Theo ghi chép trong sách cổ, lễ hội đình làng So diễn ra trong ba ngày với các hoạt động rước kiệu, tế lễ, diễn sướng dân gian trong không gian đình làng. Ngày hội chính, người dân làng So tổ chức rước bài vị từ miếu ông và miếu Bà là song thân của các thánh về đình để trung hưởng sự thành kính. Đình So là ngôi đình hiếm hoi của vùng đất sứ Đoài vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đình làng So nổi tiếng với vẻ đẹp thâm trầm xưa cũ của một di tích kiến trúc đã gần 400 năm tuổi.
Theo thông tin chia sẻ từ ông Nguyễn Doãn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, buổi rước Thánh năm 2024 rất công phu, hoành tráng với nhiều nội dung đã được chuẩn bị từ một tháng trước. Các bộ phận, đoàn thể tham gia bao gồm công an, các thôn dân cư đều huy động tham gia với mong muốn cao nhất là quảng bá đình So tới đông đảo nhân dân biết đến. Đặc biệt, những người làm chính quyền phải có trách nhiệm tuyên truyền và vận động nhân dân cùng hướng về giữ gìn vẻ đẹp của Đình So mà cha ông đã để lại.
Lịch sử ghi nhận, Đình So thờ ba vị thành hoàng làng gồm Hiện Hồ, Thiên Gia, Mệnh Gia là những anh hùng có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Đình So một năm có ba lễ lớn, lễ hội từ mùng 8 tháng 2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10 tháng 7 âm lịch và lễ Thanh Hóa mùng 10 tháng 12 âm lịch. Ngôi Đình được xây dựng từ năm 1673 với những giá trị đặc biệt về nhân vật lịch sử kiến trúc độc đáo, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt là danh lam đệ nhất xứ Đoài, một kiến trúc đình chùa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi dịp lễ hội, người dân tại địa phương lại nô nức tổ chức những hoạt động truyền thống, là nơi mà những người con xứ Đoài đi xa sẽ tìm về nguồn cội.
Lễ hội Đình So ngày một đơn giản đi so với trước kia, các thủ tục rườm rà chỉ còn có trong những câu chuyện truyền miệng của người dân trong làng. Hàng năm mỗi khi tiếng trống vang dội và lá cờ đại rộng tới 24 mét vuông được kéo lên bầu trời và lồng trong bóng nước hồ Bán Nguyệt trước đình, người dân làng So tìm về nơi đây như để tìm về nguồn cội và nuôi dưỡng đời sống tinh thần giáo dục những thế hệ sau biết gìn giữ truyền thống của cha ông để lại.