Một cây bút có nhiều triển vọng

Sở trường của Nguyễn Sinh (NS) là sáng tác thơ nên hầu hết trang cá nhân hoặc ở các nhóm tham gia đều là những bài thơ rất hay, chiếm được cảm tình của nhiều độc giả, điều đó khiến bản thân tôi là một người không hề có năng khiếu về thơ cũng dần trở nên hiếu kỳ khi tiếp cận với thơ.

272444658-122263053648171-6191812019321197963-n-1643094397.jpgVợ chồng Nguyễn Sinh và cháu ngoại 3 tháng tuổi

Tôi được biết Nguyễn Sinh (NS) trên trang Facebooks, thông qua bài tùy bút "Giọt nắng long lanh". Bài viết đã qua mấy ngày chưa có một like hoặc còm, tôi thử đọc bằng hết và còm: "Tôi rất trân trọng sự quan sát tinh tế của bạn...". Không ngờ tiếp theo là hàng loạt lời còm tương tự.

Sở trường của NS là sáng tác thơ nên hầu hết trang cá nhân hoặc ở các nhóm tham gia đều là những bài thơ rất hay, chiếm được cảm tình của nhiều độc giả, điều đó khiến bản thân tôi là một người không hề có năng khiếu về thơ cũng dần trở nên hiếu kỳ khi tiếp cận với thơ. Sau một thời gian, NS sáng tác truyện ngắn, hầu như song hành cùng với các bài thơ bạn ấy đăng đều đặn. Theo thời gian, tôi được biết độc giả đã có chiều hướng thật sự ngưỡng mộ tác giả, số lượng người chia sẻ với những lời còm đã thể hiện điều này rất đậm nét.

Cho đến một lần, trong một truyện ngắn, không hiểu sao NS viết với nội dung và cái kết không được ổn. Thế là theo bản năng của một người có cùng đam mê và đồng cảm, tôi đã không thể không chia sẻ những gì hướng đến sự hoàn thiện - mặc dù biết có thể sẽ đụng chạm đến cái tôi của người khác và hệ lụy sẽ dẫn đến là gì.

Cứ thế, hai chị em thường xuyên trao đổi với nhau về việc viết lách trong phạm vi "gia đình" rất thẳng thắn, chân tình và cởi mở. Cho đến sáng nay, khi bất chợt mở Zalo, tôi còn chưa hiểu được gì qua giọng nói trực tiếp của NS - giọng nói của người ở một miền mang tính đặc trưng, thường không có dấu. Sau giây lát tôi mới nhận ra tác giả của những bài thơ và truyện ngắn khi được trực tiếp nhin thấy mặt. NS đã bộc bạch tâm sự với tôi về gia cảnh của mình, em đã không kìm nén được cảm xúc, và đã kể lại với tôi trong nghẹn ngào xúc động khi thương con, thương cháu mà "lực bất tòng tâm" vì điều kiện xa xôi cách trở...

NS, chỉ có một đứa con gái duy nhất, đang sinh sống ở Lâm Đồng, có một bé trai còn rất nhỏ, chồng thì làm việc xa nhà. Hai vợ chồng NS phải thay nhau vào bế cháu cho con đi dạy học. Thời gian ở nhà NS phải đóng cửa gửi hàng xóm để đi biển - một nghề có đặc thù riêng như mọi người đã biết... Tôi chưa thể đọc hết những gì NS viết, nhưng những bài thơ như "Trang đời chị tôi", "Tiếng mẹ", "Hãy múa đi em" và các truyện ngắn như" Đêm trăng buồn của người đàn bà", "Chớm xuân", "Nắng ấm đầu đông" là những ví dụ mà tôi muốn nói đến.

272622141-122263096981500-2219570487804942739-n-1643094440.jpgTác giả Nguyễn Sinh và cháu ngoại 3 tháng tuổi

Lâu nay tôi vẫn chưa tự lý giải được một điều: tại sao các bậc tiền bối về văn chương như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan.v.v họ có thể viết trong điều kiện "con cái đói khóc đòi ăn, vợ thì cằn nhằn, con nợ thì trực chờ đầu ngõ...", còn nhà văn Phùng Quán - trong những giờ phút cuối của cuộc đời, vẫn cầm bút viết trong tư thế nằm ngửa... còn với NS - những ngày lênh đênh trên biển, hoặc nằm nhà do biến động, nỗi niềm nhớ vợ, thương con và cháu phải kìm nén chặt tận đáy lòng, có phải chăng để rồi trút cảm xúc xuống trang giấy, cho ra đời những bài thơ, những truyện ngắn làm mê hoặc lòng người...

NS còn bộc bạch với tôi: "Em chỉ mới học xong lớp 7, đi lính và rồi sự vất vả của cuộc đời đi khơi, đi lộng đã khiến em bật ra cảm xúc và cầm bút viết...". Tôi có cảm giác - dù là thơ hay truyện ngắn, dưới ngòi bút của NS, khi cảm xúc đã dâng đầy - cứ thế mà tuôn chảy. Còn dĩ nhiên, đối với người cầm bút, để có được những đứa con tinh thần có thể thuyết phục được độc giả, điều không thể thiếu đó là vốn sống, cái Tâm và nguồn cảm xúc... Bây giờ thì tôi đã vỡ lẽ ra: tất cả còn phải được bắt nguồn từ lòng đam mê không mệt mỏi và không biên giới.

Ngày 23/1/2022.

 

Chuyện Làng quê