Môi trường sống và nhân cách

Tôi trộm nghĩ môi trường sống tác động lớn đến đứa trẻ. Nếu trẻ em sống trong sự phê phán, chì chiết của bố mẹ chúng sẽ học cách đối phó lời chỉ trích. Một thời gian chúng sẽ tự hình thành nên một thói quen như kiểu phản xạ tự nhiên để phản vệ, lâu dần chúng sẽ không nghe lời và tìm những lời nói cãi lại, chúng không ngoan.

gia-dinh-1640745704.jpg 

 

 

  Tôi là cậu bé sống trong môi trường thiếu tình thương yêu của người cha, mẹ tôi vừa làm mẹ vừa làm cha để giáo dục con cái, mẹ giàu tình thương và chăm chút chúng tôi, dù nhà nghèo nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh tất cả để nuôi con ăn học và luôn giáo dục chúng tôi có bề thế nề nếp, mẹ thường nói với chúng tôi một câu cửa miệng mỗi lần chúng tôi phạm lỗi (đừng để thiên hạ nói con không có cha như nhà không nóc), mỗi lần như thế mẹ khóc ấm ức. Vì vậy chúng tôi vâng lời mẹ từ nhỏ, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều ngoan và chí thú học hành.

   Nhưng thiếu bóng người cha giáo dục nên từ nhỏ tôi và hai em gái không được mạnh mẽ mà ngược lại rất nhút nhát rụt rè chẳng mạnh mẽ xốc vác huyênh hoang mạnh mẽ tự tin như những người có bố, vì hầu như người bố tạo nên sức mạnh tinh thần cho đứa con như một chỉ dựa vững chắc (nhiều đứa trẻ khi thất thế thì thường nói cái câu: tau về thì mách bố tau). Tầm ảnh hưởng của người bố rất lớn đến tư tưởng và nhân cách của một đứa trẻ.

  Rồi lớn lên học hỏi ngoài xã hội và chúng tôi cũng kịp tự tin để phấn đấu vươn lên, nhưng dù cố gắng thế nào thì vẫn có một sự thiếu hụt đoái mong chẳng thể nào bù đắp nổi. Đó là sự thật mà nhiều nhà tâm lý học cũng đã có nghiên cứu kết luận như vậy, chúng tôi không có đứa nào trầm cảm là may mắn lắm rồi.

   Tôi trộm nghĩ môi trường sống tác động lớn đến đứa trẻ. Nếu trẻ em sống trong sự phê phán, chì chiết của bố mẹ chúng sẽ học cách đối phó lời chỉ trích. Một thời gian chúng sẽ tự hình thành nên một thói quen như kiểu phản xạ tự nhiên để phản vệ, lâu dần chúng sẽ không nghe lời và tìm những lời nói cãi lại, chúng không ngoan.

    Nếu trẻ em sống trong sự thù nghịch, giũa các thành viên xung quanh mình, rồi từ từ chúng thấy được những nụ cười kẻ mạnh, sự tôn sùng kẻ mạnh và ý nghĩa của sức mạnh với sự yếu hèn, thấy giọt nước mắt kẻ yếu tức tưởi ấm ức, tâm lý trẻ em sẽ hình thành nhận thức sự hơn thua.

   Đặc trẻ em sống trong sợ hãi, chúng sẽ học lo sợ. Trẻ em sống trong sự thương hại, chúng sẽ cảm thấy thương bản thân. Bởi vậy về trách nhiệm của một người làm cha làm mẹ mà nói thì đầu tiên phải là một tấm gương phản chiếu để con cái nhìn vào, phản ánh nội tâm đẹp đầy ấm áp yêu thương, lịch thiệp mẫn cán mẫu mực, đúng cách cho con cái nói theo. Gia đình nào mà bố mẹ nhân hậu thì đa số con cái biết điều lễ độ và ngoan. Gia đình nào lục đục, sống ích kỷ nhỏ nhen thì con cái nó cũng học tính cách ấy, lớn lên ra đời nó cũng mang cái ích kỷ ấy mà hẹp hòi với bạn bè, sống cho bản thân, ít nghĩ về người khác, không thân thiện, ít thiện cảm, đứa trẻ sẽ sống khéo mình. Đứa trẻ như một tờ giấy trắng, người lớn hãy viết lên tờ giấy nét đẹp của một tâm hồn.

   Nên do đó, điều mấu chốt đối với bố mẹ và các nhà giáo dục là tạo ra một môi trường mà trẻ em được nuôi dưỡng tích cực.

Hãy trẻ em sống trong niềm khích lệ, Minh Tuấn nhà tôi là một cậu bé hiếu động thông minh, đối với tôi mà nói do quá yêu thương con nên nếu quá khen con thì mọi người cũng đừng cười mĩa! Vì sự thật là chưa vào giờ tôi đánh mắng la hét nạt nộ con, nói chuyện với con như một người bạn vậy, rất tôn trọng và gợi mở, mỗi lần con có thành tích học tập hay trong các trò chơi thể thao tôi đều khích lệ, lời khen cũng có chừng mực với con, chưa bao giờ tôi quá khen, bởi vì tâm lý trẻ, khi mình khen tâng bốc thì chúng tự mãn và tự cao.

  Mọi sự khích lệ đúng đắn, đặc biệt phê bình con một cách gượng nhẹ để chúng nó tự hiểu biết nhận thức đúng sai chúng sẽ tin tưởng bố mẹ và sẽ trao đổi nhiều thông tin hơn với người lớn. Con sẽ tạo nên lòng cảm kích, sẽ học yêu thích bản thân, học được rằng đặt mục tiêu là điều nên làm.

   Có một vài lần chở con sau xe máy đi trên đường, thấy một cụ bà lưng còng dáng nhỏ thó mang chiếc áo mưa rách nát, đầu đội chiếc nón cũ kĩ màu đã nâu xạm lại, bà cụ đang nhặt những chiếc vỏ lon bia và chai lọ nhựa ai vứt bên đường, nhìn thấy cảnh xem chừng nghèo khó vất vả rách rưới nhếch nhác. Tuấn nói với tôi “bố ơi con của bà ấy đâu mà để bà cô đơn tủi buồn như vậy?” Tôi mới biết đứa trẻ sống trong yêu thương sẽ giàu lòng trắc ẩn biết sống chia sẻ, hào phóng, sống độ lượng.

Lại có khi thấy đàn gà con vừa mới nở vài ngày đứa nào đó vào bắt trộm mất gà mẹ, những chú gà con chiêm chiếp chạy khắp nơi, Tuấn đã quây một vòng lưới vừa vặn đủ cho mấy con gà ở, che mái lên cho khỏi mưa, đi học về là ra cho gà con ăn, chăm chút đàn gà con như một chuyên gia thú y vậy, chẳng biết tình yêu thương đủ ấm áp ra sao mà cả mấy chú gà con đều sống sót khỏe mạnh, như một phép tiên vậy.

  Tôi luôn dạy con sự tử tế lịch thiệp công bằng, và Tuấn học sự công bằng cương trực, độc lập trong nhận thức trong cách nghĩ, nhìn nhận một vấn đề mang tính khách quan không thiên vị nặng nhẹ, trong lớp các bạn đều thích tính ấy và bạn nào cũng quý Tuấn. Thấy tôi hay cười và bắt chuyện với mọi người kể cả người lạ người quen, con tôi cũng học theo tính ấy và tự thấy rất tự tin mọi lúc mọi nơi. Tôi biết trẻ em sống trong sự thân thiện, chúng sẽ thấy thế giới này là nơi đáng sống.

   Mỗi người có một môi trường sống bạn sẽ biết được tuổi thơ của mình và mọi người như thế nào. Trường học và sách vở sẽ giáo dục nhân cách đạo đức của mỗi con người, môi trường giáo dục xã hội có tầm ảnh hưởng đến nhân cách phẩm chất đạo đức của con người. Nhưng vấn đề nấu chốt nhất vẫn là gia đình, vì từ rất sớm đứa trẻ đã được nhìn thấy đã cảm nhận được những điều tốt đẹp trong gia đình, tình yêu thương sẽ nâng tâm hồn lớn dậy, tình yêu thương sẽ ủ ấm cho những hạt mầm nhân cách phát triển, đạo đực, phẩm hạnh của mỗi người đều nặng tính giáo dục từ gia đình. Vì vậy đừng chỉ trích tính cách của một ai đó trong họ hiện tại mà hãy hiểu cho họ.