Liêu xiêu vì tiêu

Giá tiêu "lao dốc", cây tiêu bị bệnh chết hàng loạt, năng suất giảm... là những khó khăn đang bủa vây người trồng tiêu ở xã vùng sâu Ea Pal (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì tiêu.

Vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Thanh Tuyến (bên trái) ở thôn 13, xã Ea Pal chết dần chết mòn chỉ còn trụ.

Nhìn vườn tiêu đang chết dần chết mòn chỉ còn trơ lại trụ, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuyến ở thôn 13 tiếc ngẩn ngơ. Trước đây gia đình anh trồng 7,5 sào điều. Thấy giá tiêu ngày càng tăng cao, trong khi cây điều già cỗi, năng suất thấp nên anh Tuyến bàn với vợ phá bỏ toàn bộ chuyển sang trồng tiêu. Năm 2013, anh thế chấp tài sản vay ngân hàng và mượn thêm của người thân tổng cộng 600 triệu đồng để chuyển đổi từ cây điều sang trồng tiêu.

Nhờ đầu tư cải tạo đất, làm trụ, mua giống, phân bón, tưới nước, thuê người chăm sóc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản... vườn tiêu phát triển xanh tốt. Cây tiêu đến năm thứ 3 đã cho thu bói được 1 tấn, năm thứ 4 thu được 2 tấn với giá 190.000 đồng/kg. Anh Tuyến khấp khởi mừng thầm vì hy vọng cây tiêu sẽ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nào ngờ “người tính không bằng trời tính”, 3 năm trở lại đây, vườn cây bắt đầu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Mặc dù vợ chồng anh đã tìm đủ cách để cứu chữa nhưng tiêu cứ vàng lá chết dần hết 400 cây. Số còn lại năng suất ngày càng giảm. Anh Tuyến buồn rầu: “Vụ tiêu năm nay cả vườn chỉ thu được khoảng 3 tạ, bán với giá 37.000 đồng/kg, thu được 11 triệu đồng. Trong khi đó công thu hái đã hết hơn 4 triệu đồng, chưa kể tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, làm cỏ. Cứ đà này gia đình tôi có nguy cơ vỡ nợ vì tiêu”.

Vườn tiêu của gia đình chị Trần Thị Thoan ở thôn 13 (xã Ea Păl) đang bị chết dần và giảm năng suất đáng kể.

Gia đình chị Trần Thị Thoan ở thôn 13 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thấy tiêu có giá, từ năm 2011, gia đình chị đã phá bỏ cà phê, điều già cỗi chuyển sang trồng 900 trụ tiêu. Mấy năm tiêu được mùa, được giá, gia đình chị trả dần vốn vay đầu tư và tích cóp để chăn nuôi heo. Nhưng từ năm ngoái, cây tiêu bắt đầu có hiện tượng rụng lá, chết dần mất 200 cây, số còn lại không có quả hoặc năng suất giảm từ 40 – 60%. Vụ tiêu năm nay gia đình chị chỉ thu hoạch được 5 tạ, giảm 1,1 tấn so với năm ngoái, giá bán cũng hạ thấp nên chỉ thu được trên 18 triệu đồng, vừa đủ trả tiền công hái, tưới nước, lỗ tiền phân bón, công chăm sóc. “Thấy họ trồng có ăn mình cũng trồng, nào ngờ sống dở, chết dở vì tiêu. Trồng tiêu dư ra được ít tiền chuyển sang nuôi heo nhưng heo cũng chết hết vì bị dịch tả heo châu Phi, thế là “cụt” vốn", chị Thoan lo lắng.

Không chỉ gia đình anh Tuyến, chị Thoan mà rất nhiều hộ trên địa bàn xã Ea Pal cũng đang “liêu xiêu” vì tiêu. Hầu hết các hộ dân ở đây đều có chung "kịch bản": khi tiêu lên giá thì cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng để trồng. Mới thu hoạch được một vài năm thì tiêu rớt giá dần, cộng thêm bị bệnh chết nhanh, chết chậm khiến nông dân kiệt quệ, không có nguồn thu để trả nợ.

Trước đây người dân xã Ea Pal chủ yếu trồng điều, cà phê, mía. Cây tiêu bắt đầu phát triển mạnh khoảng hơn 5 năm nay. Khi cây tiêu lên ngôi, nhiều hộ đã phá bỏ cây trồng cũ chuyển sang trồng tiêu. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pal Nguyễn Minh Thuận cho biết: Mặc dù UBND xã đã khuyến cáo nông dân không nên tự phát trồng tiêu ở những vùng nằm ngoài quy hoạch hoặc trồng ở những nơi điều kiện thời tiết, đất đai không phù hợp nhưng nông dân thấy có lợi là làm. Vì vậy, diện tích tiêu của xã tăng lên nhanh chóng từ vài chục ha lên 130 ha. Điều đáng nói, nông dân chưa kịp hưởng niềm vui từ tiêu thì đã phải “ngậm đắng nuốt cay” bởi giá rớt kịch sàn, tiêu chết hàng loạt. Hiện toàn xã chỉ còn 80 – 90 ha tiêu nhưng năng suất cũng giảm từ 50 - 70% so với trước.

“Vòng luẩn quẩn “trồng – chặt – trồng” đã khiến nhiều nông hộ trên địa bàn xã Ea Pal rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Khi loại cây được mệnh danh là “vàng đen” hết thời đã đẩy nhiều nông dân đến đường cùng. Trung bình một hộ nợ 200 – 300 triệu đồng, có hộ nợ trên 500 triệu đồng vì cây tiêu”. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pal Nguyễn Minh Thuận