Một loài mai có hoa chiếu thuỷ!

Xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Nhà báo Vương Xuân Nguyên về tác phẩm Mai Chiếu Thủ của Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường (Hải Phòng).

Trong làng Sinh Vật Cảnh thi thoảng lại xuất hiện những tác phẩm mới Độc - Đẹp - Lạ. Có những tác phẩm dù là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng yêu môn nghệ thuật giàu bản sắc này đã chiếm được cảm tình của người xem.

Một trong những tác phẩm chúng tôi muốn nhắc đến là tác phẩm Mai Chiếu Thủy của Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường (Trường Em) ở Đất Cảng.

315269734-798905771400450-5409715232431853484-n-1668169413.jpg

Mai Chiếu Thuỷ còn có tên gọi khác là Mai chấn thủy hay Mai trúc thủy có tên khoa học là Wrightia religiosa (Teijsm. et Binn.) Hook.f., thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).

Tác phẩm trên nổi bật với những thông số ấn tượng: Cao 1,8m, lộ thân 1,2m; Vanh gốc trên 100cm; Tán rộng 1,7m; Tuổi thọ trên 100 năm; Da trắng mốc...

Mới nghe chủ nhân của tác phẩm này trầm trồ miêu tả về sự cuốn hút của tác phẩm này với anh ta ngay từ cái nhìn đầu tiên cũng đủ để thấy niềm đam mê của anh với cây cảnh nghệ thuật lớn đến nhường nào. Anh như thể bị mê hoặc mà "quên sạch sành sanh" tất cả những hình ảnh cây cảnh đẹp mà mình dày công sưu tầm, tạo tác bấy lâu nay khi giây phút đầu tiên được nhìn thấy tác phẩm Mai Chiếu Thủy dáng trực quân tử mà từ bệ, thân, cành, dăm, chi, lá đều "mịn tít tìn tịt". Chính giây phút đó giúp anh hiểu và cảm nhận rõ hơn tại sao danh sĩ Bắc Hà Cao Bá Quát xưa với khí phách anh hùng siêu bạt khắp thiên hạ lại phải cúi đầu bái lại trước vẻ đẹp kiêu sa kiều diễm hoa mai trắng thể hiện trong một câu thơ nổi tiếng:

"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"

Với nhiều người mới nghe danh xưng của loài cây hoa này đã tự đặt cho mình câu hỏi; "Tại sao lại gọi loài hoa màu trắng tinh khiết, hương thơm dịu mát này là Mai Chiếu Thủy"?

Bạn Tịnh Mai, một người yêu Mai Chiếu Thủy đã chia sẻ cảm nhận của mình về loài hoa độc đáo này gây được sự chú ý của nhiều người: " Đây là loài hoa khiêm nhường, hiền lành, kín đáo, nhưng cũng rất khí phách, kiên cường. Với các loài Mai khác, chúng chỉ nở vào những ngày xuân rồi sau đó tàn lụi mùa hoa. Mai chiếu thủy thì khác nó nở quanh năm. Nếu như trong một chùm có chục nụ, thì nụ này nở và chưa kịp tàn, nụ kia đã tiếp khoe sắc cứ thế cho đến bông cuối cùng. Mùi hương thoang thoảng trong gió ban mai, trong sương đêm thật dễ chịu. Mùi hương của Mai chiếu thủy khi nở lan trong không gian, lúc ẩn, lúc hiện làm cho ta bất chợt nhận ra, phải nghiêng ngó kiếm tìm. Men theo mùi hương ta đến và thấy, lòng chợt dâng lên sự mến thương bởi vẻ đẹp yếu đuối, tao nhã của hoa Mai chiếu thủy. Nó khiến ta muốn nâng niu, đặt nhẹ trên lòng bàn tay.

Mai chiêu thủy đem lại cho người gần nó cảm giác bình an, yên tĩnh và êm dịu nhờ mùi hương nhẹ nhàng, mềm mại nhưng thanh tao của nó. Dẫu hương thơm của Mai chiếu thủy không nồng nàn như dạ lý, không sắc sảo kiểu sử quân tử, hay cũng không đài các, kiêu sa như hương hoa nguyệt quế, thì hương Mai chiếu thủy vẫn được xem là một loài hương rất đỗi dịu dàng mà vẫn không thiếu nét quyến rũ, bâng khuâng. Khi đơm nụ cuống hoa luôn chiếu xuống đất, như muốn thu nạp khí âm của Đất mẹ, rồi một ngày khi đã tích tụ đủ đầy khí âm dương của Đất Trời, đóa Mai chiếu thủy bừng nở sắc trắng, dâng người hương thơm!"

Còn bạn Hà Tùng Sơn thì chia sẻ: "Loài hoa này trắng muốt, trắng đến tinh khôi, mỗi bông có 5 cánh nhỏ li ti, khi nở đài hoa chúc xuống đất. Nếu muốn nhìn thấy đài hoa và nhị hoa mai chiếu thủy người ta phải đặt nó trên mặt nước rồi nhìn nó qua sự phản chiếu từ mặt nước. Vì thế mà gọi là Mai chiếu thủy. Loài mai này có hương thơm gần giống hương hoa lài, ưa chịu nắng và nở quanh năm, hết lứa này ra lứa khác. Nhiều người chơi Mai chiếu thủy bảo nó cũng đỏng đảnh như mai vàng, nhưng tôi có hai cây mang từ Bình Định vô trồng trên sân thượng, chăm bón rất amateur mà vẫn thay nhau ra hoa liên tục".

Bạn Nguyễn Điện Nam lại cho rằng: "Tháng giêng gần phai, mai vàng đã rụng. Nhưng có loài mai bây giờ mới túc tắc nở: Mai chiếu thủy. Thực ra mai chiếu thủy có thể nở bốn mùa, không riêng dành cho xuân. Hoa không ngước lên trời mà cúi nhìn xuống đất, nên có khi gọi là mai chiếu thổ. Cách đặt tên của người xưa cho một loài cây, một loài hoa, không chỉ mô tả trực quan mà còn ẩn chứa nhiều suy tư về lẽ đời. Ví như cây sống đời, khi rơi một chiếc lá thì lá tự nảy mầm thành cây, thể hiện một sức sống mạnh mẽ trong vòng sinh diệt. Còn Mai chiếu thủy, cây và ngọn vươn lên trời nhưng hoa nhìn xuống đất, như một sự khiêm cung, lại thể hiện quan niệm về ngũ hành. Trong ngũ hành tương sinh thì kim sinh thủy, thủy sinh mộc… Mọi vật thể muốn phát triển cần được sự hỗ trợ, nuôi dưỡng từ những vật thể khác. Do đó, quan hệ tương sinh là biểu hiện quá trình tăng trưởng và phát triển của sự vật. Như quẻ càn, là biểu hiện của trời, có hành kim; trời sinh ra mưa để tươi nhuận vạn vật, nên thủy sinh từ trời. Trong Hậu thiên Bát quái, thủy là nguồn gốc; nếu không có thủy thì vạn vật không thể phát sinh trên trái đất. Cây lá cũng nhờ có nước mới sinh trưởng được, thủy sinh mộc là vì vậy. Và do đó, cây Mai chiếu thủy biểu hiện cách thế hướng về, nhìn về nguồn cội sinh trưởng của mình. Giới sành chơi hoa nghệ thuật còn cho rằng, mai chiếu thủy ngoài biểu trưng cho sự ổn định vững bền của dòng tộc gia chủ, còn thể hiện cốt cách của người bề trên luôn chăm lo giáo hóa con cháu".

315086663-936181134010093-3238976043403787122-n-1668169413.jpg

Chỉ một cây hoa đã cho ta biết bao cảm xúc, biết bao sự kiếm tìm và trải nghiệm trong hành trình trở về những giá trị nhân bản nhất. Lược qua một vài cảm nhận của bạn đọc về một loài Mai có hoa chiếu thủy và trở lại ngắm nhìn tác phẩm của Nghệ nhân Đất Cảng Trường Em mới thấy ở anh một con người đa cảm. Mạnh mẽ thế mà cũng dễ xúc động trước sự tinh tế của cái đẹp. Có lẽ cái đẹp nhất lại nằm ở tư thế vừa đối lập vừa thống nhất toát ra từ "thân pháp" của tác phẩm độc đáo này. Một dáng cây trực quân tử "đội trời đạp đất" vươn mình tỏa bóng hiên ngang như khí phách của cây Tùng, cây Bách trước bão táp mưa sa, giống tố của cuộc đời vẫn luôn đứng thẳng. Vậy mà những cành hoa, phần tinh túy nhất lại khiêm nhường chúc xuống đất "chiếu thủy" một cách yểu điệu mềm mại đến lạ thường.

Phải chăng vị Nghệ nhân Đất Cảng tài hoa này đã nhận ra triết lý nhân sinh về cách thế ứng xử ở đời. Người ta là hoa của đất. Sống nhờ đất rồi chết cũng trở về với đất mẹ hiền hòa, bao dung. Đất đã chắt chiu nguồn sinh lực nuôi dưỡng con người, để người trở thành những tinh hoa, thành những anh hùng, vĩ nhân…

Người ta luôn có cội nguồn của mình là đất nước, quê hương, tổ tiên, cha ông bao đời đi trước. Có lẽ nào khi ta bước lên đài vinh quang tươi sáng, mang vòng hoa chiến thắng lại không kính cẩn nghiêng mình hướng về cội nguồn, nơi từng nuôi dưỡng, bảo bọc, chở che cho mình như hình tượng nhành Mai chiều thủy sáng mãi trong tâm trí mỗi chúng ta?!

Tưởng còn có đúng một cây

Anh nên tránh đẩy lên face dân thèm!

Mai chiếu thủy của Trường Em

Hằng ngày nhộn nhịp khách xem mê hàng!

Thân cao mét tám rõ ràng

Đường vanh thân gốc được tràn một trăm

Thân cành mịn tít đầu dăm

Da vàng đốm trắng một trăm năm già

Quanh năm hương sắc điểm hoa

Bốn mùa tỏa bóng toàn gia cát tường

Cây cao bóng cả đế vương

Một lần chót ngắm yêu thương cả đời!

Về với Đất Cảng mình ơi

Ghé thăm em để bõ đời yêu cây!

 

Hải Phòng, tháng 5 năm 2017