Lễ Vu lan - em rể tôi và lòng hiếu thảo

Thương nhất là những ngày cuối đời của ông ngoại, bà ngoại, rồi đến mẹ tôi. Tôi ở xa chưa về kịp thì chính một tay em lo toan cáng đáng hết, ấm cúng vẹn toàn. Trong gia đình các cậu, dì, hễ ai ốm đau hay cưới hỏi cũng đều có bàn tay em tự nguyện chăm lo.

em-re-1629759045.jpg 

Hồi tôi xa mẹ, xa gia đình để “lên rừng” thì em ấy còn là một cậu bé. Bà nội cậu ở làng bên là người giàu có, ruộng đồng thẳng cánh có bay, dạy con cháu bằng sự nghiêm khắc của một nếp nhà gia giáo.

Sau năm 75 thì gia đình sa sút, nghèo túng do ruộng đất đưa vô hợp tác xã gần hết. Cậu đành nghỉ học để lo phụ giúp gia đình. Dì ruột tôi lấy chồng ở gần nhà bà nội của cậu, thấy chú bé hiền lành chất phác thì để ý rồi làm “bà mai”, nhỏ to với mẹ tôi để gả em gái tôi cho cậu ấy, làm thông gia với gia đình ấy. Em gái tôi năm đó mới 17 tuổi, thỉnh thoảng tôi về thăm nhà còn thấy nó trốn việc, vô tư đung đưa trên chiếc võng gai ở đầu hè hát những bài nhạc vàng mùi mẫn. Nó chẳng thể ngờ các bậc phụ huynh đang bàn bạc, sắp đặt số phận cho đời mình.

Mẹ tôi to nhỏ:

- Con nè, chị Hai con lỡ lấy chồng xa rồi, nên mẹ nghĩ con lấy thằng đó là thuận đôi bề. Nó hiền lành chất phác, đang để ý con, mà gia đình đó cũng gia giáo. Nếu con đồng ý thì để họ mang trầu cau sang, con nghe.

Em gái tôi giãy nảy:

- Không mẹ ơi. Con không muốn lấy chồng sớm đâu, mà anh đó thì con thấy tội tội chứ không có thương.

Nói rồi, nó lẳng lặng bỏ nhà, trốn mẹ lánh xuống nhà người bà con xã dưới ở cả tháng trời. Cuối cùng mẹ tôi cũng tìm ra, đòi sống chết với nó. Mẹ nói, mẹ có hai đứa con gái thôi, con không nghe thì mẹ còn đứa nào ở gần để mà thương, mà chăm, mà nhìn thấy mỗi ngày đây. Em tôi nghe mẹ cũng vì câu nói ấy.

em-re1-1629759045.jpg 

Cưới được em gái tôi, cậu về ở rể theo cam kết của hai gia đình trước đó. Vợ chồng nó sinh hai đứa con trai chỉ trong chỉ hơn ba năm, giữa hai đợt nghỉ phép trong thời gian em rể tôi đi lính, đơn vị đóng tận bên CPC. Sau đó là thời của HTX, thời bao cấp, thời khó khăn thiếu thốn nhất của phần lớn người dân quê tôi. May là em đã trở về lành lặn để là chỗ dựa của cả nhà. Trong làng ai cũng xuýt xoa ngợi khen em không chỉ chăm chỉ làm lụng mà còn thật hiếu thảo. Ông ngoại tôi mắt mờ, chân yếu nhưng lại thích gặp gỡ những người già trong họ để trò chuyện. Vậy là mỗi chiều, sau buổi làm đồng, em cõng ông ngoại đi bất kỳ chỗ nào ông muốn. Em bảo em thích cõng ông đi như thế, một phần vì thương mẹ, thương ông, một phần vì em được nghe những câu chuyện rất hay ở quê vợ, nơi có dòng sông chảy qua với rất nhiều phù sa, rất nhiều loại cây trái, nhiều chuyện cưới vợ gả chồng ở nhà các ông tú trong làng; chuyện mỗi mùa nước lụt, mẹ và các dì chèo thúng ra đồng bắt dế…

Thương nhất là những ngày cuối đời của ông ngoại, bà ngoại, rồi đến mẹ tôi. Tôi ở xa chưa về kịp thì chính một tay em lo toan cáng đáng hết, ấm cúng vẹn toàn. Trong gia đình các cậu, dì, hễ ai ốm đau hay cưới hỏi cũng đều có bàn tay em tự nguyện chăm lo.

Hôm nay rằm tháng bảy, lễ Vu Lan, nhưng dịch Covid vây bủa khắp nơi, không gia đình nào được ra ngoài để đến chùa hay đi chợ lo cúng quảy. Tôi đang lúng túng không biết làm sao để có bó hoa, đĩa xôi thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ ông bà cha mẹ, thì khi bước lên phòng trên, nhìn lên bàn thờ đã thấy một bó hoa phượng đỏ tươi, bánh trái và đĩa xôi nhỏ bày đặt ngay ngắn ở đó.

Thấy tôi ngạc nhiên, em gái tôi bảo, anh xã em vừa trèo hái hoa phượng bên bờ rào đó chị!

Ôi chao, bó hoa thời Covid, thời “ai ở đâu ở yên đấy” sao mà quý, sao mà  làm tôi xúc động và thương em, dù mấy chục năm qua tôi đã chứng kiến bao nhiêu là hiếu thảo, là tình thương em dành cho ông bà, cho mẹ và cho cả tôi nữa!

Cảm ơn em nhiều lắm!