Lớp văn hóa mới Hà Nội - Bài cuối: Vun đắp lớp văn hóa mới

Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng gạn đục, khơi trong; thu nạp và dung hòa giữa nếp văn hóa cũ và mới; giữ gìn lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người Kinh kỳ xưa. Nhưng dù sao, để hình thành một lớp văn hóa mới mang tính bền vững, phù hợp với những giá trị truyền thống và xu thế thời đại, không thể thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý.


Xây dựng chiều sâu văn hóa người Hà Nội


Người dân Thủ đô tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Sự hình thành văn hóa ứng xử của người Hà Nội là một quá trình lâu dài trên cơ sở nền tảng truyền thống, những đặc trưng riêng có về văn hóa, xã hội, sức ảnh hưởng của quá trình hội nhập... Trong thời kỳ mới, Thủ đô vẫn tiếp tục xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ mang bề rộng mà chú trọng tới cả chiều sâu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ, thành phố tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ lời nói hay, việc làm tốt, ứng xử đẹp, khen thưởng những tấm gương người tốt việc tốt, có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp. Đồng thời, thành phố khơi dậy phong trào xã hội sâu rộng, tinh thần trách nhiệm cao của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc giáo dục, đào tạo, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô.

Cho rằng xây dựng văn hóa ứng xử là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa thời kỳ hội nhập quốc tế, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô đề xuất, Hà Nội cần khảo sát kỹ thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của từng đối tượng cư dân Hà Nội.

Từ đó tìm hiểu nhu cầu thị hiếu, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực nên có những tác động để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, những nét đẹp của văn hóa ứng xử truyền thống người Hà Nội cần được phổ biến đến đông đảo người dân bằng nhiều hình thức để từ đó gợi mở cho mọi người suy nghĩ và hành động hướng tới cái đẹp.

Nhiều người cũng cho rằng, xây dựng văn hóa ứng xử người Hà Nội phải có tính kế thừa. Nhiều "tục hay", "lệ lạ" của Thăng Long - Hà Nội đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ đây, trong quá trình đẩy mạnh thực hiện các bộ quy tắc ứng xử sẽ có thêm những phương thức huy động sự vào cuộc của các địa phương, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội một cách phù hợp và hiệu quả. Xây dựng văn hóa ứng xử phải từ trong gia đình, thôn xóm, tổ dân phố, cơ quan, trường học, doanh nghiệp đến mọi tầng lớp xã hội nhằm có tính toàn diện, hiệu quả.

Đa dạng hóa các phong trào văn hóa cơ sở


Người dân Thủ đô chụp ảnh lưu niệm tại phố bích họa Phùng Hưng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Để thực hiện có hiệu quả hai bộ quy tắc ứng xử trong cuộc sống, Hà Nội đang phát động triển khai các mô hình tuyên truyền hệ thống quy tắc ứng xử trên toàn thành phố, khuyến khích các cơ sở sáng tạo, đưa ra thêm nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.

Các sở, ban, ngành đoàn thể, địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử, nhân rộng được nhiều mô hình. Nổi bật, quận Tây Hồ với mô hình "Xây dựng ngõ văn minh", quận Long Biên với mô hình "Tổ dân phố xanh - sạch - đẹp - văn minh", Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội gắn việc thực hiện quy tắc ứng xử với cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức hội thi Rung chuông Vàng nội dung về quy tắc ứng xử, mô hình Điểm xanh thanh niên - Tuyến đường bích họa, Tủ điện nở hoa, Tuyến đường nở hoa...

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền quy tắc ứng xử tạo đà cho nếp sống văn hóa lan tỏa trong đời sống, tiếp tục thúc đẩy các địa phương có thêm nhiều sáng kiến nhằm bồi đắp những giá trị tốt đẹp, lối sống vì cộng đồng. Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có kế hoạch nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu, nhằm tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện văn hóa ứng xử.

Một mặt, cũng để nhân rộng những tấm gương, điển hình trong thực hiện quy tắc ứng xử, thành phố Hà Nội đã phát động phong trào giới thiệu và viết về điển hình tiên tiến trong thực hiện quy tắc ứng xử, tổ chức liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh sức lan tỏa của những hình mẫu về thực hiện văn hóa ứng xử trong đời sống.

Đợt phát động giới thiệu và viết về những điển hình tiên tiến trong thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố, không chỉ nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao, đóng góp của các tổ chức, tập thể mà còn đo sức lan tỏa của hệ thống quy tắc ứng xử sau gần ba năm đi vào cuộc sống.

Thành phố Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong thực hiện quy tắc ứng xử nhằm hướng dẫn, khuyến khích những cách làm hay, phê bình những hạn chế và cùng nhau tháo gỡ bất cập. Không chỉ tạo chất lượng cho việc thực hiện quy tắc ứng xử tại cơ sở, những đợt kiểm tra này còn tạo thêm động lực cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Vốn dĩ từ rất lâu, văn hóa ứng xử người Hà Nội luôn được coi là vốn quý trong di sản văn hóa Thủ đô, góp phần tạo nên "hồn cốt" Thăng Long - Hà Nội. Văn hóa ứng xử người Hà Nội vừa có tính kế thừa, vừa có sự tiếp nhận và tiếp biến để tạo ra một bản sắc riêng đậm chất truyền thống và phù hợp với thời đại. Sau những nỗ lực của Thủ đô, một lớp văn hóa mới đang hình thành chứa đựng cả một tâm hồn, bản lĩnh, khí chất của lớp lớp người Hà Nội và sẽ là nền tảng, động lực cho sự phát triển của Thủ đô thời kỳ mới.