1. Chắc chắn một điều, không chỉ thế hệ tiếp nối - kế cận GS. Đào Duy Anh, mà thế hệ học trò, những nhà nghiên cứu, nhất là về văn hóa Việt Nam hàng thế kỷ sau này, không thể không nhắc đến ông, đặc biệt là những tác phẩm vượt thời gian, như: Cổ sử Việt Nam (1955), Lịch sử Việt Nam (1955),... trong đó phải kể đến "Việt Nam văn hóa sử cương".
1.1. Đúng như Lời giới thiệu cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" (VNVHSC) của GS. Đào Duy Anh, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, đã viết những lời đề trân trọng, xúc tích, song biểu đạt được sự thông tuệ, uyên bác và nhân cách của ông: "Từ điển Bách Khoa Larousse ghi: "Đào Duy Anh là một tên tuổi lớn trong các nhà Bách Khoa thư hiện đại", song ở Việt Nam ông còn là bậc thầy của nhiều thế hệ học trò lịch sử và văn học cổ kim, đồng thời còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị lớn như: Hán Việt từ điển (1932), Pháp - Việt từ điển (1935), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943), Khổng giáo phê bình tiểu luận (1943), Trung Hoa sử cương (1944)...
Đào Duy Anh cũng có một quá trình hoạt động lâu dài và bền bỉ, cống hiến tâm huyết cho dân, cho nước từ tham gia sáng lập báo Tiếng Dân với cụ Huỳnh Thúc Kháng (1927), rồi sáng lập Quan hải tùng thư (1928), để xuất bản các sách yêu nước và tiến bộ cùng với Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp... đến tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước".
1.2. Ngoài Lời tựa, VNVHSC gồm 5 thiên với 32 đề mục, trong các đề mục lại hàm chứa 53 tiểu mục(1), nội dung được "nén" vừa vặn (không dày - nhiều lắm) trong 406 trang (khổ 13x19cm), làm cho người đọc đi từ sự hồ hởi đến ngạc nhiên và hết sức kinh ngạc, với hàm lượng trí tuệ sâu sắc như thế, mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội đều được tìm thấy ở trong đó, là cơ sở lịch sử nghiên cứu vấn đề, mở ra nhiều hướng tiếp cận, những căn cứ nghiên cứu vô cùng bổ ích và quan trọng cho thế hệ đi sau.
2. Kết cấu cuốn sách được trình bày hết sức chặt chẽ và khoa học. Trước khi trình bày nội dung chính gồm từ Thiên thứ hai đến Thiên thứ tư, tác giả đã trình bày tổng quát (Thiên thứ nhất: Tự luận), lý luận chung về văn hóa và bối cảnh địa lý, tự nhiên xã hội của Việt Nam được đặt trong môi trường của hai nền văn hóa Ấn Độ - Trung Quốc, mà Việt Nam ít nhiều chịu sự ảnh hưởng. Đây có thể được coi như mở đầu - tiếp cận của cuốn sách hết sức logic. Nội dung chính được GS. Đào Duy Anh trình bày theo ba bộ phận là: Thiên thứ hai: Kinh tế sinh hoạt, nói về những vấn đề nông nghiệp, công nghệ, thương mại, các sinh hoạt ở thôn quê, thành thị, đường giao thông, sưu thuế, tiền tệ; Thiên thứ ba: Xã hội kinh tế sinh hoạt, về gia tộc, xã thôn, quốc gia, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tế tự và Thiên thứ tư: Tri thức sinh hoạt(2) về các tôn giáo, giáo dục, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật,... "Đối với mỗi vấn đề bao hàm trong ba bộ phận ấy, bỉ nhân gắng biên chép rõ ràng con đường diên cách xưa nay cho đến trạng thái hiện tại... Mục đích bỉ nhân cũng không phải là soạn một bộ tổng hợp văn hóa sử, mà chỉ cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, để giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm”. Lời lẽ khiêm tốn, nhưng qua cuốn sách này, thế hệ sau ông đã học hỏi được nhiều điều, chẳng hạn kết cấu của cuốn "Hành trình văn hóa Việt Nam" của GS. Đặng Đức Siêu làm một ví dụ(3).
2.1. Đọc cuốn VNVHSC cho phép chúng ta mở ra những hướng tiếp cận trong quá trình nghiên cứu, những cứ liệu về kinh tế, văn hóa xã hội tương đối đậm đặc, mà những người nghiên cứu về văn hóa nói chung không thể không lưu tâm, ví dụ: nghiên cứu về văn hóa làng, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa dân gian... Điều cũng cần phải ghi nhận, khi GS. Đào Duy Anh rất nghiêm túc, khách quan trong việc trích dẫn các tác phẩm của tác giả khác, để bổ sung hoặc chứng minh cho những vấn đề mà mình nêu ra. Vả lại, cách trích dẫn trên cơ sở diễn giải theo sự hiểu biết của ông, chứ không phải dừng lại ở dạng "Sô-vanh", "tầm chương trích cú". Đây, cũng là điều thể hiện người làm khoa học chân chính. Khác với không ít người làm khoa học hiện nay - nhất là người trẻ tuổi - hay "thản nhiên" lấy văn, luận thuyết khoa học của người khác làm của mình, mà không có một mảy may giải thích nào.
2.2. Chú thích ở cuối trang rải đều trong cuốn sách, được GS. Đào Duy Anh trình bày hết sức cẩn trọng và công phu (gồm 170 chú thích)(4), có thể lấy ví dụ: ở đề mục Phong tục (Thiên thứ ba), nói về sự sinh đẻ: "Nếu đứa trẻ là con gái thì cúng Bà mụ rồi người ta đem xâu tai cho nó", rồi được ông chú thích: "Người Mọi Bahnar có tục đẻ con được một vài tuần hay một vài tháng thì đem lễ Thổi tai (nlôm dou) rồi sau đó ít lâu cha mẹ phải xỏ lỗ tai cho con. Họ tin rằng người ta khi sống mà không xỏ lỗ tai thì khi chết bị bà Dìu dái tai đuổi đi ở với các loài nghỉ két. Những trẻ con chưa xỏ lỗ tai mà chết thì không được hưởng các lễ tống táng như người lớn, mà cha mẹ cũng không được khóc.
Ở nước ta thì đứa trẻ nào chết mà chưa đặt tên thì gọi là "hữu vị vô danh", thuộc về loài "ranh" chớ không phải là loài người cho nên không được chôn lẫn lộn với người lớn. Cha mẹ không khóc và không thờ tự gì cả, hoặc chỉ thờ riêng chớ không thờ chung với tổ tiên (Mọi Kontum của Nguyễn Kính Chi và Nguyễn Đổng Chi)".
Với cách chú thích này như một sự mở rộng, lại hết sức đa dạng, khi đề cập đến phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rõ ràng đã cung cấp cho người đọc sự hiểu biết hơn về lễ liên quan đến sự sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, giúp cho thế hệ đi sau định hình một ý tưởng, như nghiên cứu về phong tục tập quán cư dân bản địa ở Tây Nguyên, về hôn nhân, gia đình hoặc về hệ thống lễ hội của một dân tộc cụ thể nào đó, .v.v... Sự thật, đó là điều mà hiện nay chúng ta đang đặc biệt quan tâm, để gìn giữ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
3. Trong Lời tựa, GS. Đào Duy Anh viết: ”Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh đình của tổ tiên ta để giành lại quyền sống với tạo vật; suốt một giải Trung Việt vào đến Trung châu Nam Việt, không một khúc đường nào là không nhắc lại sự nghiệp gian nan tiến thủ của tổ tiên ta để mở rộng hy vọng cho tương lai”. Thật vậy, trong quá trình dựng nước và giữ nước nhân dân ta đã gây dựng nên một nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc, "như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"(5). Đó là hành trình tất yếu, mà "vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"(6). Tuy nhiên, để nhìn nhận một cách thấu đáo, nhất là trong việc kế thừa văn hóa truyền thống và tiếp thu văn hóa mới phù hợp thì "phải xét lại cho biết nội dung của văn hoá xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hoá mới" và "nghiên cứu xem sự hoạt động để sinh hoạt về các phương diện của một dân tộc xưa nay biến chuyển thế nào, là nghiên cứu văn hoá lịch sử của dân tộc ấy vậy!". Tròn 65 năm, từ khi cuốn VNVHSC được GS. Đào Duy Anh hoàn thiện (1938), đến nay đọc lại những dòng này vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.
3.1. Đọc VNVHSC, chúng ta hết sức thú vị, không những học hỏi được nhiều vấn đề về khoa học, tránh được những nhận định sai, mà còn nhận được ở trong đó, một khối lượng thông tin văn hóa sử hết sức đồ sộ của đất nước ta trải "từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái"(7), xung quanh đời sống của con người, từ những việc Trang sức, "đàn ông giàu có thường đeo nhẫn vàng... Đàn bà thì đeo khuyên hoặc trâm, hoặc cuống giá; cổ đeo chuỗi hạt huyền hoặc hạt vàng... Trẻ em thường đeo vòng cổ bằng bạc hay bằng vàng", đến Trí thức sinh hoạt", "tức chỉ học thuật tư tưởng, cũng như tôn giáo và chính trị”. Đây là những cơ sở hết quan trọng cho quá trình nghiên cứu về những lĩnh vực này. Có thể, là cuốn sách "không thể thiếu" một thời(8), khi chưa có nhiều công trình về văn hoá sử Việt Nam, cũng như chưa có những công bố về khảo cổ học sau này. Ngày nay, người đọc cũng tìm thấy ở trong VNVHSC bóng dáng của các bậc tiên liệt, hình thái kinh tế - xã hội một giai đoạn nhất định, đặc biệt là các phong tục tập quán.... hết sức chân thực và quý giá. Chính từ đó, chúng ta mới "gạn đục khơi trong", kế thừa và biết cách giữ gìn bản sắc văn hoá, vốn đã đang bị thời gian và mặt trái của nền kinh tế thị trường xâm thực.
3.2. Một vấn đề hết sức thú vị, khi GS. Đào Duy Anh miêu tả về người Việt Nam - chủ nhân của nền văn hoá. Đặc biệt, ông trình bày khá tỷ mỉ về ngoại hình: "người Việt Nam là giống ngắn đầu (chỉ suất 82,8), mình thấp (1m58), chân tay nhỏ, mặt xương, lưỡng quyền cao, mắt đen và hơi xếch, mũi hơi tẹt, môi hơi dầy, tóc đen và hơi cứng, râu cứng và thưa, dáng đi thì nhẹ nhàng và chắc chắn", và về nội hình: "người Việt Nam đại khái thông minh... Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giầu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giầu trực giác hơn luận lý... Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo"(9). Quả là nhận xét hết sức tinh tế, phải "thấm" văn hoá Việt Nam lắm mới có đánh giá xác đáng như vậy. Tuy nhiên theo ông, những tính chất ấy không phải là bất di bất dịch(10). Mặt khác, đây cũng chính là cứ liệu hữu ích cho những người nghiên cứu dân tộc học.
4. Cách đặt vấn đề Kinh tế sinh hoạt thực chất là kinh tế nói chung như ngày nay thường gọi, bao gồm: nông - công - thương nghiệp... ở đây, GS. Đào Duy Anh đã "gộp" cả các sinh hoạt ở thôn quê, các thành thị, đường giao thông,... khá chi tiết, tuy vậy sự liệt kê ấy thực ra là chưa đủ, lại có vẻ bất hợp lý, vì các đề mục các sinh hoạt ở thôn quê, thành thị có thể đưa sang phần xã hội, liệu như thế có đúng hơn chăng? Mặt khác, bản thân nói đến kinh tế là đã bao hàm đầy đủ. Do cái nhìn hạn chế của xã hội đương thời, nên về sản xuất hàng hoá vẫn chưa được gọi ra thành tên, song cách làm của dân ta đã được định hình, nhất là hàng hoá nông nghiệp: “Sau gạo thì cao su cũng là một vật xuất cảng quan trọng; ngoài ra còn bắp, tiêu, dưa, sơn quế, cá khô, trứng gà, trâu bò, da, tơ, cùng những khoáng sản như than, chì, kẽm, xi măng. Những sản vật ấy, một phần bán đi các nước lân cận, một phần bán đi nước Pháp". Chứng tỏ việc sản xuất hàng hoá của dân ta đã tương đối sôi nổi, các sản vật phong phú, thể hiện tiềm năng, sự phát triển và thịnh vượng. Một việc cũng hết sức ngạc nhiên và thú vị ở chỗ: ”Món hàng xuất cảng nhiều nhất là gạo, một mình Sài Gòn dự đến 80 hay 90 phần 100 trong tổng ngạch. Hiện nay Đông Pháp đứng bậc thứ 2 trên thế giới (sau nước Miến Điện) về sự xuất cảng gạo" [tr.82]. Ngạc nhiên ở chỗ, chúng ta xuất khẩu gạo nhiều đến như thế mà nhân dân vẫn đói, đời sống không được nâng lên. Còn thú vị ở chỗ, hiện nay (2003) nước ta đang đứng ở hàng một trong hai nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (nước kia là Thái Lan - TG). Liệu đây có phải là một bước tiến hay theo quy luật phát triển "hình sin" hoặc đúng hơn là chúng ta đang hồi phục khả năng tiềm tàng của mình ở lĩnh vực này (?).
4.1. Như đã nói, nước ta xuất khẩu hàng hoá tương đối đa dạng và phong phú (đặc biệt là gạo), song đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân trong giai đoạn lịch sử Pháp thuộc, lại vô cùng lầm than, khổ cực. Đó là vì chính sách khai thác thuộc địa hà khắc của thực dân Pháp, mới thấy Cách mạng tháng Tám (1945) là tất yếu. Bên cạnh đó, chúng ta không giàu - phát triển được bởi: xuất khẩu "đều là vật nguyên liệu hoặc vật bán chế, chứ những vật tinh chế thì công nghiệp nước ta sản sinh ít", "lệ giao dịch với ngoại quốc phần nhiều do hai phụ đầu lớn là Hải Phòng và Sài Gòn; còn các hải cảng ở Trung bộ, như Bến Thuỷ, Tourane (Đà Nẵng - ĐDA), Quy Nhơn thì hàng hoá xuất nhập không có bao nhiêu", nên ta nghèo - đói là phải (!).
4.2. Nước ta là nước nông nghiệp, do vậy, nền kinh tế chủ yếu của nước ta là nền kinh tếnông nghiệp đó cũng chính là nền tảng của văn hoá nông nghiệp, văn hoá lúa nước... GS. Đào Duy Anh chủ yếu trình bày về phương pháp canh tác, thuỷ lợi, chính sách canh nông, chế độ thổ địa, chăn nuôi và chài lưới. Sự phân chia này không phù hợp với hiện nay nữa và thiếu, chẳng hạn như săn bắt, trồng trọt. Dù sao chúng ta cũng thu nhận được những thông tin tương đối tổng quát về nông nghiệp (trước đây) so với nông nghiệp (hiện đại) ngày nay. "Người ta thường chê dân Việt Nam có óc nhân tuần không biết bỏ những phương pháp cũ rích mà theo mới, nhưng họ có biết đâu rằng những phương pháp mới mà họ nói đó, những phương pháp tối tân của Âu châu, không thể ứng dụng vào những thửa ruộng bàn tay ở xứ ta được. Thực ra, mỗi khi sở Canh nông có bày về cách gì mới mà bổ ích thực như lựa giống, dùng giống mới (lúa, mía) cắt cây chè, thì dân ta vẫn hoan nghênh lắm". Những dòng này như lời nhắc nhở cho cả hôm nay, không nên áp dụng một cách máy móc, không phù hợp với điều kiện thực tiễn, thật ra dân ta không phải "có óc nhân tuần", mà chúng tôi thấy rằng, GS. Đào Duy Anh đã có cái nhìn hết sức chính xác.
4.3. GS. Đào Duy Anh có những đánh giá rất tinh tế và xác đáng, chẳng hạn nói về kinh thành Huế, từ những năm 1938, khi chưa có cuộc cách mạng tháng Tám (1945), tức là vẫn phải đứng trên góc độ nào đó thuận theo triều đình nhà Nguyễn và “nước mẹ đại Pháp”: "Là cái tiêu bản của những thành thị đời xưa, nghĩa là những thành thị thiết lập về chính trị. Về phương tiện kinh tế thì Huế là nơi rất bất tiện. Thuỷ thì chỉ có một đường theo sông Hương thông ra biển, mà cửa Thuận An lại hay bị tắc; về đường bộ thì chỉ một đường thiên lý thông qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam, mà lại phải qua sông qua đèo khó khăn, cho nên kinh thành Huế không phải là nơi trung tâm về kinh tế", hoặc ông viết về Hà Nội: "là một nơi đô hội, phần lớn là nhờ địa thế tiện lợi ở chính giữa tim đất trung châu Bắc Bộ. Từ xưa Hà Nội đã là nơi trung tâm về đường thuỷ đạo ở hai hệ sông Thái Bình và Nhị Hà; ngày nay những đường bộ và đường sắt cũng lấy Hà Nội làm tâm điểm. Bởi vậy không kể những điều kiện lịch sử, chỉ xem điều kiện địa lý, Hà Nội cũng đáng làm thủ phủ cho cả xứ Bắc Bộ và cõi Đông Pháp". Từ đó để thấy, các yếu tố về địa lý, khí hậu, dân cư hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các địa vực cụ thể, đấy cũng là những yếu tố cơ bản để tạo dựng nên một nền văn hoá, "muốn nghiên cứu văn hoá của một dân tộc, trước hết phải xem dân tộc ấy sinh trưởng trong những điều kiện địa lý như thế nào.
Nhìn chung, các điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế có những ảnh hưởng lớn tới vấn đề bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá Việt Nam, mà vấn đề cần quan tâm nhất là về vấn đề kinh tế, vì nó quyết định đến vấn đề văn hoá(11), "sự đa dạng cả môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên là yếu tố góp phần làm nên bản sắc văn hóa".
Công trình của GS. Đào Duy Anh về nền văn hóa Việt Nam từ nguyên thủy đến thế kỷ XX đã khẳng định một cách rõ ràng về bản chất của văn hóa Việt Nam: là một tổng thể tất yếu, nội dung vừa phản ánh đời sống tinh thần của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử, vừa là quá trình thực hiện sự tiếp thu, hòa nhập và phát triển lối sống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình tiến lên văn minh và hiện đại hóa của nhân loại. Điều đó đã giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng và cảm nhận sâu sắc về văn hóa Việt Nam, từ đó, ta có thể xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam ngày nay trên cơ sở vững chắc của truyền thống và lịch sử, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
5. Với 154/406 trang (từ trang 117 đến trang 271), GS. Đào Duy Anh tập trung trình bày về Xã hội kinh tế sinh hoạt, mà hiện nay chúng ta vẫn thường gọi là văn hóa và môi trường xã hội. Có lẽ, không cần thiết phải bàn luận nhiều về tính hữu ích và những giá trị của một khối lượng tư liệu "khổng lồ" (13) được cung cấp ở thiên này. Từ Gia tộc cho đến Tín ngưỡng và tế tự truyền tải hết sức kỹ lưỡng, giúp ích rất nhiều khi chúng ta tiếp cận nghiên cứu về văn hóa nói chung, hoặc cụ thể hơn là nghiên cứu về hôn nhân gia đình; làng xã, phong tục tập quán và tín ngưỡng.
5.1. "Hiện nay nhất là ở thành thị, ta thường thấy vấn đề gia đình biểu hiện bằng những cuộc xung đột của con cái và cha mẹ, những cuộc bỏ vợ của đàn ông làm nên những vụ trai gái trốn nhà, những án tự sát của thanh niên nam nữ... Cứ hiện trạng ấy thì ta thấy rằng chế độ gia đình nước ta cần phải cải tạo mới thích hợp với thời đại mới này". Trong khi nêu cao văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong gia tộc có "tôn ti trật tự", trên dưới thì vấn đề "xung đột" trong gia đình, chắc chắn đời nào cũng có và nó có hai mặt: một là, vận động trong sự "đấu tranh" để phát triển xuất hiện cái mới tiến bộ, một mặt, nó phá vỡ gia đình truyền thống, chạy theo lối sống thực dụng (xấu), sống không có nề nếp. Đây có thể coi là một quá trình "nhạy cảm" trong hành trình phát triển của gia tộc - gia đình. Liên hệ với gia đình hiện nay, chúng ta cũng thấy có những biểu hiện như vậy, có ít thế hệ sống chung trong một gia đình (mái nhà), thường con cái dựng vợ, gả chồng hay "thích" ra ở riêng, tự do hơn, khỏi bị lệ thuộc vào cha mẹ, dù kinh nghiệm sống và điều kiện kinh tế (vật chất: tiền, công ăn việc làm...) của họ còn gặp vô vàn khó khăn. Hiện rất hiếm gia đình sống theo kiểu tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường và ngũ đại đồng đường lại càng hiếm hơn nữa (14). Vậy, gia tộc hiện nay phải như thế nào cho phù hợp, đang là một câu hỏi lớn và đã rất nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này.
5.2. Trong VNVHSC, cụ thể là ở Thiên thứ ba, không thể không nhắc tới phong tục. Vì nó biểu hiện những nét văn hóa hết sức sinh động và cụ thể, như ăn uống, ăn trầu, hút thuốc lào, quần áo, để tóc, nhuộm răng,... Những phong tục ấy hiện nay, chúng ta vẫn còn thấy ra hiện diện trong cuộc sống này. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó nó đã được giản lược, hoặc tự nhiên mất để song hành - phù hợp với đời sống mới, ví như nhuộm răng không còn nữa, tục ăn trầu có vẻ cũng đang dần mất đi, chỉ còn là hình thức trong cưới xin (15).
Những phong tục được GS. Đào Duy Anh nêu ra là hết sức thiết thực, cho chúng ta biết được những việc làm của người xưa - ông cha chúng ta. Điều quan trọng hơn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì đây là nguồn tư liệu quý giá, phải đặc biệt chú ý. Trong xu hướng giữ gìn, phục hồi các giá trị văn hoá, nhất là văn hoá truyền thống, văn hoá phi vật thể, đây cũng là cứ liệu để chúng ta biết làm thế nào cho đúng. Lấy ví dụ về hôn nhân, "Theo sách xưa thì việc hôn nhân có sáu lễ", gồm: lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh. "Trong sáu lễ ấy ở nước ta thường giảm bớt và chỉ dùng ba lễ là; Lễ giạm hay lễ vấn danh, lễ hỏi hay lễ nạp tệ và lễ thân nghinh hay là rước râu". Sự giảm lược ấy là hết sức phù hợp trong đời sống mới cần phải học tập (16). Thiết nghĩ, việc cưới xin là hết sức trọng đại của đời người, chúng ta không nên làm qua quýt, nhưng cũng không nên tổ chức quá linh đình.
Qua nội dung này, bất luận là phong tục tập quán gì cũng cần phải cân nhắc, giữ gìn và kế thừa một cách hợp lý, chứ không phải cứ cái gì là phong tục tập quán xưa cũ, chúng ta cũng bê nguyên vào cuộc sống hôm nay là một điều nên tránh, và như thế, chúng ta không phải là những người nghiên cứu về văn hoá đúng nghĩa.
6. Ở Thiên thứ tư: Tri thức sinh hoạt có thể phân định thành hai mảng (17): mảng thứ nhất là tôn giáo, bao gồm nho học, phật học, lão học; mảng thứ hai là văn học nghệ thuật, gồm ngôn ngữ, giáo dục, nghệ thuật, khoa học,...
Như chúng ta đã biết, "văn hoá là một hệ thống được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi thành tố mang những đặc điểm chung của văn hoá, nhưng mỗi thành tố cũng lại có những đặc điểm riêng” (18). Những vấn đề ở thiên này, GS. Đào Duy Anh trình bày một cách tổng quát, lịch sử từng vấn đề mà chúng ta dễ dàng nhận ra (bắt nguồn từ đâu, có ở đời nào...), cung cấp nguồn tư liệu rất bổ ích như về các bậc học của giáo dục, văn học nghệ thuật, và rất thú vị là về các phương thuật, như phép phong thuỷ, bốc phệ, phép xem số xem tướng, các phép chiêm đoán.
Về tôn giáo mà nói, nước ta đa thần giáo nên nghiên cứu về tôn giáo thực tế là một đòi hỏi cần phải được quan tâm đúng mức, vì nó có mối "quan hệ" với các thành tố văn hoá khác. Nắm chắc, hiểu về tôn giáo cho phép ta có sự tiếp cận nghiên cứu văn hoá được hoàn thiện hơn, và cũng qua đó chỉ ra những hành động sai trái, lợi dụng tôn giáo để trục lợi cá nhân (19). Mặt khác, cũng qua nghiên cứu chúng ta "chỉ mặt vạch tên" những dạng mê tín dị đoan đang có chiều hướng gia tăng, “buôn thánh bán thần” núp bóng trong việc phục hồi các lễ hội.
7. Cuốn VNVHSC của GS. Đào Duy Anh có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Với bút pháp điêu luyện nhưng trong sáng, dung dị, làm cho độc giả dễ dàng đi vào tác phẩm của ông một cách thú vị. Ông đã cung cấp nhiều tư liệu quý, hữu ích cho những nhà nghiên cứu văn hoá sử Việt Nam, dân tộc học và xã hội học. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những vấn đề chưa thể tất mà chúng tôi đã trình bày rải rác ở trên, nếu đặt trong hoàn cảnh hiện nay về mặt khoa học mà nói, theo chúng tôi có một số vấn đề không còn phù hợp nữa, ví như cách trình bày nội dung, ngôn từ sử dụng trong sách, hoặc giả cũng có chỗ khiên cưỡng, như những năm 1930 khi cách mạng đang rất sục sôi, lan rộng từ nông thôn đến thành thị, nhưng ông chỉ nhìn nhận "xã hội vẫn thường êm đềm lặng lẽ, trật tự chỉnh tề”, và người dân dưới sự áp bức bóc lột, tuy có biến động nhưng chỉ “cựa quậy” mà thôi. Dù sao mục đích của cuốn sách "cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, để giúp cho những nhà nghiên cứu văn hoá sử đỡ công tìm kiếm", đã vượt quá sự mong đợi của thế hệ hậu sinh (20).
8. Với vài suy nghĩ nhân đọc cuốn VNVHSC của GS. Đào Duy Anh, chúng tôi không có tham vọng phân tích chi tiết từng đề mục, tiểu mục, mà chỉ chọn lựa phân tích sâu về một vấn đề mà bản thân thích thú và thông qua đó để hiểu các vấn đề khác một cách toàn diện. Thực tế, đó là những ý nghĩa chủ quan, do thời gian và trình độ có hạn, chắc chắn bài viết không tránh khỏi sai sót, nhất là về lỗi nhận định.
Nguyễn Xuân Phước
Chú thích
(1) Để tiện cho việc thống kê, chúng tôi tạm phân chia theo đề mục và trong đề mục là các tiểu mục. Thiên thứ nhất: 5 đề mục (từ trang 11 đến trang 40), Thiên thứ hai: 8 đề mục với 12 tiểu mục (từ trang 41 đến trang 116), Thiên thứ ba: 6 đề mục với 41 tiểu mục (từ trang 117 đến trang 271), Thiên thứ tư: 13 đề mục (từ trang 272 đến trang 376) và Thiên thứ năm: Tổng luận (từ trang 377 đến trang 406).
(2) Xin nhấn mạnh những từ được in đậm, vì những từ này tự bản thân đã nói lên nội dung mà nó truyền tải.
(3) Xem các đề mục, tiểu mục trong cuốn "Hành trình văn hoá Việt Nam (giải yếu) của GS. Đặng Đức Siêu, NXB Lao động, Hà Nội, 2002. Theo suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, không rõ tác giả có học hỏi cuốn “Việt Nam văn hoá sử cương” của GS. Đào Duy Anh hay không, tuy kết cấu có khác đôi chút, song về cơ bản là men dựa theo bố cục "Việt Nam Văn hoá sử cương" của Đào Duy Anh. Nếu nhận định này là sai, rất mong nhận được ở GS. Đặng Đức Siêu sự lượng tình tha thứ.
(4) Với 406 trang (khổ 13x19cm) cuối trang rải đều chú thích trong cuốn sách là một sự cẩn trọng và rất đáng khâm phục. Những chú thích ấy cũng có thể đã được coi là một công trình khoa học. Từ đó mới thấy, chuẩn bị tài liệu, trích dẫn các tác phẩm hoặc diễn giải theo sự hiểu biết là hết sức quan trọng, vừa là căn cứ, vừa là lịch sử nghiên cứu vấn đề, và từ đó làm tăng thêm sức thuyết phục, giá trị của cuốn sách.
Ở đây, xin lấy vài ví dụ (không phải so sánh), về tầm quan trọng của việc chú thích này. Cuốn "Hành trình văn hoá Việt Nam" (giản yếu) của GS. Đặng Đức Siêu (490 trang, khổ 14,5x20,5cm), tác giả thống kê được 86 chú thích; cuốn "Cơ sở văn hoá Việt Nam" của GS. Trần Quốc Vượng (Chủ biên), (288 trang, khổ 14,5x20,5cm), có 130 chú thích; cuốn "Hương ước hồn quê" của Toan ánh (434 trang, khổ 14,5x20,5cm): 86 chú thích.
(5) Ý thơ Đại cáo Bình ngô của Nguyễn Trãi.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.3, tr.431.
(7) Ý thơ của Tố Hữu.
(8) Trước những năm 1975, khi Tổ quốc chưa thống nhất (tạm phân chia như thế), VNVHSC là một tài liệu khoa học của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá sử nước ta. Một thời - được nhắc ở đây chỉ mang tính ước lệ, theo thiển ý của chúng tôi, khi miền Nam chưa được giải phóng, các tài liệu về văn hoá sử miền Nam là tương đối hạn hẹp và nhiều lý do khác như đã nêu (chưa có nhiều phát hiện về khảo cổ học), thì VNVHSC có tầm quan trọng hơn so với nay. Nói thế không có nghĩa phủ nhận giá trị của VNVHSC, mà hiện nay VNVHSC mang tính chất tham khảo nhiều hơn là làm luận cứ khoa học.
(9) Và có lẽ, đây là một điều rất hiếm so với sách viết ở dạng này. Trong cuốn "Văn minh Việt Nam" của GS. Nguyễn Văn Huyên cũng có đề cập đến, còn lại một số tác phẩm sau này viết về lịch sử văn hoá Việt Nam, có nói về cư dân nói chung, mà không đi vào đặc tả chi tiết đặc điểm khí chất của người Việt Nam như thế.
(10) Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.15.
(11) Ý bài giảng Lịch sử văn hoá Việt Nam cho chương trình đào tạo thạc sĩ của TS. Nguyễn Chí Bền.
(12) Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Số điểm động, tr.35.
(13) Với chúng tôi (đang học Lịch sử Văn hoá Việt Nam), thì ở Thiên thứ ba quả thật, nội dung của cuốn sách đem lại vô cùng lớn lao trong quá trình học tập, nghiên cứu và vận dụng vào điều kiện công tác thực tiễn của bản thân, để từ đó có những ý tưởng, hướng nghiên cứu có hiệu quả, thiết thực.
(14) Theo chúng tôi được biết, gia đình GS. Vũ Ngọc Khánh hiện đang sống ở Hà Nội vẫn duy trì (theo GS. Vũ Ngọc Khánh nói là cố duy trì) 4 thế hệ sống chung trong một mái nhà, đặc biệt được các thành viên trong gia đình - kể cả những người trẻ tuổi, hết sức ủng hộ và thiết tha muốn được sống như thế.
(15) Ở nông thôn, các ông già bà lão vẫn còn ăn trầu, nhưng không còn nhiều nữa. Ở thành thị lại càng hiếm. Những đám cưới vẫn có trầu cau (để ăn hỏi - cưới: “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đấy là nói xưa), ngày nay chỉ trưng theo phong tục - hình thức chứ không mấy ai ăn, nhất là lớp trẻ lại càng không. Trong Hội Lim (Bắc Ninh), các liền anh liền chị vẫn mời trầu nhau rất tình tứ, xem ra cũng không mấy người tha thiết với nó. Liệu tục ăn trầu có phai nhạt không?.
(16) Một số gia đình, hoặc một số nơi hiện nay, như Huế việc cưới xin là hết sức nặng nề, phục hồi lại sáu lễ rất rườm rà, tốn kém tiền của và tốn thời gian. Có gia đình còn thách cưới rất cao, do vậy một số đôi vợ chồng sau khi cưới nhau xong "gù lưng trả nợ", thế mới có chuyện "Xếp hạng lấy vợ” là vậy.
Cũng xin nói thêm, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương thực hiện đời sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhưng xem ra như ở Hà Nội, việc cưới tổ chức linh đình, "mâm cao cỗ đầy" là đang rất phổ biến.
(17) Ở đây gọi là mảng là tác giả tự khu biệt để dễ tiếp cận trong quá trình phân tích, đánh giá chứ không có ý nghĩa gì.
(18) Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Số điểm động, tr.73
(19) Đảng và Nhà nước ta chủ trương tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta, như mấy năm gần đây ở Tây Nguyên, bọn phản động đột lốt tôn giáo với cái gọi là "Tin lành Đêga" nhằm lôi kéo, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đã - đang bị lên án kịch liệt.
(20) Chúng tôi có trong tay bản VNVHSC của GS. Đào Duy Anh, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002, rất tiếc là sau mỗi thiên không có mục Tài liệu tham khảo. Được biết một số bản xuất bản trước đây và theo bản gốc của GS. Đào Duy Anh là có mục tài liệu tham khảo, do đó đây cũng là sự đánh giá chưa hoàn chỉnh, là một thiếu sót của tác giả.