Một bài thơ hóm hỉnh

Phó Giáo sư toán học, Nhà thơ Đặng Hấn là một tên tuổi quen thuộc với người yêu thơ. Tập thơ "Sài Gòn và bé" của anh từng được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999. Trong đời thường anh là một người thông minh, hóm hỉnh. Tôi cũng rất thích đặc điểm này trong thơ anh.

 

 

Đơn cử như bài thơ DẶN VỢ:

 

Nhớ lo cơm dẻo , canh ngon

Nhớ canh giờ để đưa con tới trường

Anh đi ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG

Để nghe người nọ xem thường người kia!

 

Cả bài thơ là lời dặn vợ của anh chồng nhà văn trước khi rời nhà:

Nhớ lo cơm dẻo, canh ngon

Nhớ canh giờ để đưa con tới trường

Lời dặn cho thấy người vợ sẽ phải làm những công việc hàng ngày bình thường, bé nhỏ là lo cơm dẻo, canh ngon, đưa con tới trường…Giọng điệu dặn dò có phần "kẻ cả" chuẩn bị cho người đọc một tâm thế để nghe anh ta nói đến công việc quan trọng khi vắng nhà. Mà quan trọng thật: đi ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG với một nhóm những người đồng nghiệp – các văn nhân, thi nhân.

ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG là những từ Hán Việt có sắc thái trang trọng càng làm cho người ta có cảm nghĩ đó. Xưa nay, khi nghĩ tới văn nhân, thi nhân người ta thường nghĩ đó là những người tài hoa, lịch lãm: "Văn chương nết đất, thông minh tính trời" như chàng Kim Trọng trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và sinh hoạt văn chương là nơi đầy tính văn hoá, nơi họ nói những lời "tú khẩu, cẩm tâm", trân trọng, biểu dương tài năng lẫn nhau hoặc là nơi bàn đến những vấn đề văn chương bổ ích.

Thật bất ngờ là câu cuối của bài thơ thông báo cái mục đích của cuộc sinh hoạt văn chương này:" Để nghe người nọ xem thường người kia!".Thì ra cái cuộc đàm đạo văn chương tưởng là đầy ý nghĩa và rất quan trọng kia hoá ra lại rất tầm thường, vô vị, đáng chán. Ta hình dung người vợ ngoan hiền sẽ tròn mắt ngạc nhiên với câu hỏi trong lòng: "Chả lẽ nào lại thế!".

Theo cách đọc của tôi thì riêng câu này anh chồng văn nhân mỉm cười, tự nói với mình vì biết tỏng tình trạng của đa số các cuộc gặp mặt là như thế, nhất là khi có rượu bia làm xúc tác.

Bài thơ nhỏ mà hóm hỉnh, tinh quái.

Người xưa có câu: "Tự kỷ văn chương, tha nhân lão bà", nói nôm ra là "Văn mình, vợ người". Có người còn bẻ thành thơ:

Xưa nay trong cõi thường tình

Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay!

Không ở đâu yếu tố cá nhân lại quan trọng như trong lĩnh vực văn chương. Có thể nói không có cái tôi cũng sẽ không có văn chương, nghệ thuật. Mặt trái của nó là dễ dẫn đến chủ quan, chỉ thấy mình mà thôi. "Văn nhân tương khinh" là tâm lý thường tình ngăn cản những người trong giới cầm bút trân trọng lẫn nhau. Vì vậy mới nảy sinh nhu cầu có tri âm, tri kỷ.