Mất giỗ đổ cau chả được cái gì

Khi nói về hiện tượng ai đó định làm một việc gì, phải đầu tư chi phí hết thứ này đến thứ khác, cả vật chất lẫn tinh thần mà cuối cùng vẫn chẳng đạt được mục đích, người ta hay dùng câu thành ngữ “mất giỗ, đổ cau” để ám chỉ.

cau-1632233127.jpgCau. Ảnh internet

Ví dụ: “Cứ tưởng bỏ cả đống tiền ra hùn vốn, rồi chầu chực mấy tháng liền cho việc làm ăn, ai dè công cốc vẫn hoàn công cốc. Chán quá! Đúng là mất giỗ, đổ cau, khóc dở mếu dở”. (Gia Đình Việt Nam, 2014)

Ngữ nghĩa là như thế. Thế nhưng tại sao người đời lại đem chuyễn giỗ chạp với cây cau ra để ví von ở đây nhỉ? Phải chăng chỉ là câu nói bâng quơ, có vần vè, vô căn cứ?

Trong Truyện cổ nước Nam, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc kể rằng, ngày xưa, ở một làng nọ, có một anh chàng lười nhác, chỉ ham chơi với ham ăn. Một hôm, anh ta thấy nhà láng giềng có đám giỗ (giỗ: lễ thắp hương tưởng nhớ người đã mất đúng vào ngày mất của người đó hàng năm, thường bày biện hương hoa, cỗ bàn mời người thân tới dự), thịt gà, mổ lợn linh đình lắm. Anh ta chắc mẩm mình là nhà sát cạnh, thể nào gia chủ cũng mời anh dự. Nhưng đợi mãi mà chẳng thấy nhà nọ cho gia nhân sang mời. Chán quá!

“Chắc nhà nó bận đám nên quên đây” - anh ta tự nhủ. Thế là, anh ta liền nghĩ ra một mẹo và làm ngay. Anh vào nhà vác dao rựa ra chặt béng cây cau trước cửa, lại cố lựa cho nó đổ sang nhà bên cạnh. Lúc đó, anh sẽ có cớ sang vác cau về. “Chắc nó trông thấy mình nó nhớ ra mà mời chăng?” - anh nghĩ thế.

Cau bị chặt đổ kềnh, đúng vào nhà bên cỗ bàn đang lúc đông đúc. Anh chàng nọ tất tả chạy sang. Nhà chủ hỏi:

- Bác đi đâu đó?

- Ồ, cây cau nhà tôi nó đổ sang nhà bác. Tôi sang xin về...

- Vậy hả. Vâng, bác cứ lấy...

Nhà nọ chỉ hỏi qua loa. Anh ta cứ nấn ná, chưa chịu vác cau về, có ý đợi. Nhưng rồi nhà kia vẫn phớt lờ. Cuối cùng, anh đành cắm cúi vác cây cau về nhà mình, bụng đói vẫn hoàn đói. Vừa đi anh vừa than thở: “Số mình rõ khổ, đã mất đám giỗ, lại đổ cây cau. Bao giờ mới trồng lại được đây”. Thật tốn công tốn của, chẳng ích gì:

Cây cau đang tốt, đang tươi

Tự nhiên đem chặt, cỗ thời mất ăn...