Hội Gióng. Ảnh internet
Là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của cả nước, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hội Gióng ở Phù Đổng và ở đền Sóc Sơn (Hà Nội) cũng không nằm ngoài mối quan tâm trên.
Hội Gióng Sóc Sơn đã có từ hàng nghìn năm nay, là lễ hội truyền thống mang đậm chất văn hóa dân gian của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ; tích hội xuất phát từ câu chuyện huyền thoại về người anh hùng dân tộc tên là Gióng, được xếp vào hàng bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Hội Gióng Sóc Sơn diễn ra tại khu du lịch, di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là điểm cuối cùng của cuộc hành trình ở chốn trần thế, sau khi đánh thắng giặc Ân, Gióng về đây ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất trời lần cuối, cởi áo chiến bào khoác lên cây trầm hương, áo giáp để lại nơi đỉnh núi Vệ Linh, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng về trời. Nhân dân quanh núi Sóc nhớ ơn người anh hùng thần thánh, hàng năm mở hội 3 ngày, từ ngày 6 - 8 tháng giêng, để tưởng nhớ ngài.
Có một vấn đề đang được tranh luận là: khi thực hành lễ hội cổ truyền hôm nay, có nhất thiết phải bảo tồn, giữ nguyên như một nguyên tắc bất di bất dịch tất cả những gì được coi là cổ xưa, truyền thống hay không? Qua nghiên cứu hội Gióng đền Sóc, chúng tôi thấy rằng, cũng giống như tất cả các lễ hội cổ truyền khác, hội Gióng đền Sóc hội tụ nhiều yếu tố hình thức cũng như nội dung đã đi vào ổn định, được truyền từ đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác. Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố, chi tiết phụ, dù đã được người dân thực hành từ xa xưa, nhưng hiện nay không còn phù hợp với đời sống văn hóa và mỹ cảm của con người hiện đại thì cũng bị người dân tự nguyện cắt bỏ.
Bảo tồn những yếu tố đã định hình, ổn định, đã thành truyền thống
Là một lễ hội có từ lâu đời, hội Gióng bao chứa nhiều yếu tố đã đi vào ổn định về thời gian được tổ chức định kỳ, về diễn trình và nội dung đã được quy định, ghi chép vào bia đá, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những quy định đó dù ở thời đại nào, hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay đổi hay pha trộn.
Lễ vật cúng tiến trong lễ hội Gióng ở đền Sóc đã được ghi lại trên mặt bia số 6 của bia đá 8 mặt dựng trên núi Bia. Tại đây đã ghi rõ sự phân công cho làng nào chuẩn bị và dâng lễ vật gì trong ngày hội. Sự phân công này đã được các thôn làng ở Sóc Sơn tuân thủ nghiêm ngặt, đã đi sâu vào tiềm thức của người dân mỗi địa phương, được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành ý thức thực hiện một cách tự nguyện, thậm chí được coi như là niềm vinh dự của làng đối với vị thánh tôn kính.
Diễn trình và nội dung hội Gióng Sóc Sơn bao gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ là phần được coi trọng hơn. Trước hết là phần rước lễ vật của các thôn làng vào đền Thượng rồi đến nghi thức tấu, tế của từng thôn làng. Xưa kia phần lễ này kéo dài có khi là cả mấy ngày của hội.
Đã thành quy uớc chung bất di bất dịch giữa các thôn làng, đám rước của thôn Vệ Linh với cây giò hoa tre đầu nước luôn đi đầu và được dâng lễ vật lên thánh đầu tiên, sau đó mới đến phần cúng tiến lễ vật của các thôn khác. Trật tự này không bao giờ thay đổi, không ai có quyền thay đổi.
Thay đổi, bổ sung, bồi đắp thêm những yếu tố mới
Ngoài những yếu tố đã ổn định, bất biến, trong hội Gióng Sóc Sơn vẫn có một số yếu tố hoặc là mới được đưa thêm vào sau này, hoặc có sự thay đổi chút ít về trình tự trong diễn trình, có tác dụng tăng thêm tính hấp dẫn, phong phú cho lễ hội, nhằm thu hút nhiều đối tượng du khách hôm nay.
Về trật tự đoàn rước, trên mặt bia số 6 có ghi rõ thôn làng nào được phân công chuẩn bị vật phẩm gì để cung tiến vào đền Thượng trong ngày khai hội. Tuy nhiên, ngoài luật bất thành văn là Vệ Linh rước giò hoa tre đi đầu tiên, đã được tất cả các thôn làng công nhận vô điều kiện thì không thấy trên mặt bia nào có ghi lại trình tự của các thôn làng còn lại trong đoàn rước và cung tiến vật phẩm vào đền Thượng. Các tài liệu sau này cũng không thấy nói rõ về việc này. Vì thế chúng tôi không thể biết được trước năm 1945, rồi sau năm 1945, kể cả giai đoạn phục hồi lại vào năm 1992, thì thứ tự của các thôn xã sau Vệ Linh như thế nào. Chỉ biết rằng, năm Nhâm Ngọ (2002), khi lần đầu chúng tôi thực hiện dự án quay phim ghi hình hội Gióng Sóc Sơn, thì lễ hội đang được tổ chức chủ yếu dựa theo kịch bản của một nhóm cán bộ trường Đại học Văn hóa Hà Nội và đã được lãnh đạo huyện Sóc Sơn phê duyệt, từ năm 1994. Theo kịch bản này, trật tự đoàn rước của các thôn làng là như sau: thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giò hoa tre và biểu tượng ngựa Gióng, thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) rước voi, thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau, thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) - rước ngà voi, thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) rước cỏ voi, thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) rước tướng, thôn Xuân Dục (xã Tân Minh) rước cầu.
Trong lễ hội tổ chức năm Canh Dần (2010), chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi trật tự này cho hợp lý hơn: đi sau đoàn rước voi của Dược Thượng là rước ngà voi của thôn Đức Hậu, tiếp đến là rước cỏ voi của thôn Yên Sào, sau đó mới đến rước trầu cau của thôn Đan Tảo. Theo lập luận của chúng tôi, ngà voi và cỏ voi nên đi liền sau voi, hội Gióng trước hết là hội trận, nên phải để những gì thuộc về chiến trận đi trước, sau khi thắng trận rồi thì mở hội ăn mừng, lúc đó có trần cau, có diễn trò chém tướng và có trò húc cầu là hợp lý hơn. Lập luận này của chúng tôi đã được ban tổ chức lễ hội và nhân dân đồng thuận, chấp nhận. Đây là điểm mới của hội Gióng đền Sóc năm nay và từ nay trở đi cái mới này sẽ được tuân thủ trong các kỳ mở hội tiếp theo.
Một số yếu tố mới được bổ sung
Hội Gióng sau khi được khôi phục mấy năm gần đây còn có thêm rước cầu húc của Xuân Dục. Cầu húc không phải là trò vốn có của hội đền Sóc, mà là một trò chơi cầu mùa ở làng Xuân Dục khá độc đáo, nên Ban tổ chức lễ hội đền Sóc đã bổ sung vào lễ hội cho thêm phần phong phú.
Quả cầu tròn có đường kính khoảng 40 - 50 cm, làm bằng gỗ mít, rất nặng, xưa kia chỉ để mộc, nhưng nay được sơn đỏ rực. Với dân làng, cầu có ý nghĩa linh thiêng, xưa kia không được đưa ra khỏi làng. Sau hội, người ta ngâm cầu xuống sâu trong lớp bùn ao để cầu khỏi bị mọt, đến kỳ lễ hội dân làng phải làm lễ cúng tế rồi vớt cầu lên để chơi trò húc cầu. Mấy năm gần đây, để tham gia vào lễ hội đền Sóc, dân làng cũng phải làm lễ cúng tế để xin phép được đưa cầu ra khỏi làng.
Việc đưa thêm vào nghi thức rước đoàn rước cầu của Xuân Dục là một sáng kiến tốt của ban tổ chức lễ hội, làm cho nghi thức trở nên phong phú, mở rộng sự tham gia của nhiều người dân. Đồng thời, húc cầu là một trò chơi dân gian sôi động làm cho phần hội của hội Gióng Sóc Sơn thêm phần hấp dẫn, phong phú.
Từ 1997, trong phần rước, ban tổ chức quyết định đưa thêm rước biểu tượng ngựa Gióng vào đoàn rước của thôn Vệ Linh (ngựa được làm bằng gỗ, màu đỏ rực, ở thế chầu bay). Từ lễ hội xuân Canh Dần (2010), việc rước biểu tượng ngựa Gióng được giao cho thôn Phù Mã (cũng thuộc xã Phù Linh), rước sau giò hoa tre đầu nước của Vệ Linh. Đây cũng là một sáng tạo rất đáng khen của các nhà tổ chức, tăng thêm vai trò tham gia của người dân, khuyến khích lòng tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước của các thế hệ con cháu. Biểu tượng con ngựa hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết Thánh Gióng, gắn liền với hình ảnh vị anh hùng huyền thoại này.
Lược bỏ những yếu tố lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống đương đại
Theo dân gian truyền miệng thì trong hội đền Sóc Sơn xa xưa còn có tục rước trải. Đêm mồng 6, rạng ngày mồng 7 tháng giêng, thôn Vệ Sơn Đông (thuộc xã Tân Minh ngày nay) dâng quân thuyền và rước trải. Trải là 20 hình nhân được cắt thành hai hàng trên một kiệu tre hình thuyền đầu rồng, đuôi én (có người nhớ là đuôi cá).
Về tục rước trải hiện nay có nhiều lý giải hết sức trái ngược nhau. Theo nội dung ghi trên mặt số 6 của bia ký, ở đoạn phân công các thôn xã tiến vật phẩm gì, chúng tôi thấy ghi rõ “Vệ Sơn tiến quân”. Như vậy phải chăng 20 hình nhân kia là tượng trưng cho quân lính đi theo thánh đánh đuổi giặc Ân? Tuy nhiên dân gian có cách giải thích hoàn toàn khác, theo quan niệm dị đoan, cho rằng đây là hình nhân thế mạng. Theo lời các cụ già ở đây kể lại: vì trót giết nhầm 2 người của thánh mà thánh nguyền rằng một phải đền 10 mạng. Vì vậy, theo các cụ kể lại, trước kia có tục rước trải, nhưng khi rước vào đền hành lễ xong, những người khiêng kiệu trải vứt vội trải và bỏ chạy. Dân đi dự hội rất sợ gặp phải trải vì cho rằng gặp trải xúi cả năm.
Sau khi lễ hội đền Sóc Sơn được phục hồi (1992), có nhiều ý kiến góp ý với ban tổ chức là khi dân gian còn tin vào điều dị đoan thì chưa nên dựng lại trò rước trải, người đi hội sợ gặp phải trải thì bị xui xẻo, sẽ làm hội kém vui. Hơn nữa, cách giải thích dân gian như trên e rằng không phù hợp với nhân cách của hình tượng người anh hùng dân tộc huyền thoại Thánh Gióng. Từ bấy đến nay trong lễ hội đền Sóc không có tục rước trải nữa. Theo chúng tôi, đây là quyết định đúng đắn của ban tổ chức và các cấp lãnh đạo địa phương.
Trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt có ghi: “Những ngày lễ hội và tiệc nghi lễ: dân tế đền Hạ, quan tế đền Thượng”. Điều này cũng đã được các cụ cao niên ở Sóc Sơn khẳng định khi chúng tôi thực hiện dự án năm 2002. Tất nhiên điều quy định này đã được xóa bỏ từ lâu, kể từ khi chế độ vua quan ở đất nước ta đã bị xóa bỏ. Trong cuộc sống hôm nay thì càng khó được chấp nhận, vì lễ hội là nơi mọi tầng lớp nhân dân có thể đến tham dự, vui hội và thực hiện các nghi lễ thuộc về tín ngưỡng hay tập tục của cộng đồng và cá nhân. Đã từ lâu, đền Thượng là địa điểm chính để thực hiện các nghi lễ chính thức của hội Gióng và nhân dân đến trẩy hội đều được vào thắp hương, tiến lễ tại đền Thượng.
Từ thực tiễn tổ chức hội Gióng ở đền Sóc những năm qua, chúng tôi thấy vấn đề bảo tồn và phát huy của lễ hội là khá rõ: kế thừa và bảo tồn có chọn lọc, phát huy truyền thống song hành với sự bổ sung, bồi đắp mới các yếu tố phù hợp với nhu cầu của con người đương thời.
Một vấn đề nữa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách và quy định cơ chế quản lý lễ hội. Đó là vấn đề phân cấp, phân tầng quản lý lễ hội sao cho khỏi bị chồng chéo, phù hợp với bối cảnh cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, và nhất là để phát huy vai trò chủ nhân di sản của quần chúng nhân dân.
Từ kinh nghiệm tham gia tổ chức hội Gióng ở đền Sóc xuân Canh Dần (là lễ hội được chủ trương tổ chức long trọng và hoành tráng hơn những năm trước, nhằm phục vụ xây dựng hồ sơ trình UNESCO), đồng thời qua quan sát nhiều lễ hội được tổ chức hiện nay, chúng tôi thấy cần lưu ý một số vấn đề sau:
Không thể coi nhẹ công tác chỉ đạo của chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội, cần thiết có một ban chỉ đạo và ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban ngành liên quan của địa phương (văn hóa, y tế, giao thông, phòng cháy chữa cháy, công an - an ninh, tài chính, môi trường…). Sự chỉ đạo của chính quyền có tác dụng hướng dẫn cũng như đảm bảo một môi trường lành mạnh và an toàn cho quá trình tiến hành lễ hội, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực có thể gây hại cho khách trẩy hội hoặc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của văn hóa dân tộc. Thực tế gần đây ở một số nơi cho thấy khi công tác chỉ đạo và quản lý lễ hội bị lơi lỏng thì lập tức xảy ra các hiện tượng tiêu cực tự phát của một bộ phận người dân, tiêu biểu là vụ việc phát ấn ở đền Trần năm 2011.
Sự chỉ đạo sát sao của ban tổ chức lễ hội không hề làm giảm sút vai trò tự chủ hay tính tự giác của người dân thực hành lễ hội, bởi đại diện của nhân dân (trưởng thôn, cán bộ văn hóa xã, đại diện hội người cao tuổi thôn làng) cũng là thành viên trong ban tổ chức. Họ vừa là đại diện, vừa là cầu nối giữa dân làng với chính quyền, có trách nhiệm truyền đạt lại ý kiến của ban tổ chức và ngược lại phản ánh nguyện vọng của dân làng tới các cấp chính quyền. Vì vậy, các vấn đề đều được bàn thảo và quyết định cuối cùng đều có tính đồng thuận cao giữa các bộ phận tổ chức và thực hành lễ hội.
Vai trò quản lý của nhà nước còn thể hiện ở khâu hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ hội. Mặc dù từ xưa đến nay việc tổ chức lễ hội đều có huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của người dân, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay với chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật thì một nguồn kinh phí đáng kể được các doanh nghiệp, các công ty tài trợ cho các địa phương, nhưng vẫn không thể thiếu được nguồn kinh phí hỗ trợ của chính quyền. Điều này càng làm cho mối quan hệ giữa người dân và chính quyền thêm gắn bó.
Công tác tổ chức hội Gióng ở đền Sóc năm 2010 đã đạt được sự phối kết hợp khá tốt giữa các bộ phận nói trên, nên lễ hội đã diễn ra an toàn, vui vẻ và có ý nghĩa, thu hút nhiều khách thập phương trẩy hội.
Sân khấu hóa lễ hội cũng là một vấn đề hiện đang gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu văn hóa và các nhà tổ chức, các đạo diễn chương trình có lễ hội. Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề nên hay không nên sân khấu hóa lễ hội cổ truyền. Trước hết, cần khẳng định một điều rằng, trong bất kỳ lễ hội nào, kể cả lễ hội cổ truyền, ít hay nhiều đều có tính sân khấu. Nói đến tính sân khấu là nói đến sự đóng vai, diễn xuất, xướng, hát, vũ đạo… Trong các lễ hội, chủ yếu là ở phần hội, đều có một số yếu tố trên. Sân khấu hóa là sự thể hiện tập trung, nhiều, đậm đặc hơn các yếu tố sân khấu này, nhất là không thể thiếu việc đóng vai, diễn xuất. Những lễ hội kiểu này hoặc là từ lễ hội cổ truyền đã bị mai một nay được phục dựng lại, hoặc là lễ hội mới hoàn toàn, được thực hiện bởi bàn tay dàn dựng của người được gọi là đạo diễn.
Về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng ở hội Gióng Phù Đổng tính sân khấu, tức là yếu tố diễn xuất, đóng vai nhiều hơn, đậm đặc hơn so với hội Gióng ở Sóc Sơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì ý nghĩa, tính chất của hai hội này là khác nhau. Hội Gióng ở Phù Đổng là hội tái hiện lại các trận đánh của Thánh Gióng, còn hội Gióng ở đền Sóc là sự tôn vinh và tưởng nhớ vị thánh bất tử. Sự đóng vai và biểu diễn của các ông Hiệu, quân lính, các cô tướng ở hội Gióng Phù Đổng mang tính nghệ thuật khá cao, trong khi đó cái hay cái độc đáo của hội Gióng ở đền Sóc chủ yếu thể hiện ở những vật lễ mà nhân dân chuẩn bị để cúng thánh và ở các đoàn rước của đông đảo quần chúng nhân dân.
Theo quan điểm của chúng tôi, tùy theo loại lễ hội nào mà gia giảm các yếu tố mang tính sân khấu nhiều hay ít. Đối với các lễ hội cổ truyền, nhất là các lễ hội tôn vinh các anh hùng lịch sử, cần hết sức thận trọng khi phục dựng, ngoại trừ những nội dung đã được nhân dân thực hành từ xa xưa rồi, ngày nay nếu có đưa vào các cảnh mang tính sân khấu hóa thì cũng chỉ nên đưa vào phần hội là chủ yếu, hạn chế sử dụng ở phần lễ.
Từ thực tiễn công tác quản lý và tổ chức lễ hội Gióng ở đền Sóc những năm qua, chúng tôi thấy rằng, điều nổi bật là hầu hết các tục lệ trong lễ hội đền Sóc có nguồn gốc rất xa xưa, phản ánh những quan niệm, triết lý của người Việt cổ từ thuở dựng nước, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chúng được lưu truyền, có cái bị mai một đi, có cái được bồi đắp thêm và được phủ lên những lớp ý nghĩa mới như sự tích hợp các yếu tố văn hóa của nhiều thế hệ người Việt. Công tác tổ chức lễ hội ở đây đã đi vào nền nếp, ổn định nhờ có sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và có sự đồng thuận cao giữa công tác quản lý với ý thức tự chủ của cộng đồng người dân ở huyện Sóc Sơn.