Một số giải pháp xây dựng Nông thôn mới gắn với xây dựng Đô thị văn minh của Hà Nội

Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân, thời gian qua các huyện nằm trong kế hoạch phát triển thành quận đã bám sát các tiêu chí đô thị để thực hiện và bước đầu đạt kết quả rõ rệt.

1567758935-sinh-vat-canh-3

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội, đến nay diện mạo nông thôn huyện Đông Anh đã có nhiều thay đổi. Với nguồn vốn đầu tư hơn 7.520 tỷ đồng, huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800 km đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng; cải tạo, nâng cấp gần 120 nhà văn hóa thôn, tám trung tâm văn hóa xã. Đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng thành công một số sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như nếp cái hoa vàng Đông Anh, gỗ mỹ nghệ Vân Hà, quất cảnh Tàm Xá… Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 1,5%/năm. Bình quân thu nhập trên mỗi héc-ta đất canh tác nông nghiệp đạt 250 triệu đồng/năm. Thu nhập của người dân tăng từ 20 triệu đồng/năm vào năm 2010 lên 47 triệu đồng/năm vào cuối năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 50 triệu đồng vào cuối năm nay. 22 xã trên tổng số 23 xã đã đạt chuẩn NTM, còn lại xã Dục Tú phấn đấu về đích trong năm 2019. Nhờ những kết quả tích cực này, năm 2016 huyện Đông Anh đã vinh dự được Chính phủ công nhận danh hiệu huyện NTM.

Tại huyện Gia Lâm, với tổng nguồn vốn xây dựng NTM hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó, có khoảng 550 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách, huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227 km đường giao thông; đầu tư đồng bộ hơn 410 km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 151 điểm trường học, ba trung tâm văn hóa xã, 188 nhà văn hóa tại các thôn..., tạo sự thay đổi tích cực về hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, năm 2018 đạt gần 49 triệu đồng/năm, tăng 31 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,56%. Toàn bộ 20 xã đạt chuẩn NTM và các tiêu chí huyện NTM đã hoàn thành và hồ sơ đang trình các cơ quan Trung ương xem xét, thẩm định. Đáng chú ý, Gia Lâm đang tập trung thực hiện phong trào Nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2018 - 2020 bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để tạo sự thay đổi nhận thức của người dân như duy trì tổng vệ sinh môi trường, thực hiện “Ngày chủ nhật xanh”. Các hộ dân ký cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, thành lập 153 tổ liên gia, tổ tình nguyện vệ sinh môi trường cấp thôn; 32 câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường cấp xã; triển khai cơ giới hóa trong thu gom rác thải, lắp đặt gần 500 thùng rác công cộng... Ngoài ra, huyện Gia Lâm trồng mới hơn mười nghìn cây xanh; xây dựng 123 đoạn đường hoa dài 33 km.

Xay dung nong thon moi

Tại huyện Hoài Đức, mặc dù là địa bàn nằm trọn trong các quy hoạch phân khu đô thị, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhưng công tác xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm, tổ chức thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế, hiệu quả cao như vùng trồng phật thủ, vùng trồng rau an toàn. Cùng với đó, nhiều khu đô thị, công trình xây dựng khang trang, hiện đại được hình thành. Công tác quản lý đô thị nhiều mặt có chuyển biến tích cực.

Tại huyện Thanh Trì, chương trình xây dựng NTM gắn với xây dựng đô thị được kết hợp thực hiện ngay từ những ngày đầu. Thanh Trì là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức cuộc thi “Trật tự an toàn giao thông và trật tự văn minh đô thị gắn với xây dựng NTM” từ cơ sở đến huyện; đồng thời sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, Thanh Trì cũng tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, đưa khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015, toàn bộ 15 xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước hai năm so với kế hoạch. Năm 2017, huyện Thanh Trì cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM.

HUG2527

Theo đánh giá của đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 thành phố Hà Nội, sau gần 10 năm thực hiện, các huyện ngoại thành đã có sự thay đổi tích cực, nhất là về hạ tầng nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn ít. Các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nhận thức của bộ phận người dân về NTM chưa đầy đủ. Môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế. Hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ. Vì thế, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng văn minh đô thị và vệ sinh môi trường, xây dựng NTM gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí đô thị và khớp nối hạ tầng nông thôn với đô thị, phấn đấu trở thành quận trong thời gian sớm nhất.