Lê Văn Hưu - Người viết sử đầu tiên ở nước ta

Huy Hoàng

Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) ở làng Thuần Hậu, một phần của làng Kẻ Rị, giáp Phủ Lý, huyện Đông Sơn, phủ lộ Thanh Hóa nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là cháu 7 đời của Lê Lương, một vị Hào trưởng ở đất Ái Châu đời vua Đinh Tiên Hoàng. Ông là người đầu tiên viết sử của đất nước ta. Khi còn là cậu học trò nhỏ Lê Văn Hưu đã được coi là thần đồng nổi tiếng ở khắp cả một vùng quê nghèo.


Mộ phần nhà sử học Lê Văn Hưu tại Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hoá.

Chuyện kể rằng: Khi Lê Văn Hưu đang còn nằm trong bào thai mẹ là bà Đỗ thị Hoa thì người cha là ông Lê Văn Minh lâm bệnh qua đời. Một đêm khi đang nằm ngủ, bà thấy một ông Tiên hiện về vẫy gọi đi cùng, bà ôm bụng bước theo ra một khu nghĩa địa. Ông Tiên cầm một nhành lan cắm vào một mô đất rồi dặn hãy đưa mộ chồng con về đây thì quý tử sẽ đỗ Đại khoa trong tương lai. Bà về bàn với gia đình và được mọi người chấp thuận làm theo. Sau đó bà đã sinh ra được một quý tử kháu khỉnh, khôi ngô, da trắng thơm như hương hoa lan, được ông nội đặt tên là Lê Văn Hưu.

Ba năm sau, khi lên 3 tuổi Lê văn Hưu đã thuộc được những lời mẹ ru. Lúc lên 5 tuổi Lê Văn Hưu thường đến ngồi bên thềm cửa sổ lớp học của trường làng. Một hôm khi thầy giáo ra đầu đề thấy có một số học sinh không thuộc bài thì Lê Văn Hưu đứng ngoài lớp nhắc hộ. Thầy giáo trông thấy liền ra hỏi chuyện rồi giảng cho Lê Văn Hưu mấy chữ và bảo về nhà học lại. Hôm sau thầy giáo tỏ ra kinh ngạc khi thấy Lê Văn Hưu đã thuộc và còn nói được những mẫu tự ghép ra chữ và viết không thiếu một nét, nên yêu mến, quyết định cho cậu vào lớp để học.

Lên 9 tuổi, Lê Văn Hưu được gửi sang học với thầy đồ Nguyễn nổi tiếng ở làng Cổ Bôn bên cạnh. Thầy đồ họ Nguyễn có 2 cô con gái đẹp, nhất là cô chị làm cho học trò Lê Văn Hưu thầm yêu, trộm nhớ. Một hôm thấy 2 cô đang phơi đậu ở sân, Lê Văn Hưu mải ngắm quên cả bài thầy đang giảng, biết thế thầy quở, Lê Văn Hưu giật mình chịu phạt. Thầy liền ra vế đối và bảo rằng nếu đối được sẽ tha. Vế đối là: “Sân trước phơi đậu, sân sau phơi đậu, ngươi muốn đậu ta cho đậu”. Lê Văn Hưu: “Cô lớn hái hoa, cô bé hái hoa, ông Thám hoa tôi Thám hoa”.

Vế đối hay, chan chát đầy ngụ ý. Thời gian sau đó thầy giáo gả con gái đầu cho Lê Văn Hưu. Lần khác thầy lại ra vế mới: “Con mộc tựa cây bàng nhà Bảng nhãn”. Lê Văn Hưu: “Thằng quỷ ôm cái đầu tựa cửa Khôi nguyên”.

Trải qua thời gian chăm lo học hành, dùi mài kinh sử, năm Đinh Mùi (1247) khi mới 17 tuổi Lê Văn Hưu thi đỗ Bảng nhãn. Đây là kỳ thi đầu tiên trong lịch sử nước ta dưới thời vua Trần Thái Tông lấy 3 danh hiệu Tam Khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Khoa thi này có tam khôi trẻ nhất trong lịch sử là Trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.

Sau khi đỗ Bảng nhãn, Lê Văn Hưu được triều đình phong chức Hàn lâm học viện sĩ, được vua Trần Thái Tông ủy thác cho việc dạy dỗ Hoàng tử Trần Quang Khải. Đến năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thái Tông giao cho biên soạn bộ Quốc sử đầu tiên của đất nước ta.

Qua 10 năm dày công sưu tầm, tra cứu, thẩm định và miệt mài viết, tháng giêng năm Nhâm Thân (1272) dưới triều vua Trần Nhân Tông, Chưởng sử quan Lê Văn Hưu đã hiến dâng bộ Quốc sử lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư gồm 30 quyển. Đây là bộ Quốc sử đầu tiên của nước Đại Việt ta. Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ Biên niên sử từ thời Triệu Đà thành lập nước Nam Việt năm 207 trước Công nguyên đến thời Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225). Đó là một giai đoạn lịch sử nước ta kéo dài 15 thế kỷ.

Năm 1275 ông được giữ chức Binh bộ Thượng thư, phong chức Hàn lâm học sỹ, giám tu quốc sử. Ông là người có công lao đóng góp với triều Trần suốt 3 đời vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) thọ 93 tuổi, táng ở cánh đồng xứ Mã Giòn, thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867), khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.