Đình làng So là nơi tổ chức lễ hội hằng năm của người dân tại vùng đất Xứ Đoài không chỉ vì ý nghĩ lịch sử sâu sắc, mà còn do kiến trúc độc đáo đình chùa đặc trưng trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Được khởi công vào năm 1677 đời vua Lê Gia Tông, ngôi chùa là đình cổ rất có giá trị, được xây dựng hướng về phía Đông, đặt trên một thế đất hình con Quy, với một hồ nước bán nguyệt phía trước tạo điểm tụ phúc và tụ thủy, đồi Vĩ Quy phía sau làm nền thế tựa, còn đồi Phượng phía Nam tạo thế tay vịn. Xung quanh là cánh đồng màu mỡ ven dòng sông Đáy, nơi linh thiêng và thơ mộng. Ngoài đình được bao quanh bởi khu vườn cây lưu niên xanh mát tạo nên một không gian thư giãn và tĩnh lặng. Bố cục tổng thể của đình So phản ánh sự chuyển tiếp từ kiến trúc chữ Nhất sang kiểu chữ Đinh, chữ Công và kết cấu "nội công ngoại quốc". Không gian đình bao gồm các hạng mục như Đại bái, Hậu cung, hai dãy Tả - Hữu vu, Nghi môn và hồ nước lớn hình bán nguyệt. Khu vực đình chính đặt ở trung tâm, với Đại bái có 7 gian 2 dĩ, chiều rộng 14m, chiều dài 34m, và xung quanh là hệ thống cửa bức bàn, sàn gỗ chạy dọc hai bên. Đình So đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và các đợt trùng tu, từ đó các mảng trang trí trong đình cũng có sự phát triển và thay đổi, nhưng vẫn giữ được sự thống nhất và tổng thể, tạo ra một công trình kiến trúc với giá trị thẩm mỹ đặc biệt, không chỉ là một biểu tượng của làng So mà còn của toàn bộ kiến trúc đình chùa Việt Nam.
Sở dĩ ngôi đình được thiết kế với kiến trúc đặc biệt, một phần đến từ câu chuyện lịch sử của ba chàng trai làng So lập công lớn trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân. Vào mùa xuân của năm Canh Thìn (930), tại hương Vạn Kỳ, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc, có một cặp vợ chồng là ông Cao Hiển và bà Lã Thị Ả làm nghề chài lưới trên sông. Mặc dù đã qua tuổi ngoài năm chục, nhưng họ vẫn chưa có con, vì mong muốn có con để nối dõi, vợ chồng bà đã đến cầu nguyện tại Hữu Linh thuộc Trang Sơn Lộ. Sau đó, bà đã sinh hạ được ba người con trai khỏe mạnh và tuấn tú. Cả ba người con lớn lên trở thành những người tráng sĩ văn võ xuất sắc, tham gia vào đội quan của Đinh Bộ Lĩnh, phong làm tướng tiên phong trong cuộc dẹp loạn của 12 sứ quân.
Khi Đinh Bộ Lĩnh bị quân địch vây hãm tại chùa Bối Khê, ba ông trở về Trang Sơn Lộ để tập hợp một đội quân trai tráng trong vùng và giúp Đinh Bộ Lĩnh thoát khỏi nguy hiểm. Sau chiến thắng, cả ba ông đã tạ thế tại Trang Sơn Lộ. Nghe tin, vua Đinh rất biết ơn, ông phong ba ông là Tam vị Thông Hiện Nguyên soái Đại Vương và ra lệnh cho Trang Sơn Lộ xây dựng nơi thờ phụng để tưởng nhớ hậu duệ của ba ông. Vào năm 1673, thời vua Lê Gia Tông, nơi thờ phụng của Tam vị Thành hoàng làng So đã được tôn tạo thành một ngôi đình với kiến trúc độc đáo như ngày nay.
Lễ hội đình làng So được tổ chức vào mùa xuân hằng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa như rước kiệu, múa lân…, đây là dịp đặc biệt để thế hệ ngày nay nhớ về cội nguồn và công lao của bậc tiền bối đã có công khai hoang, bảo vệ bờ cõi, đồng thời cầu mong các thần phù hộ cho dân làng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội Làng So: