Một số quốc gia dùng rồng làm biểu tượng trên quốc kỳ, ý nghĩa thực sự là gì?

Huy Hoàng

Rồng là sinh vật thần thoại, biểu thị cho quyền lực và sức mạnh. Trong khiên chắn và cờ chiến đấu, hình ảnh rồng được sử dụng để đe dọa đối phương. Trên thế giới ngày nay có ít nhất ba quốc gia sử dụng hình rồng trên quốc kỳ.

Bhutan

Quốc kỳ Bhutan. (Ảnh: World Atlas).  

Rồng được khắc họa một cách nổi bật trên quốc kỳ của Bhutan giữa hai mảng màu vàng và cam. Màu cam tượng trưng cho văn hóa tâm linh của Phật giáo, còn màu vàng thể hiện quyền lực của nhà vua, theo Britannica.

Rồng trong lá cờ của Bhutan có màu trắng, thể hiện sự thuần khiết trong hành động và suy nghĩ của người dân nước này. Con rồng nắm giữ ngọc quý, tượng trưng cho sự giàu có và an ninh của quốc gia. Miệng rồng dường như đang gầm gừ, cho thấy người dân sẵn sàng bảo vệ đất nước trước quân xâm lược.

Bhutan là một quốc gia nhỏ có diện tích chỉ bằng khoảng 1/10 Việt Nam, nằm ở rìa phía đông của dãy Himalaya, nép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Đất nước này còn có tên là Druk Yul, có nghĩa “Vùng đất của Rồng Sấm”.

Bhutan khép chặt cửa với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ. Phải đến thập niên 1970, đất nước này mới mở cửa cho du khách. Thay vì theo đuổi tăng trưởng thuần túy, Bhutan tạo ra chỉ số "tổng hạnh phúc quốc gia” và nỗ lực nâng cao chỉ số này. 

Tuy nhiên, Bhutan không phải quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới như nhiều người tưởng. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019, Bhutan xếp thứ 95 trên 156 nước. Lý do chính là Bhutan không giàu bằng những nước khác. Nền kinh tế Bhutan chủ yếu dựa vào nông nghiệp để làm kế sinh nhai cho hơn 770.000 dân. 

Các khảo sát địa chất đã tiết lộ một loạt các mỏ khoáng sản có giá trị ở Bhutan, nhưng khai thác mỏ vẫn là một ngành tăng trưởng chậm trong nền kinh tế nước này.

Xứ Wales

Quốc kỳ xứ Wales. (Ảnh: World Atlas).  

Quốc kỳ của Wales vẽ một con rồng đỏ nổi bật giữa nền màu trắng và xanh lá cây. Theo lịch sử, thiết kế này thể hiện thời đại của Vua Henry VII, người sử dụng rồng làm biểu tượng chiến đấu trong Trận Bosworth của Chiến tranh Hoa hồng.

Rồng đỏ là hình ảnh gắn liền với xứ Wales trong nhiều thế kỷ. Cờ của Wales được coi là một trong những lá cờ cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Tuy hình rồng đỏ đã được sử dụng kể từ năm 655, phải đến năm 1959 nó mới được chính thức công nhận.

Rồng xứ Wales thể hiện niềm tự hào dân tộc. Rồng là biểu tượng của sự gan dạ và dũng cảm. Màu trắng tượng trưng cho hòa bình và sự trung thực, màu xanh lá cây đại diện cho niềm vui và hy vọng.

Wales có dân số  khoảng 3,1 triệu người, với diện tích 20.735 km2. Wales thường được gọi là thủ phủ lâu đài của châu Âu do có số lượng lâu đài trên mỗi kmnhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Mọi đồng xu của Anh đến từ xưởng đúc tiền Royal Mint ở Wales. Điều đáng chú ý là cơ sở này đúc khoảng 5 tỷ đồng xu mỗi năm cho khoảng 60 quốc gia trên thế giới.

GDP bình quân  đầu người của Wales vào năm 2021 là 24.339 bảng Anh, tương đương khoảng 30.550 USD. Một tuần làm việc tiêu chuẩn gồm 37 tiếng và hầu hết người lao động  có khoảng 5 tuần nghỉ lễ mỗi năm.

Malta

Quốc kỳ Malta. (Ảnh: Britannica). 

Quốc kỳ Malta bao gồm hai màu trắng và đỏ. Nguồn gốc của hai màu này có thể bắt nguồn từ lá cờ của Dòng Hiệp sĩ Malta có hình chữ thập màu trắng trên nền đỏ. Khi nhìn kỹ hơn vào quốc kỳ Malta, bạn sẽ thấy hình ảnh Thập tự thánh George ở góc trên cùng bên trái. 

Ở giữa thập tự là hình vị Thánh George chiến đấu với rồng. Thập tự Thánh George được vua George VI của Anh trao tặng cho Malta vì sự giúp đỡ quả cảm của nước này cho các đồng minh trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Malta là quốc đảo nằm ở trung tâm biển Địa Trung Hải. Người Malta nổi tiếng vì sự ấm áp, hiếu khách và rộng lượng với người lạ. Quốc gia này được tạo thành từ 5 hòn đảo, bao gồm hòn đảo lớn nhất là Malta, Gozo, Comino, Filfla và Kemmunett. Tuy nhiên, diện tích của Malta chỉ vỏn vẹn 316 km2, biến nơi này thành một trong những quốc gia có mật độ dân số đông nhất trên thế giới – 1.703 người/km2.

Malta gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004. Nền kinh tế Malta đối mặt với nhiều hạn chế vì thị trường nội địa nhỏ. Malta phụ thuộc vào nhiều nước khác để có được nhiều mặt hàng nhập khẩu