Nhưng dù sao, những xô đẩy đó chỉ mang tính thời điểm và là nguyên cớ tác nhân để văn hóa Hà Nội khẳng định được giá trị của mình. Sau tất cả, văn hóa Hà Nội sẽ tự cân bằng và định hình lại để luôn tỏa sáng.
Phố cổ Tạ Hiện luôn thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Văn hóa ứng xử bị xem nhẹ
Nhiều người hay than phiền khi người Hà Nội không còn được như trước, thay vào đó là lối sống vô cảm, thực dụng, thiếu kiềm chế, không có trách nhiệm với cộng đồng. Đi trên đường phố, người ta có thể bắt gặp hình ảnh không đẹp như: Không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng không văn hóa, chửi tục nơi công cộng, ăn mặc quá phóng khoáng. Nhất là với giới trẻ, chúng có thể dễ dàng gây gổ khi xảy ra mâu thuẫn, nói năng huỵch toẹt, lệch chuẩn, chạy theo lợi ích cá nhân... Nhiều fan cuồng la hét, quỳ trước thần tượng nhưng không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Một bộ phận người bán hàng thiếu sự tôn trọng khách hàng, nên mới xảy ra hiện tượng “bún mắng”, “cháo chửi”, “phở chặt chém”...
Mới đây nhất, tại phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân xảy ra tình trạng ứng xử không văn hóa giữa người quản lý cửa hàng thời trang với nữ sinh bán hàng thuê. Sau khi nghỉ việc, nữ sinh đến đòi tiền công bán hàng thì bị người quản lý mắng chửi thậm tệ, rồi lao vào đánh. Nhiều người bức xúc với hành vi ứng xử của người quản lý cửa hàng, sau đó lực lượng công an phải vào cuộc xử lý.
Hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa với môi trường xung quanh cũng thường xuyên diễn ra. Điển hình vụ việc, hai phụ nữ dùng mũ bảo hiểm che camera để tiểu tiện trong thang máy tại chung cư Gelexia Riverside, 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai. Sau đó, Ban quản lý tòa nhà xử phạt chủ căn hộ có hai phụ nữ đến chơi với số tiền 2 triệu đồng. Gần đây nhất, công trình nghệ thuật sắp đặt bên bờ hồ Hoàn Kiếm mang tên “Tháp” chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô bị người dân đi vệ sinh bên trong. Dù đây là công trình nghệ thuật đẹp, có ý nghĩa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân và làm đẹp cảnh quan hồ Hoàn Kiếm nhưng vẫn bị đối xử mất vệ sinh. Mặc cho bên ngoài công trình có khuyến cáo người dân giữ gìn, không sử dụng làm nơi vệ sinh nhưng tình trạng vi phạm không chấm dứt, buộc nhà tổ chức phải tháo dỡ....
Không khó để giải thích các hiện tượng trên. Bên cạnh mặt trái của lối sống hiện đại, của những luồng văn hóa ngoại lai tác động thì một điều có thể hiểu Hà Nội là nơi tụ hội và điểm đến của đông đảo dân nhập cư mang theo cả những nếp văn hóa phù hợp và chưa phù hợp. Vì thế, như Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng, Hà Nội luôn chứng kiến quá trình biến đổi, giao hòa, ổn định và phát triển giữa đặc trưng của người Hà Nội gốc và người dân nhập cư. Hàng trăm nghìn dân các địa phương đến Hà Nội mỗi năm, mang luôn cả phong tục tập quán, thói quen, văn hóa, lối sống, ứng xử của vùng quê họ. Ở những thời điểm nào đó, một số thói quen còn chưa tương thích với lối sống thanh lịch, văn minh tạo ra những va đập không đáng có.
Định vị lại giá trị
Khách du lịch nước ngoài tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Tất cả những vụ việc liên quan đến văn hóa chưa chuẩn mực xảy ra thời gian qua đều bị xã hội phản ứng gay gắt, thậm chí bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Những người gây ra hành vi đó cũng chịu rất nhiều sức ép và chắc chắn khó lặp lại những hành động tương tự. Nhất là khi phương tiện truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay. Nhiều người phải bày tỏ ăn năn, xin lỗi cộng đồng với những hành vi mình gây ra. Trong thực tế, từ những vụ việc này đã có sức răn đe, cảnh báo mọi người cần thận trọng trong cách ứng xử.
Trong suốt thời gian dài, văn hóa Hà Nội cũng như văn hóa cả nước đều hứng chịu những tác động không tốt của mặt trái xã hội hiện đại. Đã có thời gian, giới trẻ sính ngoại, nhiều người quay lưng với văn hóa truyền thống. Lối cư xử nhã nhặn, thanh lịch của người Hà Nội thay bằng lối nói xô bồ, thiếu văn hóa. Tuy vậy, các giá trị văn hóa truyền thống ở một thời điểm nào đó có thể bị lu mờ nhưng giá trị cốt lõi không thể mất đi. Những năm gần đây, khi trào lưu ưa chuộng văn hóa ngoại lai không còn như trước thì nhiều người đã tìm đến các giá trị truyền thống. Văn hóa ứng xử của người Hà Nội càng được coi trọng.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình ví von, các luồng văn hóa du nhập giống như phần “đất mượn” dính vào văn hóa Hà Nội. Nếu các thuộc chất đó phù hợp với nhân lõi thì nó tiếp tục đi cùng nhau. Còn trong quá trình va đập, tốc độ cuộc sống mạnh hơn thì nó sẽ văng tất cả những phần “vay mượn” không tốt, những thứ tương thích thì nó giữ lại. Ông cho rằng, phần “vay mượn” gá thêm vào cho dù số lượng tuyệt đối nhiều hơn phần “gốc” nhưng vẫn không đủ sức làm biến đổi cái lõi. Cái lõi có thể hiểu như đường xương cá, truyền máu cho cơ thể và tất cả “tổ chức sinh học” sống được là nhờ dòng máu và vùng lõi truyền cảm hứng. Chắc chắn, vùng ngoại lai lệ thuộc sẽ tự chuyển hóa dần dần. Trong quá trình đó có sự chuyển hóa lẫn nhau và bổ sung, phần tốt đẹp sẽ phát huy ảnh hưởng để chuyển mình trong các tổ chức mới, để trở thành Hà Nội thời hiện đại.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình khẳng định, văn hóa Hà Nội là thế. Ở đó có sự tinh tế và kiêu hãnh, đó cũng là niềm tự hào bao đời nay của người Hà Nội.
Trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh, văn hóa Hà Nội vẫn khẳng định được đặc trưng riêng. Ở thời điểm hiện nay, văn hóa Hà Nội có sự hài hòa giữa thanh lịch truyền thống và văn minh hiện đại, có sự kết nối giữa xưa và nay, tạo ra đặc trưng riêng có.
Bài 3: Truyền thống hài hòa cùng hiện đại