Mãi mãi khắc sâu lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Là một quân nhân, tôi có may mắn và hạnh phúc lớn khi được sống, làm việc và phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam một thời gian dài. Gần 30 năm phục vụ Đại tướng, tôi được Đại tướng chỉ dạy rất nhiều, từ những lời dặn dò tưởng chừng như đơn giản nhất nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người lính trẻ như chúng tôi lúc bấy giờ.

Tôi còn nhớ vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, lúc đó Đại tướng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), bản thân tôi khi đó còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác, lại được giao nhiệm vụ về công tác hành chính - văn phòng, công việc thường xuyên tiếp xúc với khách đến liên hệ công tác, làm việc với Đại tướng. Có lẽ, Đại tướng thấy tôi còn trẻ, dễ nông nổi nên có lần trong buổi làm việc, Đại tướng căn dặn và nhắc nhở: “Hải ạ! Khách đến làm việc với Văn phòng, với Anh (cán bộ, nhân viên trong Văn phòng đều gọi Đại tướng bằng Anh - Anh Văn) rất nhiều, trong giao tiếp em nhớ lễ phép, làm việc phải đúng nguyên tắc nhưng không được cứng nhắc, đừng để mọi người nghĩ rằng đến với Đại tướng là khó khăn, là kín cổng cao tường”.

dai-tuong1-1629793741.jpg
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, năm 1994

Thực tiễn công tác, lời dạy bảo ân cần của Đại tướng luôn khắc sâu trong mỗi suy nghĩ và hành động của tôi. Tôi đã được gặp gỡ nhiều người đến thăm, làm việc với Đại tướng. Mỗi người một cá tính, có những người tính tình nóng nảy, nếu mình không khéo rất dễ dẫn đến hiểu lầm, thậm chí là hỏng việc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất giản dị, gần gũi với nhân dân, luôn quan tâm đến nhân dân, cho nên trong giao ban công việc, Đại tướng thường xuyên nhắc nhở cán bộ trong cơ quan chú ý khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân phải kính trọng, lễ phép. Có những giai đoạn khó khăn, nhiều người đến xin gặp, đề nghị Đại tướng giúp đỡ, Đại tướng căn dặn chúng tôi: “Các cậu phải gặp gỡ, lắng nghe người dân trình bày rồi hướng dẫn cho người ta đến đúng cơ quan có chức năng giải quyết, tránh để người dân đi lại nhiều vất vả, tốn kém mà công việc lại không được giải quyết; trường hợp nào cần mình có ý kiến thì báo cáo”.

phiden11-va-dt1-1629781801.jpg Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội năm 2003

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, khi Đảng, Nhà nước ta có chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đồng bào ở các tỉnh ATK về xin gặp Đại tướng, xin Đại tướng xác nhận là gia đình có công với cách mạng để giải quyết chế độ, chính sách rất nhiều. Đại tướng kể lại và luôn nhắc nhở tôi: “Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc, đặc biệt là ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên…, người dân tốt lắm, họ không sợ khó khăn, nguy hiểm mà che chở, giúp đỡ cách mạng. Giờ đây cuộc sống của họ vẫn còn rất khổ, nhiều người có công với nước, với cách mạng mà vẫn chưa được hưởng chế độ gì cả, họ cần mới tìm đến gặp mình. Em phải chú ý khi họ đến gặp không được gây khó dễ, đừng thấy người ta lam lũ, khắc khổ mà từ chối, không báo cáo với Anh. Tất cả những người đến xin gặp Anh về vấn đề đó đều phải tiếp đón chu đáo, hỏi han xem họ ăn, nghỉ ở đâu. Nếu họ từ xa về chưa có chỗ ăn, chỗ nghỉ thì báo cáo Văn phòng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Quân đội bố trí nhà khách cho họ nghỉ và ăn uống cẩn thận; nghiên cứu hồ sơ rồi báo cáo để Anh gặp. Chính có những người dân ấy mà cách mạng mới thành công, kháng chiến mới thắng lợi, họ đã không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, luôn tin tưởng Bác Hồ, tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng Việt Nam. Họ luôn mang trong mình tinh thần Dĩ công vi thượng”.

d1-1629781869.jpgNgười viết bài vinh dự có những ngày tháng không thể nào quên bên người Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khi nói đến câu “Dĩ công vi thượng”, Đại tướng trầm ngâm rồi hỏi tôi: Cậu có biết “Dĩ công vi thượng” là gì không? Tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì Đại tướng giải thích: “Dĩ công vi thượng” là làm gì cũng phải đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết. Có thể nói trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng là tấm gương mẫu mực nhất, xuất sắc nhất trong việc thực hiện lời dạy “Dĩ công vi thượng” của Bác Hồ kính yêu.

Trong 26 năm làm việc và phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những lời dặn dò hay những góp ý trong sinh hoạt của Đại tướng đối với anh em trong cơ quan cũng như đối với cá nhân tôi có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhờ đó giúp tôi trưởng thành, hiểu biết, chín chắn hơn và làm việc, công tác tốt hơn. Đại tướng thường căn dặn tôi cũng như nói với rất nhiều người: “Mỗi ngày, trước khi đi ngủ nên dành mấy phút để suy nghĩ lại những việc đã làm trong ngày, việc gì làm tốt rồi và còn việc gì chưa làm được để rút kinh nghiệm ngày mai làm tốt hơn”. Lời dạy đó của Đại tướng tôi luôn ghi nhớ và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

sach111-1629782289.jpgSinh thời Đại tướng nhiều lần từ chối làm sách riêng về mình để ưu tiên cho những việc khác quan trọng hơn. Cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân" hoãn xuất bản năm 2004 theo đề nghị của Đại tướng phải đến năm 2019 cuốn sách mới được xuất bản theo ý nguyện của cố nhà báo Đỗ Phượng

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021) - Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng. Là một cán bộ hiện đang công tác tại Văn phòng Quân ủy Trung ương - Văn phòng Bộ Quốc phòng, tôi luôn tự hào được làm việc trong môi trường mà mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn đề cao tinh thần “Dĩ công vi thượng”, không sợ khó khăn, không quản ngày đêm, giờ nghỉ hay ngày nghỉ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm, nỗ lực lớn nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân.