- Dạ, chào Bác ạ.
- Vâng, chào ngài!
- Ối, anh không nhận ra em à, em lên góp Tết, thắp hương cúng Thủy Tổ, Tổ ngành, cúng Ông Bà, chư vị thúc, bá, huynh đệ, cô ni, tỷ muội, chư vị thổ thần, thành hoàng...
- Thành thực xin lỗi, tôi già yếu, ốm đau bệnh tật, đi lại khó khăn, chậm nhớ, mau quên, không biết ông là ai, bây giờ mọi việc giao cho con, cháu gánh vác, có thể ông nhầm nhà chăng!?
- Chết, sao bác nặng lời quá, chúng em là phận cháu chú, cháu bác với anh, mải làm ăn, xa quê mấy chục năm, nay về cáo yết Tổ tiên, Ông Bà...
Anh cho em vào nhà, nói dăm, ba câu, may chăng, anh nhận ra.... Hôm nay đã là sắp Tết, trời lất phất mưa xuân, lạnh lẽo, bàn dân thiên hạ thấy đang lấy bùn, dẫy đất, ủ giống, chuẩn bị gieo mạ chiêm xuân. Đình làng, mở loa phát bài "Chèo mở", ca ngợi công tích Thành Hoàng, động viên bà con quyết tâm chống covid, đón Tết an vui... Trong xã có 3 f0, nhưng tình hình vẫn bình thường, giao thông đi lại vẫn thông suốt, cấp Ủy, Chính quyền, Mặt trận, Nhân dân, vẫn quản lý được dịch bệnh, yên tâm làm ăn. Hai việc tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng lại có chung một cảm xúc: Tết là sum họp, là tâm linh, là gia đình, là gốc gác, trở về nguồn cội...
- Xin hỏi quý ông, quê hương ở đâu ta, sao lại gọi tôi là anh, đường xa, dặm thẳm, sao phải vất vả tìm về?
- Dạ, thưa bác, các Cụ, truyền lại là có họ hàng ở đây, bác là tưởng, cả họ có 6 ngành, hình như có trên 100 bếp, xin bác xem lại cho...
Vì cuộc mưu sinh, chúng em phải đi tha phương, làm ăn, ai cũng hỏi quê hương ở đâu, nội ngoại thế nào, sao không thấy đóng góp, về quê, cúng bái, thờ phụng gì. Nghĩ mà hổ thẹn
- Kính thưa quý ông: Trước hết, xin tỏ lòng cảm thông vì các ông đã thất lạc họ hàng, là dân thường còn day dứt, không biết mình sinh ra ở đâu, dính tý cán, lãnh đạo, quản lý, có tý học, càng nhục hơn. Thật là điều đáng tiếc.
Xem xét việc gì, cũng phải có căn cứ, không thể tin vào mấy tay thợ bói, thợ cúng được. Anh, em, họ tộc, mồ mả, là một việc hệ trọng. Nhờ có các dòng họ mà kết cấu lên làng, xã, quê hương, Đất nước. Đã là anh em, chú, bác, phải có góp giỗ cúng Ông Bà, Tổ tiên. Bên nội là tôi, bên ngoại bên làng Kèo, chả có vị nào, chẳng thấy mặt mũi bao giờ... Ngoài đồng, mồ mả, mỗi người thờ một Cụ, không chung mộ phần, không giỗ, chạp. THÌ CÁC VỊ NHẬN TÔI LÀM ANH EM, CÓ Ý NGHĨA GÌ? Thôi, người Việt Nam mình trọng nhau ở cái tình cảm. Các em ở lại mời cơm, hôm nay chủ nhật, cải thiện tý, có mắm Rươi, anh đi mua tý Vịt quay, thịt Chó... Lễ, các chú cứ đặt lên bàn thờ, cúng Cụ bên anh cũng được, hết tuần hương, mình tiêu lễ... Chúc các chú vui vẻ, đón xuân hạnh phúc, sớm tìm được họ hàng của mình. Kính lạy Thủy tổ khảo, Thủy tổ tỷ, Cao cao chi tổ khảo, Tổ khảo, Cụ Ông Bà, chư vị huynh đệ, cô ni tỉ muội... Kính lạy Thổ công, Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, Long mạch chính thần, Cập thổ vị... Nay, có chư vị, ở bản quán xa xôi về nhận anh em, họ hàng, con không dám nhận, phần thì sinh sau, đẻ muộn, phần không có đóng góp, hương khói, lễ cúng, giỗ chạp, xem xét mộ phần, mỗi người cúng một Cụ, không thấy có liên quan đến họ hàng gì... Cáo yết Tổ tông cùng chư vị linh thần, về ngự nhang án, bàn thờ, hâm hưởng lễ tạ, hương đăng, hoa quả, vật thực, chén rượu, chén trà, chứng giám...
Mưa ướt sân, trời nhanh tối, sáo diều vẫn vi vu, điện đường đã bật sáng. Bóng tối & ánh sáng đan chen nhau, tìm vị trí của mình trong sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, trong sự thống nhất luân hồi của cuộc sống.
Theo Chuyện Làng quê