Ma mặt thớt (Ma ở làng Láng)

Khi gia đình tôi về làng Láng ở thì làng ít người lắm. Quanh làng toàn ruộng rau, ruộng lúa ao hồ, nhà nào cũng có sân rộng, quanh nhà là vườn rau trồng xà lách và đủ loại rau thơm, mùi, tía tô, canh giới, húng nhổi...v..v.. mà người làng hay gọi là “các thức”.

235824688-4220386488077880-4172067337618678884-n-1630144103.jpgẢnh minh họa

Tối đến ếch nhái kêu râm ran và đom đóm lập lòe, lúc mới về sợ lắm sau quen dần không sợ nữa! Người làng Láng trồng rau để ăn sống là chủ yếu nên tối đến hay tụ tâp với nhau để chẻ rau muống bán kèm các thức rau khác. Đêm các bà các chị hay đi chợ bán buôn rau của gia đình mình cho những người bán lẻ rau ngoài chợ. Chợ bán buôn rau thời ấy họp ngay ở đầu đường Láng chỗ Cầu Giấy. Các bà các chị thường để rau vào rổ sảo đặt vào quang gánh, gánh lên chợ bán. Chợ họp vào khoảng 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng thì tan. Các bà các chị đi chợ thường thức dậy khoảng 2 giờ sáng sắp quang gánh, gánh rau dọc đường làng để đi lên chợ chứ không đi ngoài đường Láng! Theo như họ kể thì họ hay gặp ma lắm vì làng ít nhà, vườn tược bụi rậm lũy tre nhiều, hồ ao cũng nhiều, năm này qua năm khác có nhiều người chết đuối ở ao hồ nên chuyện ma thì nhiều phần lớn không đầu không cuối nên khó kể lại. Có câu chuyện này là mạch lạc nhất mà tôi nhớ được.

Có hai chị em họ thường đi chợ sớm với nhau, một người ở đầu ngõ, một người cuối ngõ. Bình thường thì chị ở cuối ngõ hay đi qua và gọi người ở đầu ngõ đi cùng nhưng hôm ấy không hiểu vì sao khi chị ở đầu ngõ tỉnh dậy thì thấy ngoài sân đã hửng sáng. Chị vội dậy sắp quang gánh để đợi người kia đến gọi rồi hai người cùng đi. Chị đợi một lúc lâu cũng không thấy chị kia gọi mà trời thì đã tang tảng sáng. Chị nghĩ hay chị kia gọi mà mình ngủ say quá không thưa nên chị ấy tưởng mình không đi chợ nên đi trước rồi. Ngày xưa không có đồng hồ nên không biết mấy giờ chỉ dựa vào tiếng gà gáy để đoán giờ. Lúc đấy thấy gà gáy mà trời hửng sáng sợ nhỡ mất buổi chợ nên chị vội gánh gánh rau đi mà không đợi chị kia nữa. Mọi khi giờ đó mà ra đến đường làng thì gặp đầy người đi chợ nhưng không hiểu sao hôm đấy đường vắng tanh chả gặp ai. Nhìn lên trời thấy trăng cuối tháng sáng vằng vặc nên chị hiểu ra là mình đi quá sớm, không phải trời sắp sáng mà là sáng trăng. Chị nghĩ bây giờ mà đi lên chợ thì chưa có ai mà gánh rau quay về thì cũng mệt vì gánh rau rất nặng. Chị nghĩ mình gánh tiếp một đoạn nữa đến giữa làng có một cái quán thì dừng lại đợi chị kia. Giữa làng có một cái quán nhỏ dựng dưới gốc muỗm cổ thụ. Ban ngày có bà cụ bán bún riêu nên trong quán có một cái chõng tre và mấy cái ghế cũng bằng tre. Chị em đi chợ đêm hay hẹn nhau ở đấy.

Lúc chị đến thì thấy hình như trong quán có người ngồi, chị chắc đó là một người đi chợ sớm giống mình lên đặt gánh xuống và bước vào quán. Quả nhiên có người ngồi trong quán thật. Hai người chào hỏi nhau xong ngồi nói chuyện. Chuyện giá cả các loại rau, chuyện về người làng vui vẻ lắm! Một lúc sau tự nhiên thấy đầu mình ngứa ran lên chị vào sau nói với chị ngồi trong quán là đầu em ngứa quá chắc mấy con chấy cắn chị bắt cho em với! (Ngày xưa chưa có dầu gội toàn gội bằng bồ kết và chanh nên nhiều người có chấy lắm). Chị ngồi trước trong quán bảo em sang bên này ngồi cạnh chị, chị bắt cho. Chị ấy bắt giỏi lắm, thỉnh thoảng lại được một con cắn đôm đốp! Một lúc sau hết ngứa nên chị ở quán bảo chắc hết rồi em bắt cho chị với. Khi chị vào sau sờ vào đầu thì thấy đầu chị vào trước lạnh ngắt và nhũn nhũn nên bảo: “Chị ơi sao đầu chị nhũn như đầu ma thế?"

Chị ấy cười sằng sặc và bảo: “Ừ! Chị là Ma mặt thớt đây!”

Chị kia sợ quá nhìn vào mặt chị ngồi trước trong quán thì thấy quả nhiên mặt chị ấy phẳng lỳ, không có mắt, mũi, miệng gì cả. Chị kia sợ quá bỏ chạy ra khỏi quán, bỏ cả gánh rau lại chạy thẳng ra ngoài đường Láng hy vọng gặp người đi đường vì làng vẫn tối om không có một đốm đèn nào! Đường Láng cũng vắng tanh chả có ai! Chị ấy chạy thục mạng về phía Cầu Giấy được một đoạn thì có một cái xích lô đi từ đằng sau vượt lên. Người đạp xích lô bảo: “Đêm hôm cô đi đâu mà chạy ghê thế ?”

Chị trả lời là cháu đi chợ vừa gặp ma xong cháu bỏ cả gánh rau chạy ra đây! Ông xích lô bảo lên ông ấy chở quay về lấy rau để đi bán. Chị ấy bảo may quá gặp bác chứ nếu một mình thì chắc cháu không dám quay lại đó đâu. Ông xích lô bảo chị ấy kể xem gặp ma như thế nào. Chị ấy kể đến chỗ mặt của con ma phẳng lỳ như cái thớt thì ông xích lô bảo: “Cháu ngẩng lên nhìn mặt bác xem có giống mặt chị ấy không?”. Chị bán rau ngẩng lên nhìn và lại thấy mặt ông xích lô cũng phẳng lỳ như một cái thớt nên ngất đi không biết gì nữa. Lại kể về chị ở cuối ngõ ra nhà chị đầu ngõ gọi thì thấy người nhà bào chị ấy đi rồi nên gánh hàng lên chợ. Qua quán bún riêu thấy cái gánh rau quen vứt ở đó mà chả thấy người đâu nên vội quay về gọi người nhà đi tìm. Họ tìm quanh chỗ thấy gánh rau, lên chợ tìm cũng không thấy! Sáng ra thì có người thấy chị ấy nằm bất tỉnh ở cạnh một gốc cây đa ở ngoài đường Láng. Họ đưa chị ấy về nhà và bằng mọi cách cứu chị ấy tỉnh lại mà chị ấy vẫn mê man!

Có ông thầy cúng ở làng bảo hay chị ấy yếu bóng vía bị ma rủ đi! Giờ muốn cứu tỉnh thì phải đi bẻ một cành dâu, cắt tiết một con chó đen, nhúng cành đâu vào chậu tiết chó rồi vụt chị ấy để con ma sợ bỏ đi. Quả nhiên sau khi bị vụt mấy roi dâu thì có tiếng van lạy rối rít. Ông thầy tra hỏi thì con ma nói là nói là vì hợp nên rủ chị ấy đi. Sau đó chị ấy tỉnh dậy nhưng chẳng nhớ gì hết! Người nhà cúng đuổi tà ma cho chị ấy mãi sau chị ấy mới nhớ và kể lại chuyện này. Tôi nghe câu chuyện từ lúc con nhỏ xíu chỉ nhớ nội dung câu chuyện mà không nhớ ai đã kể!

Chỉ biết đây là câu chuyện người kể bảo là có thật! Còn có thật không thì chỉ người trong cuộc mới biết! Chuyện xày ra từ lâu rồi chỉ là truyền miệng thôi nhưng làm cho cho tuổi thơ tôi nhuốm một sắc màu huyện bí. Rất thích nghe chuyện ma nhưng sau đó không dám đi đâu một mình buổi tối! Tâm lý con người cũng lạ! Cái gì rõ ràng mạch lạc thì chẳng còn sự hấp dẫn! Tôi đã từng kể câu chuyện này cho học sinh của mình nghe bọn chúng thích lắm! Đến đoạn ông xích lô bảo: “Mặt bác có giống mặt chị ấy không?” chúng hét lên vô cùng kích động. Chúng tò mò hỏi chuyện có thật hả cô? Có ma không cô?

Vậy đấy! Các nhà nghiên cứu giáo dục có biết điều này không!? Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi! Chỉ một chút bí ẩn cuộc sống hấp dẫn trí tưởng tượng của trẻ hơn ngàn vạn trang sách giáo khoa!

Cảm ơn đã đọc câu chuyện của tôi!

 

Theo Chuyện quê