Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích để tiêu diệt thiếu tướng Qassim Suleim, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, rạng sáng thứ Sáu, với lý do “chặn đứng một cuộc chiến tranh” và ngăn các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ, báo Mỹ The New York Times đưa tin ngày 4/1.
Động thái liều lĩnh nhất, sai lầm nhất?
Các nhà phân tích nhận định, vụ phóng tên lửa từ máy bay không người lái này được coi là động thái liều lĩnh nhất của Mỹ ở Trung Đông kể từ Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 và có khả năng thổi bùng sự thù địch chống Mỹ khắp khu vực, CNN đưa tin ngày 4/1.
Các chết của tư lệnh Qassim Suleimani được coi là đòn đau giáng mạnh vào Iran và lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi trả đũa Mỹ và tuyên bố 3 ngày quốc tang.
“Ông ấy (Suleimani) ra đi gặp Thượng đế, không phải chấm dứt con đường hoặc sứ mệnh của mình. Nhưng một cuộc trả thù dữ dội đang chờ đợi những tên tội phạm tay vấy máu ông ấy và máy những người tử vì đạo khác tối qua”, lãnh đạo tối cao Khamenei tuyên bố.
“Quốc gia vĩ đại Iran sẽ trả thù cho hành động tàn ác này”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu về cuộc không kích của Mỹ ở Iraq nhằm tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani - người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran.
Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran cũng cam kết trả thù cho tướng Suleimani vào “một thời điểm và địa điểm thích hợp”. Cơ quan này nói rằng, họ đã quyết định về cách thức trả thù.
“Mỹ nên biết rằng vụ tấn công trọng tội của mình nhằm vào tướng Soleimani là sai lầm lớn nhất của Mỹ ở Tây Á và Mỹ sẽ không dễ tránh được hậu quả của tính toán sai lầm này. Những tên tội phạm này sẽ phải đối mặt sự trả thù nghiêm khắc ở địa điểm và vào thời điểm thích hợp”, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao tuyên bố”, The Telegraph đưa tin.
Vụ không kích của Mỹ làm dấy lên các hoạt động tập trung đông người để tang, tưởng niệm tướng Suleimani ở Iran và các đồng minh của nước này ở khắp Trung Đông. Các quan chức Iran nói rằng, thi thể của ông Suleimani sẽ xuất hiện lễ rước vòng quanh thủ đô Baghdad của Iraq và tang lễ sẽ được tổ chức hôm Chủ nhật ở thủ đô Tehran của Iran.
Abu Mahdi al-Muhandis (giữa), phó tư lệnh lực lượng dân quân Iraq, cũng thiệt mạng trong vụ không kích ở sân bay Baghdad. Ảnh: Reuters.
Hôm qua, nhiều người tập trung tại các địa điểm công cộng ở Iran để biểu tình phản đối Mỹ. Hình ảnh chiếu trên truyền hình nhà nước Iran cho thấy hàng nghìn người ủng hộ tướng Suleimani tập trung trước nhà ông ở Kerman và ở nhiều thành phố khác để tưởng niệm.
Vài giờ sau vụ không kích của Mỹ, trên Twitter và Instagram, hàng ngàn tài khoản mạng xã hội ủng hộ Iran gắn thẻ Nhà Trắng với những lời dọa giết và đăng ảnh Tổng thống Trump với quan tài. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng, Iran có thể thực hiện các vụ tấn công mạng để trả đũa cho cái chết của tướng Suleimani, có thể là nhằm vào khu vực tư nhân của Mỹ.
Xe chở tướng Iran Suleimani trúng 2 quả tên lửa khi đoàn xe rời sân bay quốc tế Baghdad của Iraq tối thứ Sáu. Ảnh vệ tinh: Maxar.
Lý do Mỹ nhằm vào tướng Suleimani
Thứ Sáu, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng, tướng Suleimani, 62 tuổi, “đã sát hại hoặc làm trọng thương hàng ngàn người Mỹ trong một thời gian dài và đang lên kế hoạch giết nhiều người nữa… nhưng đã bị xử lý. Ông ta trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu người”.
“Chúng ta hành động tối qua để chặn đứng chiến tranh, chúng ta không hành động để khai chiến”, Tổng thống Trump tuyên bố. Ông nói Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran nhưng kêu gọi nước này ngay lập tức chấm dứt gây hấn trong khu vực.
Tổng thống Trump cũng cảnh cáo Iran về việc trả đũa. “Nếu người Mỹ ở bất kỳ đâu bị đe dọa, chúng ta đã xác định đầy đủ tất cả các mục tiêu đó và tôi đã sẵn sàng để có mọi hành động cần thiết”, ông tuyên bố.
Thiếu tướng Qassim Suleimani hồi tháng 10/2019. Nguồn: AP.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, nếu Soleimani không là mục tiêu trong vụ không kích sân bay Baghdad, một vụ tấn công do ông này đạo diễn "có thể đã giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ". Vụ Mỹ không kích giết chết tướng Soleimani cũng có thể cứu mạng người châu Âu, ông Pompeo nói.
Vai trò to lớn của tư lệnh Quds có nghĩa rằng, cái chết của ông này có thể có tác động tại mọi quốc gia ở Trung Đông – nơi Iran và Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng.
Vụ không kích do một chiếc máy bay không người lái MQ-9 thực hiện. Chiếc drone này phóng vài quả tên lửa vào đoàn xe đang rời sân bay quốc tế Baghdad. Một số quan chức lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn cũng thiệt mạng.
“Vụ tấn công này nhằm răn đe các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai”, Lầu Năm Góc tuyên bố. Mỹ từ lâu bất hòa với Iran về chương trình hạt nhân của Iran và ảnh hưởng của nước này ở Iraq và các nước khác trong khu vực. Sự căng thẳng này gia tăng dưới thời Tổng thống Trump.
Được coi là ứng viên lãnh đạo Iran trong tương lai, tướng Suleimani cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, The Telegraph nhận định. Theo báo Anh, ông này đã thoát chết trong một số vụ ám sát do các cơ quan của Ả rập, Israel và phương Tây thực hiện trong 2 thập kỷ qua.
Theo phía Mỹ, tướng Suleimani giám sát nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu Israel và Do Thái và ông này có liên quan vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Israel ở Argentina hồi thập niên 1990. Ông này đóng vai trò quan trọng trong chiến sự ở Syria và Iraq.
Các quan chức Mỹ cáo buộc ông Suleimani gây ra cái chết của hàng trăm binh sĩ trong chiến tranh Iraq và tin rằng ông đã đóng vai trò trung tâm trong việc sắp xếp để Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ở Iran, tướng Suleimani là nhân vật chính trị được tôn trọng trong số những người có quan điểm cứng rắn và thân cận với lãnh đạo tối cao Khamenei. Đối với nhiều người Iran, ông Suleimani là anh hùng chiến tranh sau khi trở thành tư lệnh trong độ tuổi 20 hồi chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.
Sau khi ông Suleimani chết, đại giáo chủ Khamenei chỉ định chuẩn tướng Ismail Qaani, 62 tuổi (làm phó tư lệnh Quds từ năm 1997), làm tư lệnh lực lượng này, Reuters đưa tin.
Tân tư lệnh Quds, chuẩn tướng Ismail Qaani – người bị Bộ Tài chính Mỹ cho vào danh sách đen năm 2012 vì “giải ngân cho các nhóm khủng bố”. Ảnh: EPA.
Vụ không kích hôm thứ Sáu là sự leo thang mới nhất giữa Mỹ và Iran sau khi một vụ tấn công bằng rocket nhằm vào một vụ căn cứ quân sự ở Iraq hồi trước khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng. Phía Mỹ tin rằng, lực lượng dân quân do Iran hậu thuận thực hiện vụ phóng rocket.
Mỹ trả đũa bằng các đòn không kích nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, khiến 24 người thiệt mạng và dấy lên ý kiến chỉ trích rằng, vụ tấn công đó vi phạm chủ quyền của Iraq.
Những người biểu tình ủng hộ Iran đã xông vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Iraq hôm thứ Hai, khiến Tổng thống Trump phải ra lệnh gửi thêm gần 750 quân nhân Mỹ tới Trung Đông.
Người dân Iran cầu nguyện cho tướng Suleimani tại thủ đô Tehran sau vụ không kích. Ảnh: Getty.
Người Mỹ sơ tán khỏi Iraq, giá dầu tăng, eo biển Hormuz có thể bị tấn công
Sau vụ không kích nhằm vào tướng Suleimani, với lý do “căng thẳng leo thang”, Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục các công dân Mỹ lập tức rời khỏi Iraq.
Sau khi có tin tướng Suleimani chết, giá dầu thô Brent (chỉ số quốc tế về dầu mỏ) giao dịch trên thị trường Hong Kong tăng 3 USD lên gần 70 USD/thùng. Trước đó, hồi tháng 9/2019, giá dầu đã tăng mạnh sau vụ drone tấn công hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Ả rập Xê út khiến 5% nguồn cung dầu mỏ của thế giới bị gián đoạn tạm thời.
Vào lúc 11 giờ sáng ở London, giá dầu thô Brent tăng lên 69,2 USD/thùng, cao nhất trong 3 tháng qua.
Các công ty dầu mỏ quốc tế đóng tại thành phố Basra ở đông nam Iraq đã bắt đầu sơ tán nhân viên người Mỹ, theo trang tin Al Arabiya.
Liệu xung đột ở Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu? Nguy cơ này rõ hơn sau khi Mỹ không kích nhằm vào tư lệnh Soleimani của Iran.
Iran đã cam kết trả đũa và có một nơi rất dễ bị tổn thương nếu Iran ra tay - eo biển Hormuz ở bờ biển phía nam của nước này, CNN nhận định.
Eo biển Hormuz (chỗ hẹp nhất chỉ rộng 33,6 km) là con đường duy nhất để vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư ra thế giới. Năm ngoái xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào hai tàu (một chở dầu và một chở hóa chất) ở vịnh Oman gần đó khiến giá dầu tăng vọt trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích của Eurasia Group (công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị có trụ sở chính ở Mỹ) cho rằng, các phản ứng của Iran trước việc tướng Soleimani bị giết có thể bao gồm nỗ lực gây gián đoạn vận tải ở vịnh Ba Tư.
“Iran có thể nối lại việc quấy nhiễu việc vận tải thương mại ở vịnh Ba Tư và cũng có thể tổ chức tập trận để tạm thời gây gián đoạn vận tải biển”, các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định.
Nếu eo biển Hormuz bị đóng vì nguy cơ tấn công thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới.
Eo biển Hormuz (nối vịnh Oman và vịnh Ba Tư) “là tử huyệt quan trọng nhất của thế giới”, Cục Thông tin năng lượng Mỹ nhận định. Các tuyến vận tải có thể phục vụ tàu chở dầu siêu trọng chỉ có 3,6km chiều rộng đi vào và đi ra vịnh, buộc tàu hàng phải đi qua vùng biển của Iran và Oman.
Lượng dầu đi qua eo biển Hormuz đang giảm, với gần 80% lượng dầu thô có đích đến là châu Á. Kinh tế toàn cầu không thể vận hành nếu thiếu nguồn cung này.
Lượng dầu đi qua eo biển Hormuz hiện gần gấp đôi toàn bộ sản lượng dầu của Mỹ (tính cả sản lượng tăng thêm gần đây của nước này).
Một số hãng hàng không đang đình chỉ các chuyến bay tới và rời Iraq. Hãng hàng không quốc gia của Bahrain, Gulf Air, vừa tuyên bố tạm dừng các chuyến bay giữa Baghdad và Najaf “vì lý do an toàn và an ninh” cho đến khi có thông báo mới.
Hãng hàng không Royal Jordanian Airlines của Jordan đã đình chỉ các chuyến bay tới Baghdad vì “tình hình an ninh ở thành phố này và tại sân bay không ổn định”, nhật báo Al-Rai đưa tin.
Người biểu tình đốt cờ Mỹ ở Tehran sau vụ không kích nhằm vào tướng Suleimani. Ảnh: EPA.
Mỹ cam kết giảm căng thẳng
Trước nguy cơ xung đột ở Trung Đông và rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, Mỹ đang có động thái “rút củi đáy nồi”, “cơm sôi bớt lửa”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, hôm thứ Sáu, ông đã nói chuyện với những người đồng cấp của Anh, Trung Quốc và Đức về việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là Tổng thống Trump gần đây quyết định tấn công để “phản ứng các mối đe dọa trước mắt đối với sinh mạng người Mỹ”, The New York Times đưa tin.
Ông Pompeo nói với những người đồng cấp nước ngoài rằng, Mỹ cam kết giảm căng thẳng. Ông đã đăng một số tuyên bố và một video lên Twitter nói rằng, người Iraq “đang nhảy múa trên đường phố”. “Người Iraq, người Iraq đang nhảy múa trên đường phố ăn mừng tự do, cảm ơn rằng tướng Soleimani đã không còn trên đời”, ông viết.
“Đây là người đàn ông đã đặt mạng sống của người Mỹ vào vòng nguy hiểm trong một thời gian rất dài. Tối qua là thời điểm chúng ta cần tấn công để đảm bảo rằng vụ tấn công sắp xảy ra mà ông ta đang tích cực chuẩn bị phải bị ngăn chặn”, Ngoại trưởng Mỹ nói với CNN. Ông Pompeo từ chối nói chi tiết về vụ tấn công nhằm vào người Mỹ mà tướng Soleimani của Iran đang sắp xếp.
Một quan chức Mỹ biết rõ về vụ tấn công bằng drone của Mỹ vào sân bay Baghdad nói rằng, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang cố hình dung chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Vị quan chức giấu tên này nói rằng, phản ứng dữ dội về cái chết của tướng Suleimani có thể nghiêm trọng hơn sự căng thẳng sau vụ Mỹ truy kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011. Lãnh đạo của Al Qaeda là một phần của một lực lượng không quốc tịch, không thuộc nước nào cả và không được quốc tế ủng hộ. Trong khi đó, Iran là một quốc gia có chủ quyền, được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper phóng tên lửa. Ảnh: Unconventionalwar.
Phản ứng của các nước
Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Majid Takht Ravanchi nói rằng, vụ giết hại tướng Suleimani là “hành động chiến tranh” và thề rằng “sẽ báo thù tàn khốc”. “Tối qua, họ đã bắt đầu cuộc chiến quân sự bằng cách ám sát, bằng một hành động khủng bố, một trong các vị tướng hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi không thể ngồi im. Chúng tôi phải hành động và chúng tôi sẽ hành đông”, ông Ravanchi nói với CNN.
Khi được hỏi liệu Iran có hành động quân sự, Đại sứ Ravanchi trả lời: “Hãy để tương lai chứng kiến”.
Các đồng minh của Iran khắp thế giới Ả rập lên án Mỹ, thể hiện sức mạnh của mạng lưới khu vực mà tướng Suleimani dành phần lớn đời mình xây dựng, bao gồm mối các mối liên hệ với chỉnh phủ Syria và các lực lượng dân quân ở Li-băng, Gaza, Yemen và nhiều nơi khác.
Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng căng thẳng gần đây ở Trung Đông, người phát ngôn của Tổng thư ký, ông Farhan Haq, cho biết. “Thế giới không thể chịu thêm một chiến tranh vùng Vịnh nữa. Đây là thời điểm mà các nhà lãnh đạo phải kiềm chế tối đa”, LHQ ra tuyên bố.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vụ không kích có thể chấm dứt triển vọng đàm phán để cứu thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Iran ký năm 2015 với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức.
Bộ Ngoại giao Nga gọi vụ giết tướng Suleimani là “một bước phiêu lưu sẽ làm gia tăng căng thẳng khắp khu vực”. “Trung Quốc luôn phản đối dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, Xinhua dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Phía Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên, “đặc biệt là Mỹ” kiềm chế.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Chúng tôi luôn nhận ra nguy cơ gây hấn của lực lượng Quds của Iran mà Qassim Suleimani. Sau cái chết của ông ta, chúng tôi thúc giục tất cả các bên giảm căng thẳng”.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cắt ngắn chuyến thăm chính thức tới Hy Lạp để về nước sau khi Mỹ không kích nhằm vào tướng Suleimani. Trước khi lên máy bay, ông Netanyahu khen Tổng thống Mỹ “hành động nhanh gọn, mạnh mẽ và quyết đoán”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói: “Israel sát cánh với Mỹ trong đấu tranh vì hòa bình, an ninh và tự vệ”. Ảnh: Getty Images.