Một vài kỷ niệm với cụ Đinh Quang Tuệ

Sau này, khi các cụ CCBXT xuất bản tập “Theo vết xích xe tăng” Tập 1 và 2, được đọc mấy mẩu hồi ký của cụ Đinh Quang Tuệ trong đó tôi mới hiểu lý do vì sao mà cụ dày dạn chiến trường và hiểu biết như vậy. Thì ra, cụ đã nhập ngũ từ kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại đã là cán bộ đại đội và là một trong những cán bộ lứa đầu tiên được chọn đi học về chỉ huy xe tăng ở Liên Xô. Cụ cũng là người vào chiến trường miền Nam sớm, ngay từ những năm 1967-1968.

dinh-quang-tue1-1630427986.jpg 

Hôm nay, cơ quan và gia đình tổ chức lễ tang cho cụ Đại tá- PGS Đinh Quang Tuệ, nguyên Phó Chủ nhiệm quyền Chủ nhiệm Khoa TTG, HVQP, tại Nhà tang lễ quốc gia 5 Trần Thánh Tông. Hà Nội. Đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16+ một cách vô cùng chặt chẽ nên tôi không thể nào tới viếng cụ được, đành phải từ xa vái vọng tiễn biệt cụ. Ngồi tưởng nhớ cụ, những kỷ niệm xưa lại ùa về.

Tháng 4.1973, sau khi Hiệp định Pa- ri có hiệu lực và tình hình mặt trận đã khá yên ổn, Tiểu đoàn xe tăng 408 của chúng tôi có lệnh tập kết về phía Bắc sân bay A Lưới để trấn giữ địa bàn có ý nghĩa chiến lược này. Từ hậu cứ km 108 Đại đội 3 cơ động ngược ra, còn Đại đội 4 cũng từ đường 12 cơ động về. BCH tiểu đoàn đi trinh sát và quyết định đứng chân ở khu vực bản Alenoc- quê hương của AH Vai và Kan Lịch (nay là xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, TTH). Lúc này tôi vẫn còn ở Đại đội 3.

Chuyển đến vị trí mới, có rất nhiều công việc chúng tôi phải làm. Đầu tiên là đào hầm xe, làm lán xe, tiếp đó là làm nhà bếp, nhà ăn, nhà ở và các công trình khác. Tất cả do lính lo hết. Hàng ngày, chúng tôi cắm đầu cắm cổ lên rừng chặt gỗ, chặt tre, kiếm sặt, cắt tranh… để chạy đua với mùa mưa sắp đến.

Đúng lúc đó, tôi bị sốt rét quật ngã. Đang ngồi xem trận bóng chuyền giữa Đại đội 3 và tiểu đoàn bộ thì tôi thấy xây sẩm mặt mày. Mấy thắng quê đỡ tôi vào nhà và gọi y tá. Y tá Ban xuống cặp nhiệt độ: 39,5 độ C. Hắn bảo: “Quê sốt rét rồi!”. Thế là hắn đè nghiến tôi ra cắm một mũi quinine vào mông.

Tôi mê mệt mất chừng 1 tuần thì cắt sốt nhưng còn yếu lắm. Công việc vẫn bời bời ra song không thể đi rừng được nên bt Phùng giao cho tôi nhiệm vụ ngồi gác cổng. Thì là đơn vị quân đội nên cũng phải chính quy một chút chứ ở cái chốn này làm gì có ai qua lại.

Thế là hàng ngày, tôi ôm khẩu AK ra vọng gác ngồi. Người thì mệt rũ ra nhưng cũng phải cố mà ngồi vì biết anh em đang vất vả lắm. Rỗi rãi, tôi đem cuốn “Sổ tay toán học sơ cấp” ra đọc song nó chẳng vào đầu tý nào cả.

Một buổi chiều, tôi hơi ngạc nhiên vì phát hiện từ xa một bóng người đang đi tới. Khi còn xa, nhìn cái dáng hơi thấp và nước da đen đen tôi nghĩ là đồng bào Pako. Song khi người đó đến gần thì tôi nhận ra đó là một “bác” bộ đội. Với chiếc ba lô trên lưng và khẩu K59 đeo ngang hông thì chắc là bộ đội rồi. Còn gọi là bác bởi người đó đã khá đứng tuổi, chắc ngoài 40. Bác bộ đội đến gần, tôi càng nhìn rõ hơn. Đặc điểm dễ nhận nhất ở bác là vầng trán rất cao và đôi mắt tinh anh, vui vẻ. Đến trước vọng gác, bác hỏi tôi: “Đây là đơn vị xe tăng phải không?”. Khi tôi trả lời “Đúng ạ” thì bác tự giới thiệu: “Tôi là Tuệ ở quân khu về làm việc”. Cũng chẳng thấy bác ấy trình giấy tờ gì song tôi tin ngay và chỉ đường cho bác vào nhà ban chỉ huy. Tối hôm đó, hỏi mấy anh cán bộ trung đội thì được biết, đó là thủ trưởng Tuệ, cán bộ Phòng TTG của quân khu xuống nắm tình hình.

Cũng chẳng biết bác ấy làm việc gì với đơn vị. Còn tôi thì thấy rất ngạc nhiên: giữa chiến trường mà một cán bộ- ít ra cũng phải trung cấp vượt hàng trăm cây số xuống đơn vị cơ sở mà chẳng có công vụ, liên lạc đi cùng gì cả. Chả bù cho ông Đô đại trưởng của tôi mới trung úy mà đi đâu cũng tiền hô, hậu ủng rình dang. Tôi nghĩ, đó là chắc chắn đó phải là một người rất dũng cảm và rất giản dị nữa chứ. Tôi giữ mãi ấn tượng đó trong mình và mong sẽ có ngày được gặp lại bác bộ đội đó một lần.

dinh-quang-tue13-1630427986.jpg 

Sau ngày thống nhất, tôi đi học SQTTG. Ra trường được phân về làm giáo viên Khoa Vũ khí và bắn (Khoa Pháo súng). Tại đây, cùng trang lứa có Đinh Xuân Quang- biệt danh “Quang Còi”, học trước tôi 1 khóa. Khi biết đó là con trai cụ Đinh Quang Tuệ, tôi nhớ ra ngay bác bộ đội năm xưa. Kể ra cũng hơi giống nhưng tay này mảnh khảnh quá, còn “bác bộ đội” kia thấp nhưng đậm người cơ. Chúng tôi ở cùng nhau không lâu vì Quang đi K chiến đấu nên cũng chưa kịp tìm hiểu xem “bác bộ đội” của tôi hiện thời ra sao.

Và rồi phải đến 20 năm sau tôi mới gặp lại bác. Hồi đó, tôi đã về công tác tại Bộ Tư lệnh TTG. Trong một đợt tập huấn, chúng tôi được nghe một báo cáo chuyên đề về “Nghệ thuật sử dụng TTG trong CD Hồ Chí Minh” do đồng chí Đinh Quang Tuệ- giáo viên khoa TTG của HVQSCC trình bày. Nghe giới thiệu tôi đã ngờ ngợ. Và khi diễn giả xuất hiện trên diễn đàn thì tôi nhận ra đó chính là “bác bộ đội” giản dị đã đến đơn vị mình hồi năm 1973. Phải nói chuyên đề đó được chuẩn bị rất công phu và người trình bày cũng rất uyên bác, đã chỉ rõ một cách rõ ràng, khoa học về cách sử dụng TTG trên các hướng chiến dịch. Và qua nghe chuyên đề này, tôi- một chiến sĩ của Lữ đoàn XT 203, một người trong cuộc mới ngộ ra lý do tại sao cho đến sáng 30.4, chúng tôi vẫn còn ở tận cầu Xa Lộ (Đồng Nai), cách trung tâm SG 30 km, trong khi nhiều đơn vị đã áp sát SG mà chúng tôi lại đến đích sớm nhất. Sở dĩ có sự khác biệt đó chính là do nghệ thuật sử dụng TTG của BTL quân đoàn 2 là hết sức sáng tạo, quyết đoán. Từ thực tế lực lượng TTG lúc đó còn rất khiêm tốn, thông thường khi sử dụng là xe tăng được xé ra đi phối thuộc với bộ binh, do BB chỉ huy (người ta hay khoác cho nó cái tên người chỉ huy BCHT) và tất nhiên là đánh theo cách đánh của BB. Trong khi các cánh quân kia làm như vậy thì tướng Nguyễn Hữu An- TL Quân đoàn 2 đã quyết định làm khác đi: Tổ chức binh đoàn thọc sâu với TTG là chủ yếu và giao cho Lữ trưởng xe tăng Nguyễn Tất Tài và Chính ủy Bùi Văn Tùng chỉ huy. Và tất nhiên là, xe tăng đã chỉ huy thì binh đoàn sẽ tác chiến theo cách đánh của xe tăng. Nhờ đó, tốc độ tiến công được đẩy lên cao nhất, dẫn đến đến đích sớm nhất mặc dù ở xa nhất. Vậy là, trong tôi có thêm một ấn tượng nữa về ông “bác bộ đội” này, đó là sự thông tuệ.

Sau này, khi các cụ CCBXT xuất bản tập “Theo vết xích xe tăng” Tập 1 và 2, được đọc mấy mẩu hồi ký của cụ Đinh Quang Tuệ trong đó tôi mới hiểu lý do vì sao mà cụ dày dạn chiến trường và hiểu biết như vậy. Thì ra, cụ đã nhập ngũ từ kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại đã là cán bộ đại đội và là một trong những cán bộ lứa đầu tiên được chọn đi học về chỉ huy xe tăng ở Liên Xô. Cụ cũng là người vào chiến trường miền Nam sớm, ngay từ những năm 1967-1968. Trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, chính cụ là đại diện xe tăng tại Sở chỉ huy Trung đoàn 64 đánh điểm cao 543. Cũng chính cụ là người đề nghị thay đổi hướng tiến công từ hướng Bắc xuống hướng Đông Nam. Vì thay đổi phải đi trinh sát lại và nhóm trinh sát của cụ đã “tao ngộ chiến” với các thiên thần mũ đỏ của QĐ Sài Gòn. Gần chục người các cụ đã trụ lại trong 1 căn hầm điều tiết giao thông trên bờ suối Tà Năng, đánh lui 7 đợt tiến công của địch và trở về an toàn. Nhờ thay đổi hướng tiến công nên xe tăng đã hỗ trợ tích cực cho BB chiến đấu, xe 555 lao lên đỉnh hầm chỉ huy địch, tạo điều kiện cho BB bắt sống đại tá Thọ- Lữ trưởng Lữ Dù 3. Được đào tạo cơ bản, lại có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường chính là cơ sở cho sự dũng cảm và thông tuệ đó. Còn sự giản dị chắc là do tính cách con người.

Song phải đến khi về hưu, tôi mới chính thức được gặp lại cụ. Với ý định viết bộ TT sử thi “Bão Thép”, tôi cần phải tìm gặp các cây đa, cây đề của binh chủng để tìm hiểu. Và một trong số những người tôi tìm đến chính là cụ. Lúc này cụ đã được phong hàm Phó GS và cũng đã nghỉ hưu. Gặp lại cụ, sau nội dung chính, tôi hỏi về chuyến đi vào A Lưới năm 1973, cụ vẫn nhớ và cho biết: đó là thời điểm hai mặt trận B4 và B5 sáp nhập với nhau, trước đó B4 có tiểu đoàn xe tăng song không có phòng tăng. Các cụ ở phòng Tăng B5 thì không nắm được bọn tôi nên có chuyến đi đó nhằm khảo sát, nắm tình hình và sau đó là đưa tiểu đoàn tôi về biên chế Lữ đoàn XT203. Khi nhắc lại chuyện ấy, lại biết tôi có thời cùng công tác với con trai cụ, cụ quý tôi lắm. Về phía tôi, một LXT hậu bối cũng coi cụ như bậc cha chú của mình. 

dinh-quang-tue12-1630427987.jpg 

Từ đó về sau, thỉnh thoảng tôi lại gặp cụ. Khi là để hỏi một chuyện gì đó, khi đơn giản là đến thăm cụ. Nhất là từ khi nhóm LXT được thành lập, con trai của cụ- Đinh Quang cũng là một thành viên tích cực thì tôi gặp cụ thường xuyên hơn. Khi LXT chọn 16 HQV làm trụ sở thì tôi còn đưa được nhiều anh chị em LXT đến thăm cụ. Thời gian này, tuổi cụ đã cao, sức khỏe đã kém song đầu óc vẫn hoàn toàn minh mẫn, đặc biệt là vẻ an nhiên tự tại lúc nào cũng hiển hiện rõ ở cụ. Cụ tỏ ra bằng lòng với những gì mình có, vẫn sống giản dị và hình như không muốn làm phiền nhiều đến con cháu và mọi người.

Lần gần đây nhất tôi gặp cụ là cuối tháng 4.2021, trước khi làn sóng thứ tư của đại dịch COVID tràn đến. Cụ yếu đi nhiều nhưng khí lực vẫn khá mạnh. Tôi không nghĩ cụ ra đi sớm vậy! Thế cho nên khi nghe tin cụ mất, tôi đã bàng hoàng mất vài phút, không nói nên lời. Cũng vì đại dịch, hôm nay không đến đưa tiễn cụ được, xin có vài lời tự đáy lòng thay nén tâm nhang thắp cho cụ.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt cụ Đinh Quang Tuệ- người lính xe tăng thế hệ đầu tiên- tận tụy, thông tuệ, dũng cảm và giản dị, người cha, người ông mẫu mực. Cầu mong cụ yên nghỉ cõi vĩnh hằng, phù hộ độ trì cho con cháu và người thân được mọi sự tốt lành!