năm 2019, trong khuôn khổ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, huyện Văn Bàn đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tài trợ mở lớp truyền dạy hát dân ca Khắp Nôm tại xã Khánh Yên Trung với các nội dung cơ bản như múa then truyền thống, múa mừng sản xuất, múa khăn, múa xúc cá; Khắp Nôm giao duyên, Khắp Nôm mời rượu… Đây cũng là cơ hội để huyện Văn Bàn phát triển và nâng tầm loại hình sinh hoạt dân ca đặc trưng của người Tày, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng.
Nghệ nhân Hoàng Thị Quản, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khắp Nôm Khánh Yên Trung chia sẻ: Việc tổ chức lớp truyền dạy hát múa dân ca Khắp Nôm tại địa phương sẽ tiếp thêm động lực cho những nghệ nhân chúng tôi và các thành viên trong câu lạc bộ để gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản Khắp Nôm trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày.
Trong năm, huyện Văn Bàn đã chú trọng và làm tốt công tác bảo vệ, phát huy di sản, di tích văn hóa. Theo đó, huyện tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ khoa học phế tích Trấn Hà là di tích lịch sử cấp tỉnh; phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức hội thảo khoanh vùng lập hồ sơ di tích địa điểm chiến thắng đồn Pháp tại Dương Quỳ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa; phối hợp với Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin về hình ảnh, nhân chứng tại các xã: Khánh Yên Trung, Chiềng Ken, Khánh Yên Hạ để lập hồ sơ công nhận lễ cúng thổ công của đồng bào Tày trên địa bàn huyện Văn Bàn… Huyện còn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ghi hình và sản xuất các tập phim về bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở xã Liêm Phú và xã Làng Giàng, dân tộc Xa Phó ở xã Sơn Thủy, dân tộc Mông Xanh ở xã Nậm Xé để phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia nhằm quảng bá những nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Lễ cúng thổ công của đồng bào Tày ở xã Chiềng Ken.
Năm nào cũng vậy, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với chính quyền các xã duy trì và quản lý tổ chức thành công các lễ hội đầu xuân cũng như các lễ hội trong năm, như lễ hội xuống đồng của người Tày ở Chiềng Ken, lễ hội đền Cô Tân An, nghi lễ “mo tham thát” của đồng bào Tày ở Làng Giàng; lễ cúng thổ công của người Tày ở Chiềng Ken. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện còn phối hợp quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, dòng họ tổ chức các nghi lễ Then Tày, nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao đỏ, lễ mừng cơm mới của người Xa Phó, các đám cưới truyền thống… trên nguyên tắc giữ gìn bản sắc văn hóa, loại bỏ những hủ tục.
Thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Văn Bàn còn quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Trong năm, huyện chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 263 đội văn nghệ thôn, bản gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nâng cao chất lượng danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn huyện, từng bước đầu tư mới, nâng cấp và sử dụng hiệu quả các nhà văn hóa cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố…