Món ngon Việt Nam hấp dẫn bạn bè quốc tế

Ẩm thực Việt Nam được du khách đánh giá cao bởi tính đa dạng, tinh tế, bổ dưỡng, tươi ngon, là một trong những điểm nhấn của các chương trình du lịch.


Trải nghiệm thú vị 

Đến từ đất nước Tây Ban Nha, ông bà Begonia Remon, sau khi đi tham quan cồn Sơn (Cần Thơ) đã cùng trải nghiệm quá trình làm bánh kẹp cuốn theo lời giới thiệu của người bạn tại không gian ẩm thực mang đậm chất vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Lớp học nấu ăn dành cho du khách quốc tế.


Hướng dẫn bà Begonia Remon cách nướng bánh, chị Phan Kim Ngân (thường gọi là Bảy Muôn), chủ nhà vườn Công Minh cho biết, nghề làm bánh của gia đình có từ hơn 50 năm trước, chủ yếu phục vụ người dân trong vùng. “Từ khi phát triển du lịch cộng đồng tại cồn Sơn cách đây 3 năm, chúng tôi đã giới thiệu phương pháp làm bánh truyền thống tới du khách. Từ khâu làm bột, pha chế, tới nướng bánh rồi thưởng thức, khách được hòa mình vào đời sống thôn dã nơi đây. Khách thích nhất là làm bánh truyền thống như bánh kẹp cuốn, bánh lá mít, bánh khoai mì… ”, chị Bảy Muôn chia sẻ.

“Sau khi tham quan các bè cá và nhà vườn, ẩm thực dân dã là điểm ấn tượng nhất trong hành trình tour ra cồn Sơn vì chúng tôi được hiểu hơn về cuộc sống người dân. Các món ăn cũng đơn giản nhưng rất ngon, nhất là trong khung cảnh sông nước”, bà Begonia Remon phát biểu cảm nhận của mình.

Đến miền Bắc vào dịp cận Tết, vợ chồng ông John Reances Trott (Australia) lại ấn tượng với các món ăn đường phố Hà Nội. Trên hành trình dọc phố cổ, nhóm khách đi cùng vợ chồng John Reances Trott thưởng thức các món ăn đường phố như nộm, phở, bánh mì…

Thích thú với ẩm thực Hà Nội, vợ chồng ông John Reances Trott tham gia chương trình thưởng thức mâm cỗ Tết Việt tại nhà hàng Viet Kitchen. Ông John Reances Trott vui vẻ nhận xét: “Tôi thật sự ấn tượng  khi tham gia làm món nem. Dù đã thưởng thức món nem từ các nhà hàng bên Australia nhưng cách chuẩn bị các nguyên liệu, hương liệu khiến đã giúp tôi có thể hiểu hơn về cách làm, nhất là các gia vị tươi mua tại chợ. Từ lớp học này, tôi sẽ luyện tập thêm để có thể tự làm món nem tại gia đình”.

Những người làm du lịch Việt Nam khá nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu về các món ăn Việt Nam. Phổ biến nhất là loại hình tour ẩm thực. Các đơn vị lữ hành và nhà hàng kết hợp tạo dựng tour ẩm thực chuyên biệt “cooking class”. Đây là mô hình khách đi chợ cùng đầu bếp, học làm món ăn và cách thưởng thức đúng vị. “Mô hình du lịch này xuất hiện tại Việt Nam trên 20 năm và rất phổ biến tại Hội An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam cho biết. Với nhiều du khách, khi chưa có thời gian để học nấu ăn thì các

chương trình khám phá phố ẩm thực “Food street” luôn là những trải nghiệm về văn hóa bản địa thú vị. “Phố ẩm thực rất cần sự quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương bởi liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hình ảnh điểm đến”, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn, nhà hàng Việt Nam đề nghị.

Tạo thành thương hiệu

 Hiện nay, tại các thành phố du lịch lớn đều xuất hiện xu hướng hình thành các tuyến phố ẩm thực dựa trên nhu cầu thưởng thức ẩm thực bản địa của du khách. Các điểm đến có thể hình thành tự phát nhưng cũng có điểm được hình thành dựa trên quy hoạch các tuyến phố đi bộ hoặc chợ đêm.


Phố ẩm thực Tạ Hiện (Hà Nội).


Qua nhiều chương trình sự kiện bình chọn, các món ăn truyền thống của Việt Nam như: phở, bún chả, nem… đã được bạn bè quốc tế công nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Hình ảnh các vị nguyên thủ nhiều quốc gia đến Việt Nam thưởng thức ẩm thực đã góp phần làm ẩm thực nước ta ngày nổi tiếng hơn, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến ăn phở ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay Tổng thống Obama thưởng thức bún chả ở Hà Nội.

“Dù ẩm thực Việt Nam được biết đến từ lâu nhưng để thành thương hiệu thu hút khách thì lại mới ở giai đoạn bắt đầu, bởi liên quan nhiều yếu tố như xúc tiến quảng bá, nhân lực, đầu tư kinh doanh…”, ông Nguyễn Thường Quân nhận định.

Để quảng bá ẩm thực Việt Nam, ngành du lịch và ngành ngoại giao đã có chương trình hơp tác quảng bá ngoại giao ẩm thực. Tại các sự kiện ngoại giao, các chương trình ẩm thực do đầu bếp Việt Nam thực hiện giới thiệu các món ăn đặc trưng của Việt Nam. Đơn cử như tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019, một loạt món ăn đặc sắc của Hà Nội đã được giới thiệu với các nhà báo quốc tế.

Thông qua hàng triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam, ẩm thực Việt Nam cũng đã lan toả tới các nước trên thế giới. “Tuy nhiên, để có những quán ăn nổi tiếng của Việt Nam là cả quá trình về đầu tư thương hiệu, vốn, liên kết chuỗi. Để món ngon trở thành thương hiệu có tính lan tỏa phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự góp sức từ Nhà nước, nỗ lực của doanh nghiệp và cả những nghệ nhân đầu bếp”, ông Nguyễn Thường Quân phân tích.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận: “Ngành du lịch sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng bá xúc tiến ẩm thực để tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến. Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26 vào tháng 10/2019, Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Giải thưởng cho thấy nghệ thuật ẩm thực nước ta ngày càng khẳng định sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Đây là cơ sở để Việt Nam xây dựng chiến lược quảng bá ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch độc đáo”.